Hà Nội đang sụt lún rất nhanh
Do quá trình đô thị hoá và nhu cầu dùng nước sạch ngày càng nhiều, Hà Nội phải không ngừng tăng lưu lượng bơm hút nước ngầm ở dưới sâu trong lòng đất khiến mực nước ngầm bị hạ thấp. Đây là một trong những nguyên nhân gây nên sụt lún mặt đất thành phố.
Hiện nay, lưu lượng nước ngầm của Hà Nội được bơm hút theo thời gian ngày càng tăng, cộng với điều kiện địa chất phức tạp, nhiều nơi tồn tại những tầng đất yếu với chiều dày lớn. Điều này có thể gây ra các tai biến về môi trường địa chất như sụt lún nền đất, ô nhiễm nước ngầm…
Việc nghiên cứu hiện tượng lún bề mặt đất do bơm hút nước ngầm ở Hà Nội đã được nhiều cơ quan thực hiện với nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó phải nói đến chương trình nghiên cứu biến dạng lún bề mặt đất thành phố do thay đổi mực nước ngầm của Viện Khoa học Công nghệ và Kinh tế Xây dựng Hà Nội (thuộc Sở Xây dựng Hà Nội).
Kết quả nghiên cứu bước đầu đã xây dựng được 10 trạm đo lún bề mặt đất do thay đổi mực nước ngầm, đặt tại các nhà máy nước và trạm tăng áp thuộc Công ty Kinh doanh nước sạch số 2 Hà Nội.
Kết quả quan trắc tại các trạm trên cho thấy: Ở những trạm có tồn tại lớp đất yếu, tốc độ lún bề mặt đất tương đối lớn như Thành Công, Ngô Sỹ Liên, Pháp Vân, mức độ lún khoảng 22-40 mm/năm. Những trạm không tồn tại lớp đất yếu, tốc độ lún bề mặt nhỏ hơn.
Tuy nhiên, do những trạm đo lún nói trên hầu hết được đặt tại tâm phễu lún (trong các nhà máy nước), nên nó chỉ phản ánh được độ lún riêng lẻ tại nơi khai thác nước ngầm. Do đó, chưa đủ cơ sở để lập bản đồ hiện trạng lún của thành phố và dự báo độ lún của một khu vực cũng như toàn thành phố.
Cũng theo các nhà nghiên cứu, đặc điểm chính của sự sụt lún bề mặt đất do thay đổi mực nước ngầm làm cho bề mặt địa hình thay đổi theo thời gian. Vì vậy khi quy hoạch, xây dựng cần phải lưu ý để đưa ra được giải pháp hợp lý trong việc xử lý cốt san nền, xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý chống úng ngập tại những khu vực trũng, hay xảy ra ngập lụt khi có mưa to kéo dài.
Theo TTXVN