1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội có thể bêu tên người chiếm dụng vỉa hè, lòng đường

(Dân trí) - Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng vừa được UBND TP Hà Nội ban hành có nội dung đề nghị người dân không nên chiếm dụng, thay đổi hiện trạng vỉa hè, lòng đường. Nếu các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định, tùy mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội - vừa ký quyết định ban hành quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội. Bộ quy tắc gồm 4 chương, 14 điều với mục đích từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.

Văn bản nêu rõ, đối tượng áp dụng là các tổ chức và cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, tham quan, học tập trên địa bàn TP Hà Nội.

Quy tắc nêu rõ những việc công dân Thủ đô nên làm ở nơi công cộng như: Tôn trọng không gian chung của cộng đồng; Ứng xử lịch thiệp, thân thiện, nhã nhặn, đúng mực; Trang phục lịch sự, phù hợp hoàn cảnh, chuẩn mực xã hội; Quan tâm, nhường nhịn, giúp đỡ người khuyết tật, phụ nữ có thai, người già, trẻ em; Tôn trọng, bảo vệ cảnh quan môi trường.

Hà Nội khuyên người dân không nên thay đổi hiện trạng vỉa hè lòng đường
Hà Nội khuyên người dân không nên thay đổi hiện trạng vỉa hè lòng đường

Việc công dân Thủ đô không nên làm nơi công cộng được quy định trong Bộ Quy tắc cụ thể như: Vi phạm nội quy, quy tắc nơi công cộng; Nói to, gây ồn ào, mất trật tự; Kích động, đe dọa, sử dụng bạo lực; Nói tục, chửi bậy, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác; Hút thuốc, khạc nhổ, phóng uế tùy tiện; Phá cây xanh, hoa cỏ, xâm hại cảnh quan; Tự tiện sử dụng không gian, phương tiện, công trình công cộng vào mục đích cá nhân, không đúng quy định; Viết bậy, bôi bẩn lên các công trình công cộng…

Bộ Quy tắc cũng nêu rõ định hướng những việc người dân Thủ đô nên làm ở một số địa điểm cụ thể như tại vỉa hè lòng đường nên giữ gìn, làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường; Không nên chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; Treo, đặt biển hiệu quảng cáo trái phép; Không đun, nấu, đốt lửa trên vỉa hè, lòng đường; Không tự ý thay đổi hiện trạng vỉa hè, lòng đường.

Tại cơ sở tín ngưỡng tôn giáo không được mặc trang phục hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm; Tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn, người dân nên xếp hàng khi mua bán; Không mua bán hàng giả, kém chất lượng, hàng độc hại, phi pháp. nói sai, cân đong gian dối.

Tại khu vui chơi, giải trí, điểm tham quan du lịch phải mặc trang phục phù hợp, tôn trọng văn hóa, phong tục tập quán của địa phương. Không tranh giành khách, chèo kéo du khách sử dụng dịch vụ, không nâng giá hàng hóa và dịch vụ đối với khách du lịch...

UBND TP Hà Nội yêu cầu thủ trưởng các cơ quan của thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử này tại cơ quan và trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Bộ Quy tắc cũng nêu rõ, các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy tắc ứng xử này sẽ được biểu dương, khen thưởng theo quy định. Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại quy tắc ứng xử này, tùy mức độ, sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp vi phạm pháp luật sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định.

Quang Phong