1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Hà Nội đang lún do khai thác nước ngầm quá mức!

Một số khu vực tại Hà Nội đang bị lún từ 30-40mm/năm! Nguyên nhân chủ yếu do nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức cho phép. Đây cũng là tác nhân khiến nguồn nước ngầm tại Hà Nội đang bị suy thoái nghiêm trọng cả về chất và lượng.

Lún 40mm/năm!

Ông Nguyễn Thái Lai, cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên - môi trường), cho biết nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của Hà Nội hiện nay vẫn chủ yếu lấy từ nguồn nước ngầm. Tổng lượng khai thác khoảng 700.000m3/ngày đêm.

Số liệu thu thập từ 91 công trình quan trắc động thái nước dưới đất do Sở Tài nguyên - môi trường và nhà đất Hà Nội tiến hành cho thấy tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm trên địa bàn thành phố đã lên tới mức đáng báo động.

“Việc khai thác bừa bãi, quá mức và bố trí các giếng khoan không hợp lý đã làm hạ thấp mực nước ngầm và gây sụt lún mặt đất ở một số khu vực, đặc biệt là ở Pháp Vân, Hạ Đình, Mai Dịch...” - ông Nguyễn Thái Lai nói.

Ông Nguyễn Sinh Minh, viện trưởng Viện Khoa học - công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội, cho biết qua kết quả quan trắc độ lún bề mặt đất tại Hà Nội nhiều năm qua đã phát hiện nhiều điểm lún ở cả nội và ngoại thành. Trong đó, khu vực Thành Công, quận Ba Đình có tốc độ lún lớn nhất, lên tới 41,42mm/năm.

“Do thay đổi mực nước ngầm, bề mặt đất Hà Nội hằng năm có sụt lún và sụt lún không đồng đều, tạo nên những phễu lún rải rác ở nội thành và ven đô. Khi mưa to kéo dài, các phễu này trở thành vùng trũng ngập nước. Nguy hiểm là các phễu này mỗi năm một sâu và rộng hơn” - ông Minh cho hay.

Suy kiệt và ô nhiễm

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 170.000 giếng khai thác nước ngầm, chủ yếu tập trung ở khu vực phía nam thành phố. Trong đó, tổng số giếng tư nhân lên tới hơn 100.000 cái.

Ngoài việc bị lún bề mặt do khai thác bừa bãi, nước bẩn theo các mũi khoan “chui” xuống đất còn gây thêm ô nhiễm cho nguồn nước ngầm. Sở TN-MT&NĐ Hà Nội cho biết tại các khu vực phía nam thành phố, tầng chứa nước Haloxen bắt đầu nhiễm amoni, vi sinh vật và các vi nguyên tố khác.

Ở cả hai tầng chứa nước mà thành phố đang khai thác, hàm lượng sắt, mangan, các hợp chất nitơ đều vượt quá giới hạn cho phép. Đặc biệt, ở tầng thứ nhất, các chất bẩn đã bắt đầu xuất hiện do nước thải, chất thải và phân bón xâm nhập.

“Đã thế, Hà Nội lại đang đô thị hóa rất nhanh, tốc độ bêtông hóa lớn nên nước sạch trên bề mặt (do mưa) thấm xuống rất ít không kịp bổ sung cho nguồn nước ngầm” - ông Nguyễn Thái Lai nói.

Không chỉ có người dân khai thác tự phát, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm khai thác nước ngầm cũng vi phạm không ít. Kiểm tra mới đây cho thấy ngay cả Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội cũng không thèm xin cấp phép khi khai thác nước ngầm!

Vấn đề ở đây là người dân do không được cung cấp đầy đủ nước sạch để sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất nên đã phải tìm đến giếng khoan. Bà Nguyễn Thị Hiền, một cán bộ về hưu ở quận Hoàng Mai, cho biết tại đây hầu như nhà nào cũng phải tự khoan giếng.

“Nước ngầm ngày càng khan hiếm. Giếng được cải tạo, khoan sâu thêm thường xuyên mà vẫn không ăn thua. Vẫn biết là sẽ ảnh hưởng đến môi trường nhưng không khoan thì lấy gì mà dùng vì mạng nước sạch của thành phố vẫn chưa tới nơi” - bà Hiền nói.

Theo Hà Linh
Báo Tuổi trẻ