1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hạ ngầm dây điện: Bao giờ?

Theo kế hoạch mà Hà Nội đề ra thì đến 2010 phải hạ ngầm toàn bộ hệ thống lưới điện của thủ đô. Thế nhưng, để đầu tư cho quy hoạch lưới điện phải cần tới một số vốn khổng lồ: Hơn 7.000 tỉ đồng.

Hạ ngầm - bài toán khó giải

 

Theo ông Bùi Duy Dụng - Phó Giám đốc Cty điện lực HN - trong 5 năm qua, Điện lực Hà Nội mới thực hiện hạ ngầm được 43% hệ thống dây (chủ yếu là đường dây trung thế). Trong đó, riêng khu vực nội thành, đường dây trung thế đã hạ ngầm gần 70%, còn đường dây hạ thế mới chỉ hạ ngầm được hơn 2%.

 

Trong 5 năm, việc đầu tư cho lưới điện đã lên tới gần 2 tỉ đồng. Theo kế hoạch mà Hà Nội đề ra thì đến 2010 phải hạ ngầm toàn bộ hệ thống lưới điện của thủ đô. Thế nhưng, theo như tính toán, để đầu tư cho quy hoạch lưới điện thủ đô giai đoạn từ 2006 -2010, (trong đó có cả việc hạ ngầm toàn bộ hệ thống dây cao và trung thế, một phần hạ thế) phải cần tới một số vốn khổng lồ: Hơn 7.000 tỉ đồng.

 

Ông Dụng cho rằng: "Đây thực sự là một vấn đề hết sức nan giải. Để có vốn thực hiện kế hoạch hạ ngầm hệ thống điện TP, Cty đã phải đi vay tiền ngân hàng. Tuy nhiên nhiều ngân hàng đã thẳng thừng từ chối vì họ cho rằng kế hoạch này không hiệu quả về mặt kinh tế".

 

Trước khó khăn này, ông Dụng đề nghị TP phải có một cơ chế thích hợp để giúp Cty có thể vay tiền từ các ngân hàng bởi việc hạ ngầm hệ thống lưới điện thực sự là một vấn đề XH rất lớn của thủ đô.

 

Một vấn đề nan giải không kém, theo ông Dụng là việc hạ ngầm hệ thống lưới điện TP đòi hỏi phải đào toàn bộ hệ thống hè đường của HN, phải đào cả trong ngõ với số lượng rất lớn, và như vậy sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng chục vạn hộ dân.

 

"Việc xin phép đào hè đường cũng không phải đơn giản bởi để có được giấy phép đào hè đường, ngành điện sẽ phải đi xin phép rồi ký hợp đồng giám sát với 7 đơn vị đang có công trình ngầm bao gồm cấp, thoát nước, viễn thông, truyền hình, cơ yếu..." - ông Dụng cho biết.

 

Hạ ngầm - dây vẫn chằng chịt

 

Thế nhưng, bài toán hạ ngầm vẫn chưa phải đã hết ẩn số. Theo ông Dụng, khi hệ thống lưới điện đã được hạ ngầm thì liệu mỹ quan TP có trở nên phong quang, cảnh các búi dây nhằng nhịt như mạng nhện trên các đường phố thủ đô có chấm dứt?

 

Câu trả lời hết sức bất ngờ là không. Ông Dụng giải thích rằng: Hiện nay, tuy trên một số tuyến phố, dù toàn bộ hệ thống dây điện đã được hạ ngầm (điển hình như xung quanh hồ Gươm) thế nhưng ngành điện vẫn không thể chặt được cột điện vì có quá nhiều loại dây của các ngành khác vẫn đang mắc chằng chịt vào đó (như dây điện thoại, dây Internet, dây truyền hình cáp...), vẫn tạo nên sự mất mỹ quan.

 

Ông Dụng cho biết, ngành điện đã báo cho những ngành có dây mắc nhờ để họ dọn dây, nhưng họ không chịu dọn thì ngành điện cũng đành chịu, không dám chặt cột vì sợ ảnh hưởng tới "vấn đề thông tin, liên lạc".

 

Khó ai có thể tính nổi mỗi cột điện đang phải chịu đựng bao nhiêu loại dây ngoài dây điện. Đến ngành điện cũng không thể kiểm soát nổi, bởi theo ông Dụng thì trước đây "họ muốn mắc thì cứ mắc, mà chẳng cần xin phép ai".

 

Chỉ 2 năm gần đây, để quản lý những cây cột điện, ngành điện mới  "cho thuê cột điện", nghĩa là ngành nào muốn mắc nhờ dây vào cột thì phải trả ít tiền, thế nhưng nói chung cách này vẫn không thực sự đem lại hiệu quả. Kết quả là "mạng nhện" vẫn cứ giăng đầy trên các đường phố, trên các ngõ xóm của thủ đô.

 

Lời giải ở đây là Hà Nội trong tương lai cần phải có một hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm đủ tiêu chuẩn và phân bố rộng khắp thành phố để tất cả các ngành có hệ thống dây dẫn đều có thể sử dụng và ngầm hoá hệ thống dây của mình.

 

Thế nhưng, một vấn đề đáng nói là mục tiêu của Hà Nội đặt ra là đến 2010 phải hạ ngầm toàn bộ hệ thống dây điện, thế nhưng, ngay tại những khu đô thị mới, chung cư mới xây cũng rất ít được xây dựng đường hầm kỹ thuật. Có khu xây đường hầm kỹ thuật thì quá nhỏ, vừa khánh thành hầm đã chật các loại đường dây, khi phát triển lại phải đào đường hầm mới. Điều này cho thấy sự thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán và thiếu một tầm nhìn chiến lược dài hơi trong quy hoạch kiến trúc của Hà Nội.

 

Theo Hà Minh Hiệu

Lao động