Hà Nội: Cầu bộ hành có thể hoàn thành trước Tết Nguyên đán
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu vừa chấp thuận xây ngay 5 cầu vượt cho người đi bộ. Các ban, ngành thành phố đang rất khẩn trương trong nỗ lực cho ra đời những cây cầu bộ hành đầu tiên của Thủ đô ngay trước Tết Nguyên đán.
Đây có thể được coi là biện pháp kiên quyết đầu tiên nhằm giảm tai nạn giao thông tại Hà Nội được thực thi sau những dư luận ồn ào khởi nguồn từ tai hoạ đến với 2 giáo sư nổi tiếng cuối năm vừa qua. Đây cũng là đề xuất đầu tiên trong hàng loạt đề xuất các ngành, các cấp đã đưa ra - bước đầu thành hiện thực.
Năm 2001, ý tưởng về cầu bộ hành đã được đưa ra tại Hà Nội, một thành phố đang nhức nhối về giao thông đô thị, nhưng lại bị các chuyên gia, nhà chuyên môn gạt đi với lý do “mất mỹ quan”. Mới đây, sau làn sóng bức bách từ công luận trước vấn nạn giao thông, vấn đề “cầu vượt cho người đi bộ qua đường” lại được “xới” lên. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu vừa chấp thuận đề nghị của các ngành: trước mắt xây ngay 5 cầu vượt cho người đi bộ.
Theo đề xuất của Sở GTCC Hà Nội, vị trí một số cầu bộ hành đã được nghiên cứu đặt tại các địa điểm sau: đường Nguyễn Chí Thanh (khu vực phía ngoài ĐH Luật Hà Nội), đường Giải Phóng (khu vực ngoài bệnh viện Bạch Mai), đường Đại Cồ Việt (khu vực ngoài trường ĐH Bách khoa), đường Nguyễn Văn Cừ (khu vực gần nút giao Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Sơn). Các vị trí khác đang được tiếp tục nghiên cứu.
Đây đều là những khu vực đông đúc, giao thông hỗn loạn với lưu lượng cao, chiều rộng đường giao thông lớn nên người đi bộ băng qua rất nguy hiểm và trên thực tế đã xảy khá nhiều tai nạn.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Toản, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư - Chuyển giao công nghệ và Xây dựng 860, cầu bộ hành sẽ rộng 48 m, chia làm 2 nhịp. Trụ giữa của cầu sẽ được đặt tại dải phân cách hiện có của đường, mỗi bên có thể có 1 hoặc 2 nhánh cầu thang lên và xuống riêng. Các cầu thang này có thể có dạng thẳng hoặc xoắn, tùy theo không gian và vỉa hè nơi xây cầu.
Được biết, mỗi cây cầu bộ hành tại Hà Nội theo tính toán có thể chi phí khoảng từ 3 đến 3,5 tỉ đồng cho việc xây dựng, lắp đặt. Thời hạn thi công mỗi cây cầu khoảng 45 ngày.
Nếu không có gì thay đổi, những cây cầu vượt đầu tiên cho người đi bộ tại Hà Nội sẽ được hoàn tất vào trước Tết Đinh Hợi tới.
Theo VietNamnet