Hà Nội: Đề xuất số lượng biên chế công chức làm việc ở UBND phường
(Dân trí) - Bộ Nội vụ đề xuất số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường ở Hà Nội được xác định theo quy mô dân số của phường.
Bộ Tư pháp đang tổ chức thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.
Trong đó, Bộ Nội vụ (cơ quan soạn thảo) đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 97/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội.
Biên chế công chức làm việc tại phường ở Hà Nội
Theo dự thảo, cán bộ thuộc tổ chức Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường có các chức vụ sau đây: Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Chủ tịch Hội Nông dân (nơi có tổ chức Hội Nông dân).
Việc bầu cử chức vụ cán bộ thuộc tổ chức Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường được thực hiện theo quy định của Đảng, điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội và pháp luật có liên quan. Việc sử dụng, quản lý và chế độ, chính sách đối với cán bộ này được áp dụng như công chức phường.
Bộ Nội vụ đề xuất số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường ở Hà Nội được xác định theo quy mô dân số của phường. Thời điểm xác định quy mô dân số của phường là ngày 31/12 của năm trước liền kề năm trình HĐND thành phố Hà Nội quyết định biên chế.
Số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường ở Hà Nội được đề xuất xác định như sau:
-Phường thuộc quận có từ 15.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; có trên 15.000 dân thì cứ thêm 5.000 dân được tăng thêm 1 biên chế công chức.
-Phường thuộc thị xã có từ 5.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; có trên 5.000 dân thì cứ thêm 2.500 dân được tăng thêm 1 biên chế công chức.
UBND thành phố Hà Nội trình HĐND cùng cấp phân bổ số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường của từng quận, thị xã.
Căn cứ vào số lượng biên chế công chức phường được HĐND thành phố Hà Nội phân bổ và yêu cầu, nhiệm vụ của từng phường, UBND quận, thị xã quyết định giao cụ thể số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND từng phường trực thuộc.
Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND phường thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và quy định tại Nghị định số 138/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
Đối với chức danh Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường ở Hà Nội, việc tuyển dụng, bổ nhiệm thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 23 Luật Dân quân tự vệ và văn bản hướng dẫn thi hành. Quyết định bổ nhiệm đồng thời là quyết định tuyển dụng công chức đối với trường hợp chưa phải là công chức.
Đối với các chức danh Chủ tịch phường, Phó Chủ tịch phường, trường hợp nhân sự dự kiến bổ nhiệm là người hoạt động không chuyên trách thì phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm và phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục tiếp nhận, bổ nhiệm quy định tại Nghị định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Quyết định bổ nhiệm đồng thời là quyết định tiếp nhận công chức.
Căn cứ quy định của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức, UBND thành phố Hà Nội quyết định, điều chỉnh vị trí việc làm tại UBND phường.
Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở phường
Bộ Nội vụ đề xuất, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở phường được xác định theo phân loại đơn vị hành chính của phường và dân số tăng thêm so với tiêu chuẩn về quy mô dân số của phường.
Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở phường được xác định như sau:
-Tính theo phân loại đơn vị hành chính của phường: Loại 1 có không quá 14 người; loại 2 có không quá 12 người; loại 3 có không quá 10 người.
-Tính theo dân số tăng thêm: Phường thuộc quận có trên 15.000 dân thì cứ thêm 5.000 dân được tăng thêm 1 người hoạt động không chuyên trách; phường thuộc thị xã có trên 5.000 dân thì cứ thêm 2.500 dân được tăng thêm 1 người hoạt động không chuyên trách.
Người hoạt động không chuyên trách ở phường được hưởng chế độ phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội và chế độ bảo hiểm y tế. Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp, bao gồm cả hỗ trợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở phường với mức khoán quỹ phụ cấp bằng 1,5 lần mức lương cơ sở trên 1 người.
Dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định về người hoạt động không chuyên trách ở tổ dân phố thuộc phường.
Cụ thể, người hoạt động không chuyên trách ở tổ dân phố có không quá 3 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh: Bí thư Chi bộ; Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác mặt trận.
UBND thành phố Hà Nội trình HĐND cùng cấp quy định mức phụ cấp của từng chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với các chức danh nêu trên.
Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp bằng 4,5 mức lương cơ sở để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi tổ dân phố. Riêng đối với tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên được khoán quỹ phụ cấp bằng 6,0 lần mức lương cơ sở.
Bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập phải sửa đổi quy định
Việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM được thực hiện từ ngày 1/7/2021. Hà Nội không tổ chức HĐND đối với 175 phường, TPHCM không tổ chức HĐND với 16 quận và 249 phường; Đà Nẵng không tổ chức HĐND đối với 6 quận và 45 phường.
Đến nay, bộ máy và hoạt động của chính quyền địa phương quận, phường nơi không tổ chức HĐND đã đi vào ổn định, hoạt động thông suốt; điều hành và quyết định kịp thời hơn những vấn đề cấp bách trên địa bàn.
Dù vậy, Bộ Nội vụ cho biết cũng đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn cần phải sửa đổi, bổ sung quy định.