Hà Nội: 13 hộ dân sung sướng vì giữ được "đất vàng"

(Dân trí) - Suốt 5 năm qua, 13 hộ dân ở Tổ 1 cụm dân cư Nam Thăng Long (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) kiên trì khiếu nại, tố cáo về những vô lý của một dự án trên địa bàn. Họ vừa “chiến thắng” khi Hà Nội quyết định tách những ngôi nhà mặt phố của họ ra khỏi phạm vi giải tỏa để thực hiện dự án.

Ông Vũ Hồng Khanh - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - vừa ký văn bản gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Thanh Xuân và Công ty CP Đào tạo và Xây lắp điện thông báo chủ trương điều chỉnh ranh giới và quy hoạch dự án đầu tư xây dựng tòa nhà hỗn hợp văn phòng cho thuê, dịch vụ công cộng và nhà ở tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (khu Tam Giác điện tử).

 

vanban-cua-ha-noi-1-0c57c

 

vanban-cua-ha-noi-2-621e2
Văn bản của UBND TP Hà Nội yêu cầu điều chỉnh ranh giới dự án tòa nhà hỗn hợp ở khu Tam Giác điện tử thuộc địa phận phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân.

Theo đó, UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Đào tạo và Xây lắp điện nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch kiến trúc của dự án tòa nhà hỗn hợp tại khu Tam Giác điện tử theo hướng: tách diện tích đất thuộc Tổ 1 cụm Nam Thăng Long, phường Nhân Chính - khoảng 1.008m2 đất sát với đường Khuất Duy Tiến do các hộ dân đang sử dụng ra khỏi ranh giới khu đất thực hiện dự án để các hộ dân sử dụng và thực hiện việc chỉnh trang theo quy hoạch.

“Diện tích đất còn lại Công ty CP Đào tạo và Xây lắp điện tiếp tục thực hiện dự án với các chỉ tiêu về sử dụng đất (mật độ xây dựng, số tầng cao và hệ số sử dụng đất) đã được xác định năm 2010 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc và mục đích sử dụng đất ghi tại Quyết định 5091/2012 của TP Hà Nội”- văn bản do ông Vũ Hồng Khanh ký nêu rõ.

TP Hà Nội cũng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn Công ty CP Đào tạo và Xây lắp điện triển khai các thủ tục: lập hồ sơ cấp phép quy hoạch, chấp thuận điều chỉnh tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình theo quy định của pháp luật, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt, định hướng quy hoạch phân khu đô thị H2-2, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu đỗ xe, đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật.

UBND quận Thanh Xuân có trách nhiệm công khai phương án điều chỉnh được duyệt, tuyên truyền vận động nhân dân địa phương có liên quan đảm bảo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình thực hiện dự án; hướng dẫn các hộ dân sử dụng đất nằm ngoài phạm vi dự án hoàn thiện hồ sơ sử dụng đất đai và xử lý các trường hợp thửa đất không đủ điều kiện về diện tích, kích thước xây dựng theo quy định...

Gặp gỡ PV Dân trí ngày 27/8, PGS-TS Hoàng Mạnh Hùng - nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), cho biết “cuộc chiến” của gia đình ông và các hộ dân ở Tổ 1 cụm dân cư Nam Thăng Long đã “thắng lợi” bước đầu. “Suốt 5 năm qua, những hộ dân ở đây đã bền bỉ khiếu nại tới các cấp thẩm quyền về sự vô lý trong quy hoạch của dự án này để có kết quả như hôm nay: Toàn bộ các hộ gia đình ở Tổ 1 cụm dân cư Nam Thăng Long nằm ở mặt đường Khuất Duy Tiến đã được TP Hà Nội yêu cầu tách ra khỏi dự án xây dựng tòa nhà hỗn hợp”- ông Hùng cho biết.

“Chúng tôi đã giữ được mảnh đất và ngôi nhà của mình một cách đúng pháp luật” - bà Trần Thị Bình (số nhà 69 Khuất Duy Tiến) vui mừng cho biết.

 

ba-tran-thi-binh-khu-nam-thang-long-7608f

Bà Trần Thị Bình (ảnh) và những người dân ở Tổ 1 cụm dân cư Nam Thăng Long đã giữ được những ngôi nhà mặt phố Khuất Duy Tiến (được coi là khu đất vàng vành đai 3).

 

Theo bà Bình, nếu chủ đầu tư thực hiện nghiên cứu xây dựng tòa nhà hỗn hợp trên diện tích 2.500 m2 mà UBND TP Hà Nội chấp thuận ban đầu thì 13 hộ dân cụm Nam Thăng Long (đều nằm ở mặt đường Khuất Duy Tiến) đã không thuộc diện phải giải tỏa, di dời. Tuy nhiên phường Nhân Chính và quận Thanh Xuân đã cho phép chủ đầu tư nghiên cứu thực hiện dự án trên diện tích lên tới 4.235m2 và sau đó điều chỉnh xuống còn khoảng 3.670m2 bao trùm lên toàn bộ dãy nhà của các hộ dân ở đây.

“Dự án của họ nằm phía bên trong nên muốn lấy toàn bộ phần đất đai, nhà cửa của chúng tôi để được “vươn” ra mặt đường Khuất Duy Tiến thì sẽ có giá trị hơn, nhưng đó là việc làm không đúng quy định, không có trong quy hoạch trước đó. Chúng tôi đã khiếu nại rất nhiều lần nhưng chính quyền sở tại không tổ chức đối thoại với người dân dân. Suốt 5 năm qua chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên, cuộc sống bị xáo trộn vì chỉ lo đi khiếu kiện, giữ bằng được mảnh đất, ngôi nhà của mình”- bà Bình cho biết.

Trong khi đó, cả gia đình bà Nguyễn Thị Hòa sinh sống ổn định tại số nhà 97 Khuất Duy Tiến từ năm 1990. “Suốt thời gian ở đây chúng tôi hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với nhà nước và đều có giấy tờ biên nhận nhưng vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Đến năm 2010-2011 khi nhận thông báo thu hồi toàn bộ 65m2 nhà đất để thực hiện dự án nhà ở hỗn hợp này với mức đền bù chỉ là 50.000 đồng/m2 cả gia đình tôi mới tá hỏa (sự việc này đã gây ồn ào dư luận thời gian đó - PV) và suốt từ đó tới nay khiếu kiện khắp các cơ quan ban ngành để có được kết quả như ngày hôm nay”- bà Hòa nói.

Hỗ trợ người dân ở đây khởi kiện các quyết định thu hồi đất suốt những năm qua, luật sư Trần Vũ Hải - Trưởng văn phòng luật sư Trần Vũ Hải, cho biết trước mắt 13 hộ dân cụm Nam Thăng Long sẽ không còn thuộc diện bị cưỡng chế thu hồi đất nhằm thực hiện dự án tòa nhà hỗn hợp do Công ty CP Đào tạo và Xây lắp điện thực hiện. Ông Hải cho rằng quyết định của UBND TP Hà Nội được đưa ra dựa trên báo cáo và đề nghị của Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội và UBND quận Thanh Xuân nên sắp tới UBND quận Thanh Xuân sẽ phải hủy bỏ các quyết định thu hồi đất của các hộ dân khu Nam Thăng Long đã ban hành trước đây.

Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, sau khi điều chỉnh quy hoạch kiến trúc của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Công ty CP Đào tạo và Xây lắp điện có trách nhiệm liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng làm thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư, liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường làm thủ tục điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án, báo cáo UBND TP Hà Nội quyết định.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Thế Kha