1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội: 7 nhóm giải pháp giảm tình trạng ùn tắc giao thông

(Dân trí) - Vừa qua, Sở GTCC Hà Nội đã có cuộc họp với các ngành Công an thành phố, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, cùng đại diện các quận bàn biện pháp giải quyết giao thông đô thị Hà Nội, đặc biệt là vấn nạn ùn tắc giao thông hiện nay.

Hiện nay, thành phố có 955 km đường với 580 nút giao thông đồng mức, trong đó chỉ có 170 nút có đèn chỉ huy giao thông. Trong khi đó, hiện Hà Nội có khoảng hơn 172.000 ôtô, gần 1,7 triệu xe máy và 1 triệu xe đạp. Với mật độ phương tiện dày đặc như vậy, cộng với các phương tiện giao thông công cộng hạn chế, cơ sở hạ tầng chật hẹp, tình trạng ùn tắc giao thông là điều không thể tránh khỏi.

 

Trước tình trạng ùn tắc giao thông gây tốn kém về thời gian và tiền bạc, bức xúc trong dư luận, Sở GTCC Hà Nội đưa ra 7 nhóm giải pháp.

 

1. Hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể giao thông Hà Nội đến năm 2020, trong đó tập trung vào các dự án ưu tiên gồm phát triển hệ thống giao thông công cộng; phát triển mạng lưới giao thông đường bộ; quản lý và kiểm soát giao thông. Điều chỉnh lại quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng, trong đó đưa các điểm đỗ xe tập trung, bến xe liên tỉnh ra ngoài đường vành đai 3. Bổ sung các điểm đỗ xe ngầm, cao tầng trong khu vực nội thành. Các công trình công cộng, khu văn phòng, trung tâm thương mại khi xây dựng phải có chỗ đỗ xe...

 

2. Tổ chức tuyên truyền giao thông sâu rộng đến từng gia đình, cụm dân cư, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức các lớp dạy luật giao thông cho những người vi phạm luật giao thông. Tổ chức các lớp đào tạo, bổ túc cho đội ngũ lái xe, vận hành xe buýt, xe chuyên dùng.

 

3. Tổ chức thực hiện việc phân làn, phân luồng để tách dòng phương tiện tại một số tuyến đường chính của Thủ đô. Nghiên cứu tổ chức cấm xe máy trên một số tuyến đường như Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường Bắc Thăng Long; nghiên cứu một số tuyến phố không cho xe máy hoạt động vào giờ cao điểm.

 

4. Thay đổi giờ làm việc để lệch giờ làm việc giữa cơ quan trung ương và Hà Nội.

 

5. Giải pháp xe buýt nhằm giảm phương tiện giao thông cá nhân. Cụ thể là tăng tuyến và giảm khoảng cách giữa các điểm chờ.

 

6. Từ nay đến năm 2010, tập trung xây dựng hạ tầng để giải quyết các điểm, tuyến đường thường xuyên bị ùn tắc giao thông.

 

7. Quy định hạn chế đỗ xe trong khu vực trung tâm thành phố phân chia theo khu vực vành đai 1, 2, 3. Phí đỗ xe cho khi vực 1 cao gấp 3 lần khu vực 3, có thể áp dụng vào năm 2008. Xây dựng đề án thu phí vào khu vực hạn chế đi lại, với mục tiêu giảm nghẽn giao thông và tăng cường sử dụng phương tiện công cộng. Ngoài ra, sẽ tăng phí đăng ký mới ôtô, xe máy và phí hoạt động của các phương tiện ngoại tỉnh hoạt động trên địa bàn. Mức thu phí đăng ký mới sẽ công khai hằng năm để người dân tự điều chỉnh. Xe ngoại tỉnh vào thành phố sẽ được thu phí tại vành đai 2, miễn phí cho các xe công về công tác trên địa bàn. Nâng mức phí trông giữ xe tại các khu vực dành cho người đi bộ, nơi thiếu diện tích làm bãi đỗ xe...

 

Ông Nguyễn Văn Khôi - Giám đốc Sở GTCC Hà Nội - cho biết, trên đây mới là những đề án Sở đưa ra để cùng các ban ngành tham khảo, góp ý, chỉnh sửa với mục tiêu duy nhất là giảm ùn tắc giao thông cho thành phố.

Quý Đô