Hà Nội đặt tên 41 tuyến đường, phố mới
(Dân trí) - HĐND TP Hà Nội quyết nghị đặt tên 41 tuyến đường, phố mới, đồng thời thông qua nghị quyết: quy định chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng; quy định mức quà tặng nhân dịp Tết.
Hà Nội có thêm 18 đường, phố mới mang tên danh nhân
Chiều 8/12, tại kỳ họp thứ 10, các đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã nhất trí thông qua Nghị quyết về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố trên địa bàn thành phố năm 2022.
Theo nghị quyết, sẽ có 41 tuyến đường, phố mới được đặt tên, trong đó có 23 đường, phố mang tên địa danh, sự kiện lịch sử và tên khác; 18 đường, phố mang tên danh nhân; đồng thời điều chỉnh độ dài 4 tuyến đường, phố.
Các tuyến đường, phố mới được đặt tên gồm:
Đường chùa Bụt Mọc (quận Bắc Từ Liêm): đoạn từ ngã ba giao cắt điểm cuối đường DKĐT Nguyễn Đạo An (tại ngõ 193 đường Phú Diễn và chợ Phú Diễn) đến ngã ba giao cắt cạnh Trường mầm non Phú Diễn A (tại ngách 193/130) đường Phú Diễn.
Đường Nguyễn Đạo An (quận Bắc Từ Liêm): đoạn từ ngã ba giao đường Phú Diễn (hiện là ngõ 259 đường Phú Diễn) đến ngã ba giao cắt ngõ 193 đường Phú Diễn (tại chợ Phú Diễn) và điểm đầu đường DKĐT chùa Bụt Mọc.
Đường Đại Cát (quận Bắc Từ Liêm): đoạn từ ngã ba giao đê Liên Mạc tại Trường mầm non Đại Cát đến ngã ba giao đường Sùng Khang, hiện là ngõ 241 đường Sùng Khang.
Đường Tựu Phúc (quận Bắc Từ Liêm): đoạn từ ngã ba giao đường Phú Minh tại ngõ 20 (cổng làng Phúc Lý) đến Cầu Vê (bắc qua sông Pheo), thuộc TDP Phúc Lý 1 và 4 (gần nhà thờ họ đạo Phúc Lý).
Đường Đông Kiều (quận Bắc Từ Liêm): đoạn từ ngã ba giao đường Tây Tựu tại cầu Đăm đến ngã ba giao phố Trung Kiên tại Đình Đăm.
Phố Hoàng Quán Chi (quận Cầu Giấy): đoạn từ ngã tư giao phố Thọ Tháp (cạnh Trường tiểu học Thăng Long Kidsmart) đến ngã tư giao dự án đấu nối hạ tầng kỹ thuật ô đất E2 đô thị mới Cầu Giấy tại tòa nhà Green Park CT1-CT2.
Phố Nguyễn Vĩnh Bảo (quận Cầu Giấy): đoạn từ ngã tư giao cắt phố Nguyễn Bá Khoản, đối diện ngõ 99 Nguyễn Khang (cạnh số 15 lô 4E) đến ngã ba giao cắt tại TDP26 - phường Trung Hòa.
Phố Tống Tất Thắng (quận Hà Đông): đoạn từ ngã ba giao phố Văn Phúc cạnh TT26, ô 01 KĐT Văn Phú, phường Phú La đến ngã ba giao đường KĐT Văn Phú tại công viên X9, mặt bên trường THCS, THPT Marie Curie.
Phố Hà Trì (quận Hà Đông): đoạn từ ngã ba giao cắt phố Lê Lợi, đối diện cổng làng Hà Trì tại số 177 Lê Lợi, đến ngã tư giao phố Hoàng Đôn Hòa tại điểm đối diện TT19 ô 26 KĐT Văn Phú.
Phố Nông Quốc Chấn (quận Hà Đông): đoạn từ ngã ba giao đường vạn Phúc đối diện cổng làng Vạn Phúc, chùa Vạn Phúc (số nhà 65) đến ngã tư giao cắt đối diện tòa nhà CT5C KĐT Văn Khê.
Phố Nguyễn Văn Viên (quận Hai Bà Trưng): đoạn từ ngã ba giao cắt phố Minh Khai tại gầm cầu Vĩnh Tuy (ngõ 624 phố Minh Khai) đến ngã ba giao cắt ngõ 122 phố Vĩnh Tuy tại chân đê Nguyễn Khoái...
Mở rộng đối tượng người có công được hưởng hỗ trợ
Cũng trong chiều nay, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã xem xét và thông qua 2 Nghị quyết quy định chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng; quy định mức quà tặng nhân dịp Tết Nguyên đán.
Theo đó, Nghị quyết quy định chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng quy định các đối tượng được hỗ trợ gồm: Cha, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ. Vợ hoặc chồng, con liệt sĩ bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến.
Nghị quyết cũng áp dụng đối với thương/bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 81%; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 81%; người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; người có công giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng Huân chương kháng chiến.
Nghị quyết cũng chỉ rõ, khi chính sách của Trung ương thay đổi về mức chi thì chính sách đặc thù của TP được áp dụng tương ứng…
Nghị quyết có điểm mới là mở rộng đối tượng được hỗ trợ. Đó là hỗ tiền khám sức khỏe đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng khi thực hiện điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung tại các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công. Mức chi hỗ trợ (bằng tiền mặt) là 1 triệu đồng/người/năm.
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện khoảng 114 tỷ đồng/năm (tăng so với năm 2022 khoảng 99,7 tỷ đồng). Kinh phí được trích từ nguồn ngân sách TP và ngân sách quận, huyện, thị xã theo phân cấp.
Về quy định nội dung và mức tặng quà của TP Hà Nội tới các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán: Mức quà (bằng tiền mặt) 2 triệu đồng/người.
Các đối tượng được hỗ trợ thuộc diện được tặng quà gồm: Bà mẹ Việt Nam anh hùng; anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, thưởng sinh loại B, người hưởng chính sách như thương binh tổn thương cơ thể từ 21% trở lên; bệnh binh tổn thương cơ thể từ 41% trở lên;
Thương bệnh binh của TP Hà Nội hiện đang được nuôi dưỡng tại 7 trung tâm thuộc các tỉnh liền kế; người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 (lão thành cách mạng)...; thanh niên xung phong đang hưởng trợ cấp hằng tháng; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày. Trường hợp một cá nhân thuộc các đối tượng người có công nêu trên thì chỉ nhận một suất quà tặng của TP.