1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Hà Nội có “đường lên bản”

(Dân trí) - Đó là cách gọi vui mà người dân phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy (Hà Nội) “ưu ái” dành cho con đường Trung Kính - Yên Hoà. “Đường lên bản” mịt mù bụi vào ngày nắng, ngập úng sình lầy vào ngày mưa và bị lấn chiếm bởi hàng tấn phế thải vật liệu xây dựng.

Đường đi hay bãi phế thải?

 

Người dân nơi đây còn gọi con đường này là “đường phế thải VLXD”, “đường lô cốt”, “đường lên bản” bởi dọc hai ven đường đang trở thành nơi tập kết phế thải VLXD. Chất thải chất thành núi, tràn xuống lòng đường, cản trở việc giao thông.

 

Người dân ở đây cho biết: “Cứ 11h đêm trở đi lại ầm ầm tiếng xe đổ trộm phế liệu, họ đổ bất cứ nơi nào có thể đổ, thậm chí đổ ra cả lòng đường”. Lòng đường vốn rộng khoảng 3,5 m, nay bị thu hẹp dần lại, có nơi chỉ còn 2 m.

 

Đã thế, mặt đường lại rất nhấp nhô, vừa có sống trâu, vừa nhiều ổ voi, ổ gà, rất nguy hiểm cho người đi đường. Vào những ngày mưa, nước đọng trên mặt đường không khác gì ao. Dưới lòng “ao” đó là những cái bẫy chết người.

 

Anh Trần Văn Quê, người thường xuyên đi qua con đường này, cho biết: “Đã có nhiều người không đi quen đường, mắc “bẫy” ngã trượt, nhiều tai nạn đáng tiếc đã xảy ra trên đoạn đường này”. Anh Lê Văn Tình, công nhân công trường CONSREXIM trên tuyến đường này, thì cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần cho máy xúc xúc gọn ven đường cho nước chảy, nhưng vừa xúc ban ngày, đến tối đã lại ngập đầy. Mặc dù chúng tôi đã cắm biển cấm và đã nhiều lần bắt quả tang người ta đang đổ trộm phế thải nhưng họ đã lấy hành vi côn đồ đe dọa lại”.

 

Vào những ngày nắng, chỉ cần một chiếc ôtô hoặc xe máy chạy qua là ngay lập tức tạo nên những cơn cuồng phong bụi, khiến những người đi sau và dân ven đường “lĩnh đủ”.

 

Thanh tra GTCC bị… theo dõi

 

Trước tình trạng này, chính quyền phường Yên Hoà cùng Ban thanh tra GTCC quận Cầu Giấy đã cho người túc trực thường xuyên nhằm  quán triệt nạn đổ trộm phế thải ra lòng đường. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn, mọi thứ lại trở lại vị trí ban đầu. Anh Nguyễn Chiến Thắng, Ban thanh tra GTCC quận Cầu Giấy cho biết: “Chúng tôi đã bắt giữ và xử phạt rất nhiều trường hợp đổ trộm phế thải xây dựng nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi lại đâu vào đấy”.

 

Một thực tế là các đối tượng đổ phế thải vật liệu xây dựng tỏ ra rất tinh vi và ngang tàng. Chuyện nghịch lý nực cười là đối tượng đổ trộm lại theo dõi ngược lực lượng thanh tra GTCC và Công an phường. Chỉ sau vài phút khi các lực lượng đi khỏi là họ hành động ngay. “Nhiều hôm, phát hiện có thanh tra, đối tượng này lại cho xe húc tạm vào công trường xây dựng hay ngõ ngách nào đó, chờ cơ hội là đổ thật nhanh rồi cho xe chạy mất” - chị Nguyễn Thị Hoa, một hộ dân sống ven đường cho biết.

 

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Chủ tịch UBND phương Yên Hoà, giải thích: Thực tế đoạn đường này là đường liên xã (Yên Hoà - Dịch Vọng - Mễ Trì) thuộc quy hoạch của thành phố Hà Nội nhưng chưa được bàn giao. Bên cạnh đó, đoạn đường này hiện có nhiều công trình xây dựng nên hàng ngày thải ra một lượng phế thải xây dựng khổng lồ.

 

Trước tình hình này, Công ty môi trường đô thị Thăng Long đã cho để các thùng container phục vụ người dân có nhu cầu đổ phế liệu. Tuy nhiên, theo ông Sơn: “Giá thành mà họ đưa ra lại quá cao so với giá thị trường nên không thể cạnh tranh được. Do vậy, người dân thấy bên nào lợi hơn cho mình thì họ làm, bất chấp lợi ích của cộng đồng”.

 

  Điệp