1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

GS Đào Trọng Thi: “Thận trọng khi giám sát bí mật quốc gia”

(Dân trí) - Cho ý kiến về dự án Luật hoạt động giám sát, GS Đào Trọng Thi đề nghị phải rất thận trọng khi quy định việc giám sát những nội dung liên quan đến bí mật quốc gia. Bởi nếu cung cấp tất cả bí mật nhà nước cho đại biểu sẽ rất nguy hiểm.

Hàng loạt vấn đề quan trọng được các đại biểu trong Ủy ban Thường vụ nêu ra trong buổi thảo luận về dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân vào chiều 16/3, như đoàn giám sát có quyền đưa ra kết luận hay không, có quyền buộc tổ chức, cá nhân thi hành hay không?

GS Đào Trọng Thi: “Thận trọng khi giám sát bí mật quốc gia”
GS Đào Trọng Thi lo ngại những vấn đề liên quan đến bí mật quốc gia bị ảnh hưởng qua quá trình giám sát

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - GS Đào Trọng Thi - nhận định, nếu qua hoạt động giám sát cung cấp tất cả bí mật nhà nước cho đại biểu khi giám sát sẽ rất nguy hiểm. “Làm như thế sẽ không còn là bí mật nhà nước nữa. Ngay cả với cán bộ cấp cao của nhà nước cũng chỉ được tiếp cận bí mật nhà nước ở mức nào đó thôi”, GS Đào Trọng Thi nói.

Vì vậy, ông Thi đề nghị Quốc hội thận trọng khi quy định việc giám sát những nội dung liên quan đến bí mật quốc gia. Dù đại biểu Quốc hội do dân bầu, nhưng theo GS Đào Trọng Thi thì không nhất thiết phải giao cho họ quyền lực lớn mà chỉ nên cân nhắc giao ở một mức nào đó.

Cùng quan tâm đến vấn đề bí mật quốc gia, theo ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng dân tộc, qua hoạt động giám sát và chất vấn thường động chạm đến bí mật. Ví dụ được Chủ tịch Hội đồng dân tộc đưa ra như sân bay Long Thành, khi đề cập đến mối quan hệ giữa sây bay A với sân bay B cũng là liên quan đến bí mật của Bộ Quốc phòng.

Liên quan đến bí mật nhà nước không hề đơn giản, do vậy ông Ksor Phước đề nghị luật nên quy định rõ, các cơ quan chỉ được cung cấp những thông tin được phép cung cấp theo quy định của pháp luật.

Đề cập đến tính pháp lý của hoạt động giám sát, ông Ksor Phước cho rằng, cần quy định các cơ quan giám sát có quyền đưa ra kết luận. Trong các chương trình giám sát, Chủ tịch Hội đồng dân tộc đều đưa ra kết luận. Kết luận đó được các cơ quan nhà nước quan tâm. Sau khi có kết luận các cơ quan sẽ kiểm tra, như vậy mới đúng là giám sát của nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, sau 3 lần thực hiện giám sát chuyên đề, kết quả từ hoạt động giám sát thu được rất lớn, góp phần hoàn thiện cho các dự án luật. Tuy nhiên, điều ông Giàu thấy vẫn còn tồn tại là do trong luật không quy định cụ thể nên số lượng thành viên đoàn giám sát tham gia chưa thường xuyên.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nếu đoàn đại biểu Quốc hội đến giám sát thì phải có kết luận, ra yêu cầu kiến nghị với cấp có thẩm quyền. Yêu cầu của đoàn giám sát tùy theo mức độ sự việc, nhưng khi đã có kết luận thì đoàn giám sát phải chịu trách nhiệm với kết luận của mình.

“Điều nhân dân quan tâm nhất là hiệu lực giám sát. Giám sát gì, ở đâu cũng vừa phải thôi nhưng quan trọng là phải có hiệu quả. Đừng có làm tham quá, sức đến đâu làm đến đấy, miễn là mang lại lợi ích cho dân”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý.

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm