1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội có cần thiết cấm hàng quán ăn uống hoạt động sau 21h?

Trần Thanh

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, nếu cấm hàng quán mở cửa sau 21h thì mật độ người dân ăn uống trước thời điểm đó lại tăng lên, càng gia tăng khả năng lây nhiễm. Ngoài ra, 21h với người Hà Nội vẫn là "quá sớm".

Sau hơn một tháng Hà Nội áp dụng quy định cấm hàng quán hoạt động sau 21h, nhiều người kinh doanh và một số chuyên gia cho rằng, việc cấm này không thực sự hiệu quả trong việc phòng chống dịch, thậm chí còn làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh khi mật độ người dân tập trung ăn uống, mua sắm... trước thời điểm 21h tăng cao.

Bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến ủng hộ việc cấm hàng quán ăn uống mở cửa sau 21h để hạn chế những cuộc tụ tập ăn nhậu, tập trung đông người không cần thiết, trong điều kiện dịch ở Hà Nội vẫn đang diễn biến phức tạp.

Cấm hàng quán sau 21h: Hạn chế bao nhiêu tốt bấy nhiêu!

Trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo CDC Hà Nội cho rằng, trước hết Hà Nội đang có số ca mắc tăng cao, số F0 ghi nhận trong 24 giờ của thủ đô đã chính thức vượt mốc 1.000 ca (1.357 ca), vì vậy tất cả các hoạt động tập trung đông người, những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao thì "hạn chế được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu".

Vị lãnh đạo CDC Hà Nội khẳng định, việc Hà Nội cấm hàng quán hoạt động sau 21h là điều cần thiết lúc này. Trong tình hình dịch bệnh, việc "buông lỏng" các hàng quán, để người dân ăn nhậu thâu đêm suốt sáng sẽ làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, chính quyền cũng không thể kiểm soát công tác phòng, chống dịch liên tục 24/24h.

Hà Nội có cần thiết cấm hàng quán ăn uống hoạt động sau 21h? - 1

Tổ công tác Công an phường Trung Hòa cùng UBND phường Trung Hòa đi kiểm tra, nhắc nhở các chủ cửa hàng đóng cửa trước 21h, ngày 12/11 (Ảnh: Trần Thanh).

Hà Nội có rất nhiều quán ăn đêm, khi ăn uống người dân sẽ không dùng khẩu trang nên việc lây nhiễm sẽ rất khó kiểm soát. Theo CDC Hà Nội, các nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao trong cộng đồng gồm có: lây nhiễm trong gia đình, lây nhiễm trong cùng một bàn ăn uống, lây nhiễm trong cùng một phòng làm việc. Chính vì vậy, việc cấm hàng quán hoạt động sau 21h sẽ là một biện pháp phòng dịch thích hợp, cần thiết thời điểm này.

Lãnh đạo CDC Hà Nội cho rằng, ở các nước khác, chính quyền còn ban hành lệnh giới nghiêm, công tác chống dịch gắt gao hơn rất nhiều. Đơn cử như nước Pháp, hồi tháng 7 vừa qua, họ đã tiến hành tiêm vaccine và cho mở cửa, nhưng sau khi dịch quay trở lại, chính quyền Pháp vẫn ban hành lệnh giới nghiêm nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch và đến nay việc này cho thấy mang lại tính hiệu quả cao.

"Cấm hàng quán hoạt động sau 21h không có tác dụng"

Trái ngược với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội - lại cho rằng, Hà Nội nên bỏ quy định này bởi: "Dịch SARS-CoV-2 không hoạt động vào giờ đó". Theo ông Hùng, việc dịch lây nhiễm rộng hay không là phụ thuộc vào ý thức của mỗi cá nhân người dân chứ không phụ thuộc vào thời gian ban ngày hay ban đêm.

Hà Nội có cần thiết cấm hàng quán ăn uống hoạt động sau 21h? - 2

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng, Hà Nội nên bỏ quy định cấm hàng ăn hoạt động sau 21h, vì việc này không những làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của người dân, mà còn làm tăng khả năng lây nhiễm, do lượng người tập trung ăn uống, mua sắm trước khung giờ cấm tăng cao (Ảnh: Minh Khuê).

"Bây giờ chúng ta hạn chế thời gian, khống chế hàng quán chỉ được hoạt động trước 21h hàng ngày thì người dân sẽ tập trung ăn uống, mua sắm... đông hơn vào trước khung giờ cấm, từ đó vô hình chung làm tăng khả năng tiếp xúc và tăng nguy cơ lây nhiễm. Mức độ tập trung sẽ giảm nếu ta bỏ quy định cấm sau 21h" - ông Hùng phân tích.

Ngoài ra, theo ông Hùng, thời điểm 21h với người Hà Nội vẫn là "rất sớm", khi đó nhiều người còn đang đi mua sắm, đi ăn uống, nhiều người đi ăn muộn. Đây là nhu cầu thiết yếu của người dân, nếu chính quyền cấm sau 21h, thì họ lại dồn ra đường sớm hơn, không làm giảm khả năng lây nhiễm.

"Hiện nay hầu hết người dân đã được tiêm vaccine đầy đủ, ý thức phòng dịch cũng đã cải thiện. Để phòng dịch tốt, quan trọng là sau 21h, chính quyền có giám sát được các hàng quán hay không? Ngoài ra, nếu chính quyền không giám sát được các hàng quán thường xuyên thì có thể giám sát đột xuất. Nếu cấm hàng quán hoạt động sau 21h không những không phòng chống dịch được mà còn làm tăng khả năng lây nhiễm" - ông Hùng nêu quan điểm.

Theo chuyên gia, việc cấm hàng quán hoạt động sau 21h cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của người dân, vốn dĩ đã lao đao sau chuỗi ngày phải đóng cửa vì giãn cách xã hội.

"Không cần cấm nếu chính quyền quản lý tốt"

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế - cho rằng, trước hết việc lây nhiễm SARS-CoV-2 là do quá trình tiếp xúc gần giữa người với người, và việc người dân không tuân thủ quy tắc 5K tại các cửa hàng, quán ăn. Chính vì vậy, việc đảm bảo công tác chống dịch tại các hàng quán là rất quan trọng, không thể chủ quan.

Hà Nội có cần thiết cấm hàng quán ăn uống hoạt động sau 21h? - 3

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, Hà Nội có thể bỏ quy định cấm hàng ăn hoạt động sau 21h nếu chính quyền kiểm soát tốt công tác phòng chống dịch ở các hàng quán (Ảnh: Bộ Y tế).

Theo ông Phu, việc cấm hàng quán hoạt động sau 21h tại từng địa phương, địa bàn ở TP Hà Nội có thể linh hoạt, tùy thuộc vào mức độ quản lý của chính quyền nơi đó.

"Nếu địa phương nào quản lý tốt tình hình an ninh trật tự, công tác phòng chống dịch thì chúng ta có thể nghĩ tới việc bỏ quy định cấm trên" - ông Phu nói.

Chuyên gia cho rằng, thực tế trong thời gian qua, sau khi Hà Nội ngừng giãn cách xã hội, nhiều trường hợp các nhà hàng, quán ăn để xảy ra tình trạng "mất kiểm soát dịch", khi liên tiếp phát hiện nhiều F0 đến ăn uống, làm lây nhiễm, hay các nhà hàng, quán cà phê, quán ăn không có đủ các biện pháp phòng dịch như vách ngăn, chủ quán không yêu cầu khách đảm bảo giãn cách, dẫn tới chính quyền phải ra quy định cấm hàng quán ăn không được hoạt động sau 21h.

Hà Nội có cần thiết cấm hàng quán ăn uống hoạt động sau 21h? - 4

Trước đó, ngày 1/11, Hà Nội ra quy định vẫn cho phép nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trừ quán rượu, bia, bia hơi) được bán hàng tại chỗ nhưng phải đóng cửa trước 21h hàng ngày để phòng, chống dịch (Ảnh minh họa).

"Theo tôi, chính quyền cần có sự linh hoạt, nếu quản lý được các hàng quán đảm bảo công tác phòng chống dịch, thì chúng ta không cần cấm. Nếu địa phương đó không quản lý được các hàng quán thì người dân phải chấp nhận việc ngừng kinh doanh sau 21h. Việc này tùy thuộc vào từng địa phương, địa bàn... sao cho hợp lý, vừa đảm bảo phòng chống dịch, mà vừa đảm bảo an sinh xã hội, nhưng phải đặt công tác phòng chống dịch lên hàng đầu" - PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích.

Cũng theo chuyên gia, Hà Nội có thể lùi thời gian cấm từ 21h lên 22h, bởi "dịch Covid-19 không lây lan vào ban đêm nhiều hơn ban ngày", quan trọng là do ý thức của người dân và trách nhiệm của chủ các cửa hàng, quán ăn.

"Người dân cũng không được chủ quan cho rằng bản thân đã tiêm vaccine rồi mà buông lỏng, thả trôi. Công tác phòng chống dịch có hiệu quả hay không, một phần dựa vào chính ý thức của nhân dân là rất lớn" - chuyên gia nhận định.

Hà Nội có cần thiết cấm hàng quán ăn uống hoạt động sau 21h? - 5

Đêm 8/12, lực lượng chức năng kiểm tra nhà hàng Monaza 194 Trần Duy Hưng (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), phát hiện 126 khách đang ăn uống, hát hò sau 21h, qua kiểm tra có 5 người dương tính với SARS-CoV-2 (Ảnh: Trần Thanh).

Người dân nói gì?

Anh Tuấn - chủ một cửa hàng ăn trên phố Trung Hòa, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội - cho rằng, việc cấm hàng quán hoạt động sau 21h ảnh hưởng rất nhiều đến việc kinh doanh của gia đình anh. Theo anh Tuấn, cửa hàng của anh đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, vì vậy việc cấm hàng quán hoạt động sau 21h là bất hợp lý.

"Lượng người tập trung ăn uống tại quán ban ngày cao hơn buổi tối rất nhiều, công tác chống dịch tại quán ban ngày hay ban đêm không có sự thay đổi, vì vậy việc cấm hàng quán hoạt động sau 21h theo tôi là không thiết thực, gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của nhiều người dân. Ngoài ra, khoảng thời gian 21h nhiều người khi đó mới đi ăn, việc cấm như vậy khiến thực khách bị dở bữa" - anh Tuấn phân trần.

Hà Nội có cần thiết cấm hàng quán ăn uống hoạt động sau 21h? - 6

Lực lượng Công an phường Yên Hòa nhắc nhở các hàng quán trên phố Trung Kính đảm bảo các công tác phòng chống dịch (Ảnh: Trần Thanh).

Cũng đồng tình với ý kiến của anh Tuấn, chị Hồng Nga, chủ một quán cà phê trên phố Yên Hòa cho biết, việc cấm hàng quán hoạt động sau 21h là chưa hợp lý. Theo chị Nga, việc lây lan dịch ra cộng đồng ban ngày hay ban đêm không có sự khác nhau. Nếu các hàng quán đều thực hiện tốt việc phòng dịch thì quy định cấm này trở thành vô lý và gây ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của người dân, mà trước đó đã bị ảnh hưởng rất nhiều sau thời gian giãn cách xã hội.

Trái ngược với ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Liên (61 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy) cho biết, gia đình bà hoàn toàn ủng hộ việc chính quyền cấm hàng quán hoạt động sau 21h. Theo bà, việc các hàng quán hoạt động đêm tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao vì chủ yếu quán bán cho khách ăn nhậu, ngoài việc tụ tập đông người còn mất an ninh trật tự.

Chị Lê Thu Thảo (29 tuổi, ở quận Thanh Xuân) cũng đồng tình với quan điểm của bà Liên. Chị Thảo cho rằng, hiện nay số ca mắc ngoài cộng đồng ở Hà Nội đang tăng rất nhanh, người dân thủ đô hãy vì công tác phòng dịch lâu dài, hạn chế bớt những nhu cầu không thiết yếu; không ra đường, không tụ tập hàng quán nếu không thực sự cần thiết.

Ngày 1/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Kế hoạch số 243/KD-UBND quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" gửi các cơ quan liên quan. Theo đó, Hà Nội vẫn cho phép nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trừ quán rượu, bia, bia hơi) được bán hàng tại chỗ nhưng phải đóng cửa trước 21h hàng ngày để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.