1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hạ chỉ tiêu GDP, tăng bội chi ngân sách

(Dân trí) - Chính phủ đã đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu GDP xuống 5%, nhưng UB Kinh tế cho rằng, đó vẫn là thách thức lớn. Về mức bội chi ngân sách tăng từ gần 5% đến khoảng 8%, UB này cũng đánh giá, sẽ tạo nên mức thâm hụt ngân sách lớn.

Trong phát biểu khai mạc kì họp Quốc hội sáng nay 20/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá, hầu hết các chỉ tiêu trong quí I/2009 đều đạt thấp so với kế hoạch và so với cùng kì nhiều năm trước. Những khó khăn, yếu kém trong nước và những tác động tiêu cực từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu còn tác động rất lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội…
 
Thêm 20.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ

 

Báo cáo KT - XH của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trình bày, cho biết, GDP quí I tăng 3,1% so với cùng kì năm trước và có khả năng tăng dần trong các tháng tiếp theo. Tính đến hết tháng 4/2009 cả nước có 21 ngàn doanh nghiệp đăng kí mới với số vốn đăng kí hơn 100 ngàn tỉ đồng…

 

Các cân đối vĩ mô cơ bản vẫn được giữ vững. Thị trường chứng khoán và bất động sản có dấu hiệu phục hồi.

 

Tuy nhiên, theo ông Hùng, nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đã tăng dần trong tháng 4 và tháng 5, nhưng vẫn thấp hơn kế hoạch. Cân đối ngân sách căng thẳng, cán cân thanh toán tổng thể năm 2009 chưa vững chắc, có thể tác động bất lợi tới các cân đối vĩ mô khác.
 
Hạ chỉ tiêu GDP, tăng bội chi ngân sách - 1
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: “Khó khăn của chúng ta còn nhiều, có mặt còn gay gắt hơn” (Ảnh: Việt Hưng)

 

Về thời gian tới, ông Hùng nhận định, cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu đang diễn biến phức tạp, khó lường và tiếp tục tác động tiêu cực đến nước ta, khó khăn của chúng ta còn nhiều, có mặt còn gay gắt hơn.

 

Về giải pháp, Chính phủ phấn đấu sử dụng tốt các gói kích thích kinh tế để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực của nền kinh tế, tạo tiền đề xử lí tốt các “điểm nghẽn phát triển”.

 

Đẩy mạnh công tác qui hoạch, thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản. Chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam triển khai các dự án bô xít tại Tân Rai và Nhân Cơ, xử lí tốt các vấn đề về công nghệ, lao động nước ngoài, hoàn thổ, trồng rừng, đền bù tái định cư; bảo đảm lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của đất nước...

 

Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất hàng tiêu dùng nội địa, nhất là thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may, thuốc chữa bệnh… Kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ, chủ yếu bằng các hàng rào kĩ thuật phù hợp với qui định của WTO.

 

Chính phủ cũng trình Quốc hội cho tiếp tục thực hiện một số điều chỉnh về thuế - thực hiện chính sách “khoan sức dân”. Đồng thời, đề nghị Quốc hội uỷ quyền và giao trách nhiệm cho UB Thường vụ Quốc hội và Chính phủ chủ động, linh hoạt trong việc điều chỉnh chính sách và chỉ đạo điều hành giữa hai kì họp Quốc hội nhằm có phản ứng chính sách kịp thời, chủ động ứng phó khi tình hình có đột biến.

 

Đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 từ khoảng 6,5% xuống còn khoảng 5%; điều chỉnh chỉ tiêu tỉ lệ bội chi ngân sách so với GDP từ 4,82% lên không quá 8%. Điều chỉnh bổ sung mức phát hành trái phiếu Chính phủ thêm 20.000 tỉ đồng.

 

Giải phóng nhanh vốn kích thích

 

Báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế do ông Hà Văn Hiền trình bày, cho rằng, do tăng trưởng quí I chỉ đạt 3,1% nên mục tiêu tăng trưởng 5% là một thách thức lớn. Qua tính toán sơ bộ, giả định GDP có tốc độ tăng dần đều qua các quí, muốn đạt tăng trưởng bình quân cả năm 5%, phải có gia tốc tăng mỗi quí là 1,3% (quí II đạt 4,4%, quí III đạt 5,7%, quí IV đạt 7%).

 

Do vậy, UB Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ cơ sở và tính thực tế của việc xác định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 5%.

 

UB Kinh tế tán thành với đề xuất của Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu tăng giá từ dưới 15% xuống dưới 10%.
 
Hạ chỉ tiêu GDP, tăng bội chi ngân sách - 2
UB Kinh tế cho rằng tăng trưởng 5% là một thách thức lớn (Ảnh: Việt Hưng)

 

Về sử dụng vốn kích thích, nhiều ý kiến trong UB cho rằng, tiền đầu tư cũng như tiền hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, các doanh nghiệp phải được giải phóng nhanh nhất để kịp thời giúp các đối tượng này tháo gỡ khó khăn. Mặt khác, do số tiền cung ứng đưa vào lưu thông rất lớn, nếu triển khai chậm và không có giới hạn về thời gian thì khi kinh tế phục hồi lại sẽ là một tiềm ẩn gây lạm phát cao.

 

Một số ý kiến cũng cho rằng, giải pháp miễn, giảm thuế mới chỉ tác động đối với các doanh nghiệp có lãi trong khi những doanh nghiệp khó khăn, sản xuất không có lãi thì không được hưởng hỗ trợ này.

 

Về chính sách tài chính, tiền tệ, UB tính toán, nếu bội chi ngân sách đạt 8% thì dư nợ của Chính phủ sẽ ở mức khoảng 40% GDP. Tuy mức này vẫn nằm trong giới hạn an toàn (dưới 50% GDP), bảo đảm cân đối vĩ mô, nhưng đây là mức thâm hụt ngân sách rất cao và những năm tiếp theo nếu không giảm được bội chi ngân sách nhà nước thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến an ninh tài chính quốc gia.

 

Về các vấn đề xã hội, khảo sát của UB Kinh tế tại một số tỉnh cho thấy, nhiều doanh nghiệp có số lao động mất việc và thiếu việc làm từ 10 - 30%... Hiện nay, đã xuất hiện tình trạng người lao động phổ thông nước ngoài nhập cư vào Việt Nam làm việc tại các dự án có vốn đầu tư nước ngoài hoặc dự án do nước ngoài thi công, gây bất lợi cho cho công tác giải quyết việc làm trong nước.

 

UB đề nghị, Chính phủ đánh giá đúng thực trạng về vấn đề này và có biện pháp để thực hiện đúng chính sách, pháp luật về quản lí lao động nhập cư. 

Cấn Cường