1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội: Đường vượt Ngã Tư Vọng cao tương đương nhà 7 tầng

(Dân trí) - Tổng Giám đốc Công ty TEDI Phạm Hữu Sơn cho biết, 3 giải pháp xây dựng đường đi qua nút giao Ngã Tư Vọng là xây chui xuống đất, làm tầng hai hoặc tầng ba cao 32,8m (tương đương tòa nhà 7 tầng). Còn nút Ngã Tư Sở sẽ làm cầu vượt.

Ngày 18/8, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - TEDI (Bộ Giao thông vận tải) có báo cáo UBND thành phố Hà Nội về phương án xây dựng đường vành đai 2 tuyến trên cao từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở. TEDI cũng đưa ra những phương án thiết kế xây dựng đường vành đai 2 vượt qua các nút giao với cầu Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở để giải đáp băn khoăn về một số thông tin cho rằng việc xây đường phải phá cầu là không chính xác.
 
Hà Nội: Đường vượt Ngã Tư Vọng cao tương đương nhà 7 tầng - 1
Phương án thiết kế đường vành đai 2 cao bằng tòa nhà 7 tầng

Đi trên cao hoặc chui xuống đất
 
Theo ông Sơn, trong quy hoạch Hà Nội sẽ xây dựng 4 trục đường trên cao ở vành đai 2 (Vĩnh Tuy - Bưởi); vành đai 3 (Nam Thăng Long - Pháp Vân, đang triển khai đoạn Mai Dịch - Pháp Vân); Tôn Thất Tùng - đường 3,5; Vành đai 3 - Tam Trinh. Ngoài tuyến đường trên cao ở vành đai 3 đang được Bộ GTVT xây dựng, tuyến đường trên cao ở vành đai 2, cũng là tuyến trọng điểm ưu tiên đầu tư. Tuy nhiên, vì tính chất phức tạp nên việc thiết kế xây dựng tuyến đường vượt nút giao Ngã Tư Vọng khiến ông Sơn và lãnh đạo TEDI còn nhiều băn khoăn.

“Nút ngã Tư Vọng chúng tôi trăn trở rất nhiều vì hiện nay đã tồn tại cầu Vọng cao khoảng 13m. Bên cạnh đó là dự án tuyến đường sắt trên cao Yên Viên - Ngọc Hồi và về chuyên môn thì đường sắt được ưu tiên hơn”, ông Sơn nói.

Để giải quyết “nút thắt” này, ông Sơn cho biết, TEDI đưa ra ba nhóm phương án. Thứ nhất là làm đường chui xuống dưới. “Đường sắt và cầu vượt hiện nay đi trên cao thì hoàn toàn có thể làm được đường chui xuống dưới”, ông Sơn đánh giá.

Phương án hai mà TEDI đưa ra là “tôn trọng” cầu hiện tại, để đường trên cao vành đai 2 đi chui ở tầng 2 (chui giữa đường sắt và cầu Vọng hiện nay). “Nếu không xem xét đường sắt trên cao thì có thể nói đây là phương án khả thi nhất, giải quyết được tổng thể quy hoạch. Tuy nhiên, nếu làm như vậy thì đường sắt trên cao phải thay đổi toàn bộ hệ thống nhà ga và việc xử lý độ dốc đối với đường sắt tương đối phức tạp”, ông Sơn nhận định.

Do vậy, TEDI đưa ra phương 3 để Hà Nội nghiên cứu. Theo đó, đây là phương án xây tầng 3, cao gần 33m (cao hơn 10m so với đường sắt trên cao). Theo ông Sơn chiều cao này tương đương với tòa nhà 7 tầng. “Quan điểm của cá nhân tôi thì việc này không có vấn đề gì vì nhiều nước trên thế giới đã làm”, ông Sơn nói. Để phương án này khả thi, phía TEDI sẽ đề nghị giảm độ cao tuyến đường sắt xuống gần 2m từ hơn 24m xuống gần 23m.

Nút giao đường trên cao với ngã Tư Sở, TEDI đề xuất làm đường vượt luôn qua cây cầu này. Còn tại nút Vĩnh Tuy sẽ xây dựng đường ra vào đường trên cao. Về mặt kỹ thuật để thuận lợi cho đường dẫn cho phương tiện giao thông đi lên đường trên cao, phía tư vấn đề xuất tiếp tục giải phóng mặt bằng ra ngoài chỉ giới đã có hiện nay.

Để tiết kiệm thời gian và chi phí, ông Sơn cho rằng nên thi công đồng thời 2 dự án đường dưới mặt đất và đường trên cao.

Mặt đường trên cao rộng 19m

Theo ông Sơn, dự án đường vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - ngã Tư Sở với chiều dài 5,94km. Tuyến đường trên cao này nằm ở tim đường quy hoạch 53,5m, đảm bảo quy mô 4 làn xe, rộng 19m. Không gian cây cầu chiếm ở phía dưới mặt đất là 4m, diện tích đất còn lại vẫn dành cho giao thông, đảm bảo mỗi bên là 3 làn xe cơ giới và có 1 dải xe hỗn hợp rộng 6m, vỉa hè cũng 6m. Để có cảnh quan như trồng cây xanh, không gian sinh hoạt của người dân phía dưới không bị ảnh hưởng, phía TEDI đề xuất xây dựng chiều cao tuyến đường khoảng 10 - 12m.
 
Hà Nội: Đường vượt Ngã Tư Vọng cao tương đương nhà 7 tầng - 2
Sẽ không phá dỡ cầu vượt ngã Tư Sở để xây đường trên cao

Về kết cấu có rất nhiều giải pháp, nhưng dự kiến đường trên cao sẽ được làm bằng kết cấu trụ mỏ thép. “Kết cấu bên trên dạng thép, phần chịu lực gần như bay ra khỏi dàn trụ. Lúc đó người đi phía dưới cảm giác thoáng và rất nhẹ nhàng, không cảm thấy nặng nề như cây cầu khác. Đây là dạng kết cấu xuyên suốt tuyến đường trên cao này”, ông Sơn cho hay.

Điểm ra vào đường trên cao, ông Sơn cũng đưa ra hai phương án, đó là xây dựng 2 bên đường có dải lên xuống rộng khoảng 7m hoặc để tiết kiệm không gian đơn vị tư vấn đưa ra phương án xây đường lên xuống so le nhau: một bên lên, một bên xuống. Tuy nhiên, ông Sơn cho hay, phương án đường lên xuống so le nhau không thuận lợi cho việc phương tiện giao thông tiếp cận đường và không an toàn.

Để đảm bảo số làn xe và tránh ùn tắc giao thông tại các điểm lên xuống ở các nút giao thông TEDI cũng ý kiến thành phố mở rộng thêm từ 60 - 65,5m ở dưới mặt đường.

“Thành phố không hề có chủ trương phá các cầu vượt hiện tại để xây dựng đường vành đai 2 trên cao. Nguồn tin, phát ra từ đâu thì chưa rõ, nhưng tôi khẳng định lại thành phố không có chủ trương nào là đi làm rồi lại đập phá tất cả gây tốn kém cho xã hội”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo khẳng định.
Quang Phong