Hà Nội đề xuất “áp” giá đền bù đất cao nhất
(Dân trí) - Hà Nội hiện đang triển khai GPMB gần 900 dự án, liên quan đến hơn 192.000 tổ chức, cá nhân. Bởi vậy, việc triển khai Nghị định 69/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/10 tới về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất đang trở thành mối quan tâm của người dân.
Hiện nay, Hà Nội đang gấp rút soạn thảo quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để triển khai Nghị định 69/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/10/2009, nhưng ban chỉ đạo GPMB dự kiến không đưa ra hình thức hỗ trợ bằng đất và nhà mà chỉ đưa ra một hình thức hỗ trợ bằng tiền.
“Bởi, số hộ nhận khoản hỗ trợ này hiện đang thu hẹp lại do đất nông nghiệp đã được hỗ trợ theo giá đất ở không được hưởng chính sách này. Thêm nữa, Hà Nội được quy hoạch phát triển theo hướng văn minh, hiện đại và hạn chế hình thành các khu dân cư nhỏ lẻ nên nếu cứ hỗ trợ bằng đất sẽ không đáp ứng được xu hướng này. Bản thân người dân đa số đều có nguyện vọng nhận tiền. Tâm lý chung là như vậy bởi khi nhận tiền, họ sẽ được lợi ích cao nhất” - ông Biền nói.
Với gần 900 dự án ở Hà Nội đang GPMB, ông Biền cho biết, các dự án, hạng mục GPMB đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc đang thực hiện theo phương án đã được duyệt trước khi Nghị định 69/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/10/2009 thì thực hiện theo phương án đã duyệt, không có chuyện áp dụng hoặc điều chỉnh theo quy định mới.
Đối với các dự án bồi thường chậm, sẽ có 2 khả năng sẽ xảy ra. Nếu dự án chậm do lỗi hộ gia đình thì người dân phải thực hiện theo phương án đã duyệt. Ngược lại, lỗi của nhà đầu tư hoặc Nhà nước thì việc xem xét lại giá đất bồi thường thực hiện theo các quy định tại Nghị định 197/NĐ-CP.
“Các dự án lớn kéo dài qua nhiều thời kỳ là điều không thể tránh, quan trọng là phương án phê duyệt vào thời điểm nào thì áp dụng đúng chính sách ở thời điểm đó” - ông Biền khẳng định.
Lan Hương