1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

H5N1 gõ cửa, chân gà nướng vẫn “sốt”

(Dân trí) - Không biết chân gà bán ở thời điểm này có độ an toàn đến đâu nhưng tối tối, “phố nướng” Trịnh Hoài Đức, Lý Văn Phúc vẫn hoạt động tưng bừng. Trong khi nhiều người đi qua lấy tay… che mũi và phóng xe thật nhanh, thì vẫn có những thực khách điềm nhiên ngồi ăn, cười với ánh mắt đầy chế nhạo.

Người sợ cứ sợ, người ăn vẫn ăn

 

Kể từ khi Bộ Y tế công bố một trường hợp tử vong do ăn gà cúm tại Hà Nội, người dân trở nên thận trọng và dè dặt hơn hẳn. Trên các trang báo điện tử, những thông tim về cúm gia cầm luôn được truy cập nhiều nhất. Thế nhưng, các quán chân gà thì vẫn hoạt động bình thường, thậm chí có phần náo nhiệt.

 

Chập choạng tối 8/11, chúng tôi có mặt ở phố Trịnh Hoài Đức. Ngay từ đầu phố, khói từ các lò than hoa đã toả ra mù mịt, ngào ngạt mùi chân nướng. Chân gà ở đây vẫn được bán với giá như thường ngày: 6.000đ/cặp. Chị Hà - một người kinh doanh chân gà lâu năm tại đây - nói: “Có cung thì có cầu, chúng tôi là người bán, có chết chúng tôi chết trước”(!) Mặc dù nói “cùn”, xong chị Hà cũng vui vẻ cho chúng tôi xem tờ “Giấy kiểm dịch” nhàu nhĩ, chẳng biết thật giả thế nào.

 

Nhìn những cái chân gà to mập, có cái to tới gấp 3 chân gà ta, chúng tôi rùng mình. Số chân gà này chắc chắn là nhập ngoại, còn nhập từ đâu, thì theo chủ quán: Từ nguồn an toàn! Nhiều hàng quán còn trưng biển hiệu: Chân gà nhập từ Úc (!?).

 

Chân gà là món ăn rất hẫp dẫn, những người đã ăn quen thì khó lòng từ bỏ. Một chủ quán nói: “Nếu nhập chân của gà bị bệnh, thì chính chúng tôi sẽ “dính” trước tiên, chứ chẳng tới lượt khách”.

 

Sống chết… do số?

 

Bước vào quán chân gà nướng Mỹ Miều trên đường Phạm Ngọc Thạch - một quán khá nổi tiếng, chúng tôi nhận thấy hầu hết thực khách đều ăn uống ngon lành, chuyện trò rôm rả. Có người, thậm chí, còn vừa cầm chiếc cánh nướng nhai nhồm nhoàm, vừa nhìn dân tình bằng con mắt đầy chế nhạo. Rượu rót tơi tới, bàn nào cũng chén chú chén anh đến tận khuya.

 

Chúng tôi vào một hàng chân gà được quảng cáo là “nhập từ Úc” trên phố Trịnh Hoài Đức và cũng gọi ra vài xiên chân với mấy cái cánh nướng. Của đáng tội, cánh gà cắt ra còn nhoét máu đỏ trong xương. Trong khi cả xã hội đều hoang mang trước những thông tin liên quan tới cúm gia cầm thì số thực khách ở các quán chân gà đều tỏ ra khá bình thản.

 

Thấy chúng tôi loay hoay cầm chiếc cánh lên ngắm nghía, một thực khách nhìn xéo với ánh mắt đầy miệt thị, miệng lẩm nhẩm: “Ăn thì ăn đi, còn học đòi bày đặt. Sống chết có số cả”.

 

Chỉ trong vòng nửa tiếng, mà nhân viên quán đôn đáo chạy ngược xuôi lấy ghế cho khách, chân vẫn được nướng thoăn thoắt, thơm lừng.

 

Có vẻ như nhiều người quan niệm “sống chết do số”, nên các quán chân gà tới thời điểm này vẫn đông khách tấp nập. Ngay cả khi Hà Nội phát đi thông tin đã có một người chết vì cúm gà, những đôi chân gà hơ lửa xèo xèo cũng chẳng giảm là bao. Chân nhập ở đâu, an toàn đến mức nào, có lẽ chẳng riêng gì thực khách, mà chủ hàng cũng chỉ “phán” bừa để bán được hàng mà thôi.

 

Bảo Trung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm