Gục ngã trước rượu “bổ”
Rượu thuốc được nhiều người xem như món tăng cường sinh lực hoặc trị được một số bệnh thông thường. Thế nhưng, trên thị trường đang tràn lan các loại rượu thuốc, rượu rắn… kém chất lượng, vô cùng nguy hiểm với sức khỏe người uống
Thời gian gần đây, các “bợm nhậu” ở miền Tây Nam Bộ bắt đầu thay đổi khẩu vị bằng các loại rượu thuốc được ngâm với một số dược liệu theo nhiều cách khác nhau. Chỉ cần vài chục ngàn đồng là dân nhậu có thể “ngoắc cần câu”. Việc sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ kiểu tự phát loại rượu này đã khiến các ngành chức năng rất đau đầu trong khâu quản lý.
Rượu “Thạch Sanh”
Chưa bao giờ thị trường các tỉnh ĐBSCL lại bày bán tràn lan nhiều loại rượu “bổ” như hiện nay. Tại các quán nhậu và điểm kinh doanh rượu, đâu đâu cũng thấy bán rượu thuốc ngâm đủ thứ như rắn, bìm bịp, đinh lăng, chuối hột, bọ cạp, mối chúa, tắc kè… với giá rất phải chăng.
Anh Tình, một người dân thường xuyên lui tới các quán nhậu ở trung tâm huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, cho biết do nơi đây nằm tiếp giáp với Campuchia nên rất thuận lợi trong việc mua các loại rắn như hổ mang, hổ ngựa, hổ hành, hổ hèo, mai gầm… để ngâm với rượu gạo thành “Ngũ xà tửu”. Có những hũ rượu được hét giá lên đến hơn chục triệu đồng nên dân lao động nghèo khó có cơ hội tiếp cận thưởng thức. Tuy nhiên, bên cạnh các hũ rượu quý làm mẫu này luôn có hũ rượu tương tự để phục vụ cho “bợm nhậu” với giá rất bèo, khoảng 20.000 đồng/lít. “Các hũ rượu rắn này chỉ mang tính chất tượng trưng thôi, đâu phải “rượu Thạch Sanh” đâu mà chủ quán cứ bán từ năm này qua năm nọ vẫn không hết nước. Mang tiếng uống rượu rắn cho sang chứ thật ra thì đã sạch nước cốt từ đời nào” - anh Tình khẳng định.
Bà Tám Kiệm ở ấp Đồng Ky, xã Quốc Thái, huyện An Phú, tỉnh An Giang tỏ vẻ tự hào khi nói rằng bà làm nghề chế biến rượu chuối hột đã hơn 10 năm nay nhưng chưa bị ai phàn nàn gì về chất lượng. Tiếng lành đồn xa nên các quán nhậu bình dân khắp huyện An Phú cũng như TP Châu Đốc thường xuyên liên hệ đặt hàng. “Chuối hột chín được tôi ép mỏng rồi phơi khô 2-3 nắng, sau đó nướng cho đến khi tỏa mùi thơm. Cứ 2 kg chuối nướng, tôi ngâm với 30 lít rượu gạo loại ngon trong khoảng 10 ngày là có thể dùng được. Để “thượng đế” hài lòng hơn, mỗi can rượu (30 lít), tôi pha thêm nửa lít mật ong để rượu ngọt và dễ uống” - bà Tám Kiệm tiết lộ. Tuy nhiên, bà Tám Kiệm cũng đang lo lắng cho thương hiệu rượu chuối hột của gia đình mình vì các chủ quán nhậu cố tình pha thêm cồn cộng với nước lã vào để bán lại cho khách. Bởi hiện tại bà giao rượu cho các quán nhậu với giá 26.000 đồng/lít nhưng nhiều quán chỉ bán giá 20.000 đồng/lít thì chắc chắn là họ đã pha. “Rượu chuối mà pha nhiều cồn quá thì người ta uống vào cháy ruột, cháy gan hết còn gì” - bà Tám Kiệm lo ngại.
Chợ cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, tỉnh An Giang từ lâu đã được mệnh danh là “chợ côn trùng” với rất nhiều loại rượu thuốc ngâm với tắc kè, rắn hổ, mối chúa, bọ cạp… Mỗi loại rượu đều được pha chế theo cách riêng của từng lò nên giá mỗi nơi mỗi khác. Ông Sáu, một người bán rượu ở đây, cho biết hiện khách du lịch rất ưa chuộng loại rượu ngâm nguyên con bìm bịp với mật ong núi. Loại rượu này được ông Sáu ngâm khoảng 6 tháng mới tung ra bán với giá từ 350.000 đồng đến 450.000 đồng/hũ. “Cũng với rượu ngâm bìm bịp nhưng có người chỉ bán khoảng 200.000 đồng thì chất lượng thật khó tin! Khách ham rẻ coi chừng tiền mất, tật mang” - ông Sáu khuyến cáo.
Những vụ ngộ độc đáng sợ
Trong vài năm nay, tình trạng ngộ độc rượu thường xuyên xảy ra ở ĐBSCL. Trong đó, An Giang và Đồng Tháp là 2 tỉnh dẫn đầu về số ca ngộ độc cũng như lượng người tử vong vì rượu.
Nhắc đến các vụ ngộ độc vì rượu dỏm hẳn nhiều người chưa quên 2 vụ ngộ độc kinh hoàng ở An Giang hồi tháng 10-2011. Vụ đầu tiên là trong một đám cưới ở vùng quê nghèo thuộc xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú làm ông Lê Văn Niển (chủ hôn) cùng gần 60 khách mời lần lượt nhập viện trong tình trạng nôn ói, nhức đầu, choáng váng, mờ mắt, tiêu chảy... Trong số đó, 2 nạn nhân đã tử vong trên đường đến bệnh viện, gồm: Ông Phan Văn Đắng (em rể ông Niển, ngụ cùng địa phương) và 1 người tên Trí (quê huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp). Các cơ quan chức năng đã lấy mẫu rượu để kiểm tra thì xác định loại rượu các nạn nhân uống có nồng độ cồn vượt mức cho phép đến hơn 60 lần…
Tầm soát rượu độc trước Tết ThS-BS Lê Minh Uy, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm tỉnh An Giang, cho biết kể từ ngày 10-12, các cơ quan chức năng đã ra quân kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu và cồn trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ngộ độc rượu trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Đồng thời, khuyến cáo người dân nên uống những loại rượu có nhãn mác rõ ràng hoặc những nơi sản xuất có uy tín. Theo ông Phan Lợi, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang, mặt hàng rượu thuốc, rượu ngâm đã được đưa vào danh mục kiểm tra vào dịp cuối năm nay song hành với công tác chống buôn lậu ở địa phương. Tuy nhiên, việc kiểm tra, lấy mẫu để kiểm nghiệm về mặt chất lượng đối với các loại rượu tự chế này sẽ rất khó vì người dân thường làm nhỏ lẻ... |
Theo Thanh Vân
NLĐ