1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Gọi điện báo tin giả, chọc phá sẽ bị xử lý

Thiếu tá Lương Văn Đùa - phó Phòng Cảnh sát trật tự Công an TPHCM - cho biết, theo 150/2005/NĐ-CP các hành vi: báo tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; gọi điện thoại đến các số máy khẩn cấp để trêu đùa, đe dọa, quấy nhiễu hoặc nhằm các mục đích khác sẽ bị xử phạt hành chính từ 200.000-500.000 đồng.

Cơ sở nào để làm bằng chứng xử phạt các hành vi vi phạm, thưa ông?

Đây là vấn đề rất nan giải trong việc xử lý các hành vi trên. Muốn xử phạt phải truy tìm đúng số điện thoại và người trực tiếp gọi điện. Để làm được việc này đòi hỏi mất thời gian vì phải phối hợp các đơn vị nghiệp vụ, ngành bưu điện... Còn nữa, để xử phạt đòi hỏi phải chứng minh nội dung cuộc gọi. Tuy nhiên, hầu hết không ai biết trước cuộc điện thoại nào gọi tới để báo tin giả hoặc chọc phá, quấy nhiễu mà ghi âm để làm bằng chứng.

Riêng tại Đội cảnh sát 113 (do Phòng Cảnh sát trật tự quản lý) tình trạng báo tin giả, chọc phá qua điện thoại ra sao? Xử lý như thế nào?

Từ đầu năm 2006 đến nay, tại Đội cảnh sát 113 trung tâm (không kể các quận, huyện) đã tiếp nhận tổng cộng 43.988 tin, trong đó có 4.730 tin báo liên quan đến an ninh trật tự (tin có nội dung), 22.487 tin không có nội dung (gọi đến nhiều lần nhưng không nói gì), 16.169 tin có nội dung quấy nhiễu, chọc phá và 602 tin báo giả. Nhiều trường hợp nửa đêm nhận được tin báo dạng như: sập cầu, cháy nhà, ẩu đả gây thương tích, tai nạn... cán bộ chiến sĩ phải tức tốc lên đường. Đến “hiện trường” mới biết tin báo giả đành phải quay về.

Hiện chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý các hành vi vi phạm. Theo cơ chế phân công (qua hệ thống tự động), Đội cảnh sát 113 trung tâm chỉ tiếp nhận tin từ máy điện thoại di động nên để truy tìm ra chủ nhân số điện thoại rất khó. Vả lại, đa số các đối tượng này sử dụng mạng điện thoại trả trước (thẻ cào) nên không đăng ký thuê bao, địa chỉ... Nhiều trường hợp rất nghiêm trọng chúng tôi phải xác minh hàng tháng trời nhưng chủ nhân số máy điện thoại đã đi nơi khác.

Không lẽ ngành công an bó tay trước những hành vi vừa thiếu văn hóa vừa coi thường pháp luật như thế?

Trước mắt, để tăng cường biện pháp xử lý các hành vi trên, Phòng Cảnh sát trật tự đang làm đề xuất trình ban giám đốc Công an TPHCM trang bị hệ thống tự động lưu trữ dữ liệu, số điện thoại và ghi âm nội dung tất cả các cuộc điện thoại gọi đến số máy 113.

Theo Hoàng Khương
Tuổi Trẻ