1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hạ cốt nền đường “biến nhà dân thành hầm” xuống 35 cm

(Dân trí) - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa đồng ý phương án giảm cao độ đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) xuống 35 cm. Đồng thời xây dựng trạm bơm 76 tỷ đồng để chống ngập cho 44 tuyến hẻm bị ảnh hưởng.

Ngày 6/9, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa đã chủ trì cuộc họp về phương án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương dài 3,5 km (từ vòng xoay Mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc).

Những tháng qua, người dân hai bên đường Kinh Dương Vương phải hứng chịu cảnh bụi mù mịt
Những tháng qua, người dân hai bên đường Kinh Dương Vương phải hứng chịu cảnh bụi mù mịt

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP (chủ đầu tư) cho biết, theo thiết kế, cao độ tim đường Kinh Dương Vương là 2 m, mép đường là 1,7 m. Đây là cao độ được lựa chọn để giải quyết tình trạng ngập nước do triều cường kết hợp mưa lớn, đỉnh triều lên tới 1,68m.

Do cao độ mép đường hiện hữu thấp, có đoạn chỉ 0,4 m nên khi nâng cấp đường Kinh Dương Vương, cao độ mới chênh lệch với cao độ cũ tới 1,3 m. Dự án ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, kinh doanh của hơn 500 hộ dân hai bên đường Kinh Dương Vương. Người dân không đồng tình vì đường nâng quá cao nên chủ đầu tư đã cho ngưng dự án vài tháng qua.

Mặt đường đầy đất cát, đá dăm khi công trình ngưng thi công đã biến đường Kinh Dương Vương thành con đường đau khổ
Mặt đường đầy đất cát, đá dăm khi công trình ngưng thi công đã biến đường Kinh Dương Vương thành "con đường đau khổ"

Ông Dũng cho biết, chủ đầu tư đã phối hợp cùng với UBND quận Bình Tân lấy ý kiến của người dân để lựa chọn phương án hợp lý nhất. Theo đó, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP đề xuất, đối với các đoạn đã thi công thảm bê tông nhựa thì cho tiếp tục triển khai và giảm cao độ vỉa hè 10 cm. Còn những đoạn chưa thi công thảm bê tông nhựa (từ đường Tên Lửa đến Hồ Học Lãm) thì điều chỉnh hạ cao độ mặt đường 25 cm so với thiết kế đã duyệt; điều chỉnh độ dốc và giảm cao độ vỉa hè 10 cm.

Bên cạnh đó, ông Dũng kiến nghị bổ sung thêm trạm bơm công suất 42.000 m3/h (đặt gần Đình An Lạc) để chống ngập cho 44 tuyến hẻm bị ảnh hưởng khi nâng đường Kinh Dương Vương.

Người dân luôn phải dùng tay che bụi khi lưu thông trên đường Kinh Dương Vương
Người dân luôn phải dùng tay che bụi khi lưu thông trên đường Kinh Dương Vương

“Dự kiến trạm bơm sẽ xây dựng trên khu đất công ven kênh, rộng khoảng 400 m2. Khái toán khoảng 76 tỷ đồng. Nếu xây dựng trạm bơm thì phải hết 14 tháng. Khi TP chấp thuận chủ trương thì mới thiết kế”, ông Dũng nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Nhựt – Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân - cho biết, khi lấy ý kiến người dân thì đã thi công 2 đầu tuyến đường rồi. Chủ đầu tư đưa ra 4 phương án nhưng thực chất là giữ nguyên cao độ, chỉ có phương án thứ 4 là giảm cao độ đoạn ở giữa chưa thi công.

“Người dân lựa chọn phương án nhưng cũng không hài lòng vì không có nhiều sự lựa chọn. Để giải quyết chống ngập khi mưa kết hợp triều cường thì phải có giải pháp đi kèm. Nếu lắp đặt trạm bơm thì bảo đảm không ngập khi mưa kết hợp triều cường”, ông Nhựt nói.

Người dân tưới nước trước cửa nhà để hạn chế bụi
Người dân tưới nước trước cửa nhà để hạn chế bụi

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa đồng ý giảm cao độ đoạn giữa đường Kinh Dương Vương xuống 35 cm, 2 đoạn còn lại giữ nguyên cao độ. Ông Khoa cũng đồng ý với phương án xây dựng trạm bơm để giải quyết tình trạng ngập trước mắt cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa yêu cầu khẩn trương thi công đường Kinh Dương Vương
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa yêu cầu khẩn trương thi công đường Kinh Dương Vương

“Sau cuộc họp này Trung tâm chống ngập khẩn trương triển khai thi công đường Kinh Dương Vương ngay. Sau khi TP hoàn chỉnh các dự án chống ngập ở khu vực này thì có thể chuyển trạm bơm đến phục vụ nơi khác. Đất đã có rồi, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ để triển khai nhanh nhất có thể. Đây không phải là giải pháp tốt nhất nhưng là giải pháp chấp nhận được”, ông Khoa nói.

Quốc Anh