Góc khuất dưới những gầm cầu

(Dân trí) - Ít ai có thể ngờ rằng, bên dưới những cây cầu của Hà Nội lại là chốn mưu sinh của hàng trăm con người. Mấy ngày lang thang dưới những gầm cầu, cảm nhận rõ cuộc sống có yên bình và có cả sự vật vã. Phía dưới những cây cầu ồn ào, náo nhiệt, tấp nập người xe, là những khoảng tối của biết bao số phận…

Từ bến đỗ mưu sinh

 

Tôi dừng chân ngay khúc rẽ dưới chân cầu Chương Dương. Mấy người bán hàng rong đang trú nắng, vài bác tài xe ôm tranh thủ ngả lưng trên xe với chiếc mũ che kín mặt. Thấy tôi quanh quẩn đi lại, một anh hất hàm: “Đi xe không?”. Lân la chuyện trò, anh thủng thẳng: “Cậu muốn viết hả? Có khối chuyện đấy. Nhưng mà đến đêm mới chứng kiến nhiều cái hay”.

 

Người lái xe ôm ấy tên là Nguyễn Văn Hoàn, quê ở Lương Tài, Bắc Ninh. Anh không nhớ nổi mình đã lên Hà Nội chạy xe được bao nhiêu năm, chỉ biết rằng anh rời quê lên đây từ khi Hà Nội chưa có cây cầu này. Sau khi cầu Chương Dương hoàn thành, anh cùng mấy người nữa đến “cát cứ” và “độc chiếm” gầm cầu để đón khách.

 

Anh tâm sự: “Ở quê mình làm ruộng, đất ít người đông nên chẳng đủ ăn. Lên đây chạy xe cũng là kiếm kế sinh nhai thôi chứ vất vả lắm. Phơi mặt ngoài đường suốt ngày, phải “bóp mồm bóp miệng” mới mong dư ra chút ít để thi thoảng ghé về thăm vợ con”.

 

Đang dở câu chuyện thì có hai cô gái mặt dày phấn son, giọng miền Nam đặc sệt: “Cho tụi em xuống Ánh Dương”. Anh Hoàn nhường khách cho người khác chở, khách đi rồi mới nói nhỏ: “Khách quen đấy, dân miền Tây chính gốc. Chắc là “đi khách” dưới nhà nghỉ Ánh Dương. Toàn là gái gọi thuộc loại “hết đát” mới trôi dạt về đây...”.

 

Qua lời chỉ dẫn của anh Hoàn, tôi ghé qua gầm cầu Long Biên và không khó khăn gì để tìm thấy quán nước của bà Hiền. Là người cùng quê với anh Hoàn, bà Hiền cũng trôi dạt ở đất Gia Lâm này gần 20 năm nay. Bà bần thần nhớ lại: “Trước đây khổ lắm anh ạ, suốt ngày phơi nắng, hứng mưa ngoài trời với đôi quang gánh. Ai thuê gì làm nấy, mà cũng chẳng kiếm được là bao. Giờ thì tôi đã có “ngôi nhà” này, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn”.

 

Với bà Hiền, gầm cầu Long Biên này quả đúng như một ngôi nhà thực thụ, nơi hàng ngày bà mưu sinh, ăn, ngủ. Lâu lắm có việc bà mới về thăm nhà một lần. Bao nhiêu chuyện vui buồn ở dưới gầm cầu này, bà đều đã chứng kiến cả.

 

Góc khuất dưới những gầm cầu - 1

Chỉ với chiếc xe đạp và vài chiếc giỏ, người phụ nữ này

túc tắc hàng ngày kiếm tiền nuôi cả gia đình.

 

Bà bảo, “rúc” dưới chốn gầm cầu này, có người xấu, cũng có nhiều người tốt. Có kẻ trộm cắp, nghiện hút, đĩ điếm; có những người làm ăn lương thiện, bán nước, chạy xe. Nhưng mấy chục năm sống ở đây, bà hiểu trộm cắp, đĩ điếm, hành khất... cũng có kẻ thế này, người thế khác. Có những anh dù mang tiếng là không làm ăn lương thiện, nhưng vẫn được gọi là “kẻ lang thang lương thiện”, vì anh đã nuôi nấng, giúp đỡ biết bao đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ…

 

Đến bãi đáp của tệ nạn

 

Gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng 23h đêm. Mon men tiến lại gần mấy người đang nằm ngủ, dưới ánh đèn của xe đi đường, tôi phát hiện hai gã ở trần, xăm trổ đầy mình. Đang định giơ máy ảnh lên chụp, chợt nghe tiếng hỏi giật giọng: “Này, chụp gì đấy? Muốn bị dính đòn hả?”. Người vừa có câu hỏi “nhắc nhở” ấy cũng là một anh làm nghề xe ôm. Anh giải thích: “Lũ đó là dân nghiện cả đấy. Dây vào không bị “thịt” thì cũng gặp rắc rối to”.

 

Người lái xe ôm tốt bụng ấy tên Dương, quê ở Hà Nam, mới lên Hà Nội chạy xe từ khi vừa có cây cầu này. Anh Dương cũng đã chứng kiến biết bao chuyện đời ở dưới cây cầu này. Anh bảo ban ngày, cuộc sống của phần lớn “cư dân” gầm cầu này khá “hiền lành”. Nơi đây chủ yếu là địa điểm đón khách của cánh xe ôm và xe ba gác. Buổi chiều, lũ trẻ và đám thanh niên thường ra đá bóng.

 

Nhưng đêm đến, gầm cầu trở nên vô cùng “sôi động” với sự tụ tập của đám con nghiện, sự hoạt động huyên náo và công khai của mấy ả “gái bán hoa” và tất nhiên không thiếu cả những thành phần bất hảo khác.

 

“Làm ăn ở đây mà không lì và không đủ bản lĩnh thì khó mà tồn tại được”, anh Dương nói khẽ rồi chỉ tay về phía đường tàu lửa gần Bệnh viện Tai Mũi Họng TƯ và phía gầm cầu đối diện. Tôi nhìn theo và thấy thấp thoáng những ả “ăn sương”, phấn son nhòe nhoẹt. “Hàng đấy. Nhưng chớ có dại mà đi với bọn chúng. Nhiều đứa bị “ết” lắm”, anh Dương cảnh báo. Nhưng những ả bị “ết” đó vẫn liên tục có khách, liên tục leo lên một chiếc xe máy nào đó và lao vút về phía ga Giáp Bát.

 

Mất gần một đêm “rình mò” ở gầm cầu Long Biên, tôi mới tiếp cận được với một người được coi là thuộc thế giới “ngầm”. Hắn nhìn tôi từ đầu tới chân, nghi ngại và dò xét, rồi buông: “Không ngờ cái nơi chẳng có ma nào thèm ngó lại có nhà báo mò tới!”.

 

Câu chuyện dần trở nên dễ thở hơn khi tôi mời hắn điếu thuốc. Hắn tên Cường, quê Thái Nguyên, mới 30 tuổi mà lọm khọm như ông già. Cường bảo: “Bọn tao có 3 thằng, toàn “ngập” (nghiện-PV) nặng cả. Chung cảnh ngộ nên cùng nhập hội chứ thực ra mạnh thằng nào, thằng đó sống. Ngày cũng như đêm, mỗi đứa dạt mỗi hướng, đứa thì đi đưa “hàng”, đứa thì “đi chợ” (ăn cắp, móc túi-PV), khi nào cần chỗ ngả lưng thì mò về đây”.

 

Cường bảo để dễ “làm ăn” thì chỗ ở của cả bọn không bao giờ cố định. Ngoài nơi đây, tụi Cường còn tá túc ở gầm cầu Chương Dương, gầm cầu vượt Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng và đang “ngắm” cả gầm cầu vượt Ngã Tư Sở nữa. Lý do khiến cả bọn chọn nơi này để sống là vì không mất tiền, thoáng mát và tránh được công an.

 

Tôi nhìn quanh “nhà” của Cường, chẳng có gì ngoài hai manh chiếu đã sờn rách ghép lại với nhau, nham nhở dưới nền là những xi lanh cùng mấy thứ đồ ăn cũ vương vãi. Tôi buột miệng: “Ăn ở như thế này, nhỡ ốm đau thì sống làm sao?”. Cường cười chua chát: “Sống cái nỗi gì, mục đích bây giờ là ngày kiếm đủ mấy cữ nghiện để giữ cho khỏi chết là may rồi...”.

 

Có tiếng còi tàu từ phía xa vọng lại, Cường dỏng tai nghe rồi bảo: “Tàu hàng về, tao phải “đi làm” đây. Hẹn dịp khác nói chuyện tiếp nhé. À, cho tao xin bao thuốc luôn!”. Bóng Cường nhanh chóng mất hút vào bóng tối...

 

Song song với sự ra đời của những cây cầu to đẹp, phồn hoa luôn là sự hình thành và tồn tại của những mảnh đời, những thân phận cầu thực tha hương. Ở đó, là cuộc sống của những con người dưới cả đời trăn trở lo toan với miếng cơm manh áo; ở đó là nơi trú ngụ của những người dưới đáy xã hội với đầy đủ những cung bậc của những lo toan, nghi ngại và chộp giật...

 

Biết đấy, mà chỉ ngậm ngùi thôi!

 

Văn Dũng