Hà Nội: Đề xuất giao Bộ Tư lệnh Thủ đô “cắt ngọn” nhà 8B Lê Trực
(Dân trí) - UBND quận Ba Đình vừa đề xuất TP.Hà Nội giao Bộ Tư lệnh Thủ đô xem xét các phương án “cắt ngọn” (tầng 17 và 18) tòa nhà 8B Lê Trực.
Chiều ngày 25/2, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, đại diện UBND quận Ba Đình nhận được hàng loạt câu hỏi liên quan đến tiến độ phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực và trách nhiệm của chính quyền khi để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng.
Trách nhiệm của quận Ba Đình
Trước băn khoăn nêu ra về tiến độ phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực, ban đầu, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình không trả lời, viện cớ đã nói hết tại buổi thông tin báo chí do quận tổ chức cách đây khoảng 2 tuần.
Không hài lòng với cách trả lời của ông Chiến, báo giới tiếp tục nêu hàng loạt câu hỏi liên quan đến vụ việc. Sau khi trao đổi với ông Phạm Thanh Học - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, ông Chiến thừa nhận, để xảy ra sai phạm và chậm trễ phá dỡ phần sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực, trách nhiệm trước hết là quận Ba Đình.
Về lý do chậm trễ xử lý diện tích sai phạm, ông Chiến giải thích, công trình 8B Lê Trực có vướng mắc rất nhiều về mặt kỹ thuật. Do vậy, mà cho đến nay UBND quận Ba Đình vẫn chưa có phương án phá dỡ.
“Theo chỉ đạo của Thủ tướng, khi tháo dỡ diện tích vi phạm phải bảo đảm an toàn tuyệt đối nên quận phải có phương án kỹ thuật an toàn khi tháo dỡ, cũng như đảm bảo an toàn sau này khi người dân vào ở. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang tìm kiếm một đơn vị thiết kế, tư vấn để lập phương án tháo dỡ”, ông Chiến nói.
Ông Chiến cũng cho hay, UBND quận Ba Đình đã có báo cáo UBND TP.Hà Nội về các khó khăn vướng mắc xung quanh việc xử lý sai phạm của nhà 8B Lê Trực và thành phố đã có chỉ đạo các sở ngành vào cuộc để cùng với quận Ba Đình tìm giải pháp.
Báo chí tiếp tục đặt câu hỏi, nếu không tìm được đơn vị tư vấn phá dỡ nhà 8B Lê Trực thì UBND quận Ba Đình sẽ có giải pháp xử lý thế nào để thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng?
Ông Chiến cho hay, quận đã gửi văn bản đề nghị hơn 30 đơn vị tư vấn trong nước tham gia lên phương án phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực nhưng phần lớn không trả lời.
“Quan điểm của UBND quận Ba Đình là không thể chờ đợi mãi được. Chúng tôi cũng đã có báo cáo thành phố về hướng xử lý khi mà không tìm được đơn vị tư vấn”, ông Chiến nhấn mạnh.
Đảm bảo thời gian phá dỡ, sự an toàn với nhà 8B Lê Trực
Nói thêm về vấn đề trên, ông Phạm Thanh Học - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, trong vụ việc chính quyền cấp quận, cấp phường có sai và đã nhận rồi.
“Làm sao không sai được khi để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng ở một công trình lớn như thế!”, ông Học nói.
Theo ông Học, khi để xảy ra sai phạm như vậy, chính quyền các cấp đã quyết tâm xử lý. Tuy nhiên, với công trình như tòa nhà 8B Lê Trực thì việc xử lý không đơn giản. Bởi theo ông Học, ngay cả những đơn vị đã phá dỡ tòa nhà trong giai đoạn 1 cũng đã “chuồn” hết vì sợ không đảm bảo an toàn cho người mua nhà ở sau này.
Tại đây, ông Học cũng thông tin, thời gian qua, người mua căn hộ tập trung phản đối việc quận thông tin “cắt ngọn” tầng 17 và 18 tòa nhà 8B Lê Trực. Theo ông Học, cư dân ở đây nêu ý kiến cho rằng, trong giấy phép xây dựng tòa nhà 8B Lê Trực có tầng 17 và 18, thế nhưng quận lại nói đây là diện tích sai phép, vượt chiều cao.
“Vượt chiều cao hay không thì chắc chắn các cơ quan chức năng của thành phố sẽ làm rõ. Trong hồ sơ, giấy tờ, những nội dung này có hết, chứ là sao không cấp mà lại bảo có, hay cấp rồi mà lại bảo không cấp được. Cách đây 6 năm tôi sửa căn nhà thôi cũng phải xin phép đầy đủ cả”, ông Học nói.
Liên quan đến tiến độ phá dỡ diện tích vi phạm tòa nhà 8B Lê Trực, ông Học cho biết, hiện nay UBND quận Ba Đình đưa ra 3 đề xuất cụ thể. Theo đó, quận Ba Đình đề xuất UBND TP.Hà Nội giao Bộ Tư lệnh Thủ đô đưa lực lượng công binh vào xem xét khả năng phá dỡ diện tích vi phạm.
“Anh em quận Ba Đình đề xuất rồi, còn thành phố sẽ trao đổi với Bộ Tư lệnh Thủ đô xem xét với chức năng, năng lực và điều kiện của mình có làm được việc này hay không. Nếu cần thiết, thậm chí có thể đề xuất lên Bộ Tư lệnh Công binh vào cuộc”, ông Học cho hay.
UBND quận Ba Đình cũng đề xuất TP.Hà Nội đề nghị Bộ Xây dựng chỉ định một đơn vị tư vấn thiết kế có đủ điều kiện, năng lực để lên phương án tháo dỡ diện tích sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực.
Khi tìm được đơn vị có đủ năng lực phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực, quận Ba Đình cũng đề nghị Sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính cùng phối hợp hướng dẫn quận này tổ chức đấu thầu, trong đó có cam kết đảm bảo thời gian phá dỡ và an toàn cho công trình.
Trước đó, khi quận Ba Đình đưa ra thông tin chuẩn bị các phương án “cắt ngọn” tòa nhà, người mua căn hộ ở đây cho rằng, công trình này thực hiện theo quy hoạch chi tiết của Hà Nội được cấp phép xây dựng 20 tầng, chiều cao là 70m. Các tầng từ 17-20, mà quận Ba Đình và phường Điện Biên yêu cầu phá dỡ đều có trong quy hoạch chi tiết.
Do vậy, người mua nhà cho rằng, các căn hộ thuộc tầng 17 và 18 là tài sản hợp pháp và đã thực hiện giao dịch mua bán dân sự giữa chủ đầu từ và người mua nhà. Các căn hộ tầng 17 và 18 đã bàn giao cho các hộ dân nên thuộc quyền sở hữu của người dân…
Quang Phong