1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019:

Hà Giang dùng thiết bị thông minh, Hà Nội và TPHCM chỉ dùng phiếu giấy với trường hợp cá biệt

(Dân trí) - Cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở sẽ bắt đầu từ ngày 1/4 này. Đây được đánh giá là lần điều tra lớn của quốc gia 10 năm qua. Trong khi tỉnh nghèo Hà Giang quyết sử dụng thiết bị thông minh để điều tra thì Hà Nội và TPHCM chỉ dùng phiếu giấy với những trường hợp lang thang, cơ nhỡ.

Chiều 13/3, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương - chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá công tác chuẩn bị, nội dung trọng tâm trước khi Tổng điều tra dân số và nhà ở chính thức bắt đầu vào ngày 1/4 tới đây.

Hà Nội, TPHCM “khó khăn” hơn miền núi?

Việt Nam thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở lần đầu tiên vào năm 1979, cuộc tổng điều tra gần đây nhất là năm 2009. Việt Nam tiến hành tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ 5 – năm 2019 trong bối cảnh có nhiều khác biệt về kinh tế - xã hội, công nghệ thông tin (CNTT) phát triển.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, đây là cuộc Tổng điều tra lớn nhất của quốc gia trong 10 năm qua và rất quan trọng, đã được chuẩn bị cách đây 2 năm. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam ứng dụng triệt để CNTT để tổng điều tra dân số và nhà ở, khai thác số liệu điều tra trực tuyến và phiếu điện tử.

Hà Giang dùng thiết bị thông minh, Hà Nội và TPHCM chỉ dùng phiếu giấy với trường hợp cá biệt - 1
Cuộc họp trực tuyến toàn quốc chiều 13/3 của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương

Tại cuộc họp, bà Hà Thị Minh Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - cho biết, mặc dù là tỉnh miền núi nhưng quan điểm của tỉnh Hà Giang là ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu công việc.

“Trong điều kiện của tỉnh miền núi như Hà Giang với trình độ dân trí và hạ tầng thông tin còn nhiều hạn chế đòi hỏi phải có sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành. Khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hình thức tự khai (Webfrom) và còn lại là sử dụng phiếu tra điện tử (Capi) trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.” - bà Hạnh cho biết.

Về việc này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hoan nghênh quan điểm của Hà Giang là không dùng phiếu giấy. Phó Thủ tướng cho rằng đây là sự quyết tâm rất lớn của một tình miền núi, khi đảm bảo 100% cán bộ điều tra sử dụng điện thoại di động và các thiết bị điện tử liên quan để cập nhật số liệu bằng hình thức Capi.

Trong khi đó, ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch UBND Hà Nội - thông tin, Ban chỉ đạo thành phố và cấp huyện sẽ giám sát, kiểm tra, nghiệm thu số liệu ngay trong quá trình điều tra. Đối với phiếu giấy, Ban chỉ đạo các cấp địa phương tổ chức xử lý phiếu giấy ngay trong quá trình thu thập thông tin theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo Trung ương.

Ông Toản cho hay, hệ thống mạng phục vụ Tổng điều tra thường phát sinh sự cố nên quá trình tác nghiệp không được thuận lợi, mất nhiều thời gian thực hiện, hoàn thành công việc. Chương trình điều tra Capi chưa hoàn thiện sẽ gây khó khăn nhất định khi hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức thực hành cho điều tra.

Tại TPHCM, ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM - cho biết, hiện nay cơ sở hạ tầng máy chủ của thành phố chưa đáp ứng đủ cho lượng lớn đăng nhập và hoạt động cùng lúc nên vẫn còn tồn tại các lỗi như không lấy được dữ liệu từ máy chủ, lỗi kết nối máy chủ, đứng máy ... chưa đảm bảo cập nhật và đồng bộ dữ liệu thường xuyên và liên tục.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, ở giai đoạn rà soát bảng kê, nếu điều tra viên thống kê chỉ sử dụng Capi đi rà soát thì không phù hợp mà phải kết hợp in bảng kê địa bàn ra giấy. Điều tra viên thống kê lo ngại khi sử dụng thiết bị di động đi điều tra tại địa bàn có thể gặp rủi ro như bị rơi, mất, cướp... dẫn tới mất dữ liệu sau khi đã thực hiện xong một số hộ.

Yêu cầu chính xác, chất lượng, bảo mật

Cho tới thời điểm này, tổng số có 217.586 địa bàn điều tra, 26,2 triệu hộ dân cư và trên 94 triệu người được lập bảng kê điều tra (không bao gồm khối Công an, Quân đội, người làm việc tại cơ quan ngoại giao ở nước ngoài và thân nhân đi cùng). Kinh phí dành cho Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là 1.100 tỷ đồng. Cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 diễn ra từ 1/4 - 25/4.

Hiện nay, hạ tầng công nghệ thông tin đã được Tổng cục Thống kê nâng cấp máy chủ phục vụ tổng điều tra dân số nhằm đảm bảo việc sao lưu và xử lý số liệu điều tra trực tuyến và phiếu điện tử.

Hà Giang dùng thiết bị thông minh, Hà Nội và TPHCM chỉ dùng phiếu giấy với trường hợp cá biệt - 2

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp trực tuyến

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Ban chỉ đạo các cấp tại địa phương tổ chức tuyên truyền đến những địa bàn khó khăn về địa lý, khó khăn do bất ổn về an ninh, chính trị để nhân dân biết về Tổng điều tra và tham gia cung cấp thông tin; rà soát các địa bàn khó tiếp cận do mất ổn định về an ninh, chính trị và báo cho ngành Công an lưu ý và bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia điều tra tại địa phương.

Lãnh đạo Chính phủ lưu ý, trong quá trình thu thập thông tin, các điều tra viên thống kê cần đặc biệt lưu ý đối với các hộ thường xuyên vắng nhà hoặc đi vắng dài ngày. Với những người lang thang, cơ nhỡ do đặc thù nơi cư trú không ổn định, do vậy cần tổ chức thu thập thông tin của họ vào khoảng thời gian đêm 31/3 và rạng sáng ngày 1/4/2019…

“Phải thực hiện điều tra chính xác về số lượng số và chất lượng, đảm bảo nhanh gọn, an toàn tuyệt đối trong tổ chức thực hiện, lữu trữ, bảo mật thông tin và tiết kiệm, hiệu quả.” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu.

Lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh, phải huy động toàn thể nhân dân tham gia, vì nếu không có sự ủng hộ, tham gia đông đảo và tích cực, tự giác của người dân thì cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 không thể thành công.

Châu Như Quỳnh