Hà Nội: Cưỡng chế thu hồi đất phải đảm bảo tuyệt đối an toàn
(Dân trí) - UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu chấn chỉnh và rà soát việc quản lý nhà nước về đất đai, về thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất. Văn bản cũng chỉ rõ địa phương phải tạo điều kiện có lợi nhất cho người bị thu hồi đất.
Cưỡng chế phải tuyệt đối an toàn
Sở Tài nguyên và Môi trường cùng UBND các quận, huyện và thị xã Sơn Tây (nơi có các tuyến sông) kiểm tra, rà soát việc giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất tại khu vực bãi bồi ven sông, trên sông, đề xuất biện pháp chấn chỉnh, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, báo cáo UBND thành phố trước ngày 10/3.
Thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải phóng mặt bằng thu hồi đất phục vụ triển khai các dự án trên địa bàn.
Liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Hồng Khanh yêu cầu, quá trình bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thu hồi đất, phải công khai… đảm bảo phương án có lợi nhất cho người bị thu hồi đất.
Đối với trường hợp phải cưỡng chế để thu hồi đất, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các cơ quan nội chính rà soát các quy trình, thủ tục, hồ sơ đảm bảo chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật, trao đổi ý kiến với các Sở, ngành chuyên môn về các vướng mắc vượt thẩm quyền. Báo cáo cấp uỷ Đảng để chỉ đạo, giám sát các tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục thực hiện các biện pháp về tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người dân tự nguyện bàn giao đất cho Nhà nước.
Trong quá trình thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, đồng thời tiếp tục thực hiện tuyên truyền, vận động, thuyết phục cá biệt đối với người có đất bị thu hồi; sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ, hỗ trợ di chuyển… khi người dân hợp tác, tự nguyện bàn giao đất.
Thanh tra địa bàn cấp giấy chứng nhận sử dụng đất yếu kém
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh, kết quả thanh tra công vụ và việc chấp hành các quy định của pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân tại một số quận, huyện như Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Gia Lâm, Sóc Sơn, Từ Liêm, Hoài Đức, Phúc Thọ… không đảm bảo tiến độ kế hoạch thanh tra, nội dung thanh tra không sâu, không cụ thể. Kết quả mới chỉ rà soát, báo cáo tình hình thực hiện mà không làm rõ được các vi phạm, tồn tại của công tác này trên địa bàn nên không có giải pháp xử lý, khắc phục, không đáp ứng được yêu cầu, mục đích của thành phố.
Nguyên nhân được ông Vũ Hồng Khanh chỉ ra rằng, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, lãnh đạo UBND các phường, xã thị trấn nhìn chung chưa nhận thức sâu sắc về công tác cấp giấy chứng nhận, chưa có biện pháp quyết liệt chỉ đạo công tác này.
Vì vậy, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện báo cáo kết quả thanh tra công vụ và việc chấp hành các quy định của pháp luật về cấp GCN, đề xuất các biện pháp xử lý, khắc phục tồn tại. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra lại một số quận huyện, phường, xã có kết quả cấp giấy chứng nhận yếu kém.
Hồ sơ địa chính là công cụ quan trọng trong quản lý đất đai, tuy nhiên, Theo UBND TP,việc hồ sơ địa chính tại địa phương chưa đầy đủ, chưa được cập nhật biến động thường xuyên đã ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai nói chung và công tác cấp GCN nói riêng. Trong khi đó, TP cần có thời gian để hoàn thiện hồ sơ địa chính theo dự án được duyệt, do đó trước mắt TP giao Sở TN&MT nghiên cứu, xây dựng, chuẩn hóa hồ sơ số liệu địa chính tối thiểu tại cấp xã để phục vụ yêu cầu quản lý đất đai, báo cáo UBND TP trong tháng 3/2012.
Về hạn mức công nhận đất ở, TP giao Sở TN&MT khẩn trương làm thủ tục bổ sung, điều chỉnh Quyết định số 58/2009-QĐ-UBND ngày 30/3/2009 của UBND TP về hạn mức giao đất ở mới, hạn mức công nhận đất ở đối với thửa đất có vườn ao, liềnkề cho phù hợp với đặc thù tại một số địa phương, báo cáo UBND TP trong tháng 2.
Giao Sở TN&MT chủ trì cùng với Sở Tư pháp nghiên cứu đề xuất UBND TP chỉ đạo việc chia tách thửa đối với những thửa đất chưa có GCN quyền sử dụng đất khi chủ hộ chia cho các con sử dụng (không phải là trường hợp chuyển nhượng), làm cơ sở lập hồ sơ cấp GCN theo quy định, báo cáo kết quả về UBND TP.
Sở TN&MT cùng với Sở QH&KT, Sở NN&PTNT kiểm tra, đề xuất việc xác định hành lang bảo vệ đê đã xác định theo pháp luật đê điều, thay cho hành lang bảo vệ đê đã xác định theo Pháp lệnh đê điều, báo cáo UBND TP xem xét, chỉ đạo, làm căn cứ cho các địa phương xét cấp GCN quyền sử dụng đất.
TP giao Cục thuế chủ trì, phối hợp cùng Sở Tài chính, Sở TN&MT khẩn trương nghiên cứu, đề xuất văn bản hướng dẫn, chỉ đạo việc xác định hạn mức giao đất và thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp vượt hạn mức theo quy định tại Nghị định 120/2010-NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ khi cấp GCN; nghiên cứu, đề xuất chế tài xử lý đối với các trường hợp đã được cấp GCN nhưng hộ dân không đến nhận và thực hiện nghĩa vụ tài chính (sau khi cơ quan có thẩm quyền thông báo nhiều lần).
Sở TN&MT chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ kiểm tra quy định về nơi tiếp nhận hồ sơ xin cấp GCN, đề xuất UBND TP chỉ đạo áp dụng thống nhất.