1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội hoãn đặt tên phố mới theo tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô

(Dân trí) - Tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô – người hiến tặng nhà nước hơn 5.000 lượng vàng trong năm 1945 chưa được đặt tên cho tuyến phố dài 1,2km trên địa bàn quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.

Trong tờ trình mới nhất của UBND TP Hà Nội lên HĐND TP về việc đặt và điều chỉnh độ dài các tuyến phố vừa được Ban Pháp chế và các đơn vị liên quan xem xét chỉ có 19 tuyến phố, chứ không phải 20 tuyến phố như trước đây.

Tuyến phố mới mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô được đưa ra khỏi danh sách đặt và điều chỉnh độ dài trình HĐND TP Hà Nội thống nhất thông qua vào đầu tháng 12 tới.

Theo dự kiến trước đây của TP Hà Nội, phố Trịnh Văn Bô có chiều dài 1,2 km, rộng 7,5 - điểm giao cắt phố Nguyễn Đình Hoàn tại cầu T11, đến ngã ba giao cắt đường Phùng Chí Kiên tại cổng sau Học viện Quốc phòng.

Hà Nội hoãn việc đặt tên phố mới mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô
Hà Nội hoãn việc đặt tên phố mới mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô

“Do chưa đạt được sự thống nhất với gia đình nên tuyến phố mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô bị hoãn lại không trình HĐND TP thông qua kỳ họp diễn ra vào đầu tháng 12 tới”, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội Tô Văn Động giải thích.

Theo ông Tô Văn Động, thời gian tới, đơn vị có trách nhiệm sẽ làm việc với đại diện gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô để làm rõ những vấn đề liên quan. Từ đó, thành phố và gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô có thể thống nhất việc đặt tuyến phố mang tên nhà tư sản này vào kỳ họp HĐND TP Hà Nội diễn ra trong năm 2018.

Cụ Trịnh Văn Bô là một thương nhân theo chủ nghĩa dân tộc, nổi tiếng giữa thế kỷ 20. Trong Tuần lễ Vàng năm 1945, ông ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam 5.147 lượng vàng.

Gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô sở hữu ngôi nhà tại 48 Hàng Ngang. Đến Cách mạng Tháng Tám 1945, vợ chồng cụ dành ngôi nhà 48 Hàng Ngang để cán bộ cách mạng làm việc.

Ngôi nhà 48 Hàng Ngang là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945. Sau đó gia đình cụ cũng hiến căn nhà này cho Nhà nước để làm di tích cách mạng.

Quang Phong