1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gửi thư điện tử tố cáo - an toàn nhưng khó ngăn phát tán

(Dân trí) - “Email tố cáo mà có chữ ký điện tử an toàn hơn cả thư gửi qua bưu điện. Tuy nhiên, thông tin phát tán trên mạng thì rất khó kiểm soát, rất hại cho người bị tố cáo” – ông Đào Trọng Thi làm phép so sánh hơn thiệt khi bàn về Luật tố cáo.

Dự luật Tố cáo lần thứ 2 được đưa ra thảo luận tại UB Thường vụ QH sáng 23/8, sau một lần chỉnh lý từ phiên họp Thường vụ khóa trước.

Một lần nữa, vấn đề hình thức tố cao gây tranh cãi khi các thành viên UB Thường vụ chia sẻ băn khoăn về tính hợp pháp của đơn thư nặc danh, các quy định mới về tố cáo bằng thư điện tử (email), fax, điện thoại.
 
Gửi thư điện tử tố cáo - an toàn nhưng khó ngăn phát tán - 1
Cần tìm mọi cách khuyến khích người tố cáo tiêu cực (ảnh: PLTPHCM).

Tổng hợp nội dung thảo luận của đại biểu Quốc hội cho thấy, nhiều ý kiến tán thành cao với việc bổ sung các hình thức tố cáo này. Ý kiến khác đề nghị bổ sung hình thức tố cáo bằng ghi hình, ghi âm, các bài viết trên báo chí, diễn đàn có thông tin, nội dung vụ việc và về con người cụ thể.

Cơ quan thẩm tra dự án luật - UB Pháp luật cho rằng, đây chỉ là các hình thức khác nhau để chuyển tải thông tin tố cáo. Hình thức này cũng đã được quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng. Do đó, dù tiếp nhận theo hinh thức nào, cơ quan có thẩm quyền cũng phải xem xét, xác minh.

UB Pháp luật nhấn mạnh điều kiện thông tin tố cáo phải có đủ họ tên, địa chỉ người tố cáo với nội dung tố cáo trung thực, rõ ràng.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Hiện cảnh báo nguy cơ các thông tin tố cáo bằng thư điện tử có thể bị tung lên mạng. “Khi nội dung tố cáo chưa biết đúng hay không đã được tung lên mạng, cán bộ cỡ chúng tôi trở xuống còn đỡ nguy hiểm, chứ nếu với cả lãnh đạo cao hơn thì cực kỳ nguy hiểm” - ông Hiện tỏ ý e ngại.

Không quá lo lắng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng tố cáo qua e-mail là “hay”.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi, nếu e-mail tố cáo mà có chữ ký điện tử thì còn an toàn hơn cả thư gửi qua bưu điện. Song, ông Thi cũng nhấn mạnh việc đề phòng phát tán thông tin, vì rất hại cho người bị tố cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng không nên ngại hình thức tố cáo qua e-mail hay điện thoại. Vì việc gửi và nhận thư tố cáo đều phải tuân theo quy định chặt chẽ, còn “nếu phát tán thì đơn viết tay cũng phát tán được”.

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là cơ chế bảo vệ người tố cáo. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề xuất phải bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc đảm bảo cho người tố cáo không bị phân biệt, đối xử, trả thù hay trù dập. Quy định về các biện pháp bảo vệ người tố cáo và thân nhân trong trường hợp bị nguy hại tính mạng, đe dọa nhân phẩm cũng là vấn đề đặt ra bởi thực tế, thông tin về người tố cáo vẫn bị lộ diện trong quá trình xác minh.

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn tỏ ra sốt ruột khi dự thảo luật chưa ghi một từ nào về chính sách cho người tố cáo trong trường hợp bị hại.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, những người từng viết đơn thư tố cáo các sai phạm trong nội bộ thường rất khó tiếp tục làm việc với các đồng nghiệp cũng như các đời lãnh đạo tiếp theo bởi ấn tượng chung của tập thể về một người hay "soi mói".

"Cho dù họ có được bảo vệ và giữ trong vòng bí mật nhưng sau đó họ cũng sẽ khó tiếp tục làm việc ở môi trường cũ" - bà Ngân phân tích.

Thực tế, như UB Pháp luật phân tích, nguồn lực cũng như kinh nghiệm để bảo vệ người tố cáo ở nước ta còn hạn chế và vẫn đang trong quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
 
Chiều 23/8, thảo luận về Luật Đo lường, UB khoa học, công nghệ, môi trường nêu thực trạng, mức xử phạt hành vi gian lận (cân thiếu, rút bớt xăng dầu…) còn quá nhẹ, cần nâng cao hơn nữa, có thể xử phạt lên 40-50 lần số tiền thu lợi bất chính; chế tài xử phạt phải nghiêm minh, cần áp dụng phương pháp xử phạt kép, ngoài xử phạt còn phải đình chỉ hoạt động đối với cơ sở cố tình vi phạm pháp luật về đo lường; sau khi xử phạt cần công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để bảo đảm tính răn đe nhằm ngăn chặn các trường hợp tái phạm…
 

P.Thảo