1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gỡ vướng trong việc xét danh hiệu "Gia đình văn hóa"

Phùng Minh

(Dân trí) - Cả nước có hơn 20,8 triệu gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa". Khu dân cư gặp khó khăn khi chấm điểm các hộ đơn thân, hộ khuyết (khuyết vợ hoặc khuyết chồng) để xét danh hiệu này.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch gửi tới Bộ Tư pháp, sau 5 năm thực hiện Nghị định số 122/2018 của Chính phủ, cả nước có hơn 20/hơn 23 triệu gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa" (đạt tỷ lệ  trên 89%); gần 67.500/87.126 khu dân cư đạt danh hiệu "Thôn văn hóa", "Làng văn hóa", "Ấp văn hóa", "Bản văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa" (tỷ lệ trên 77%).

Gỡ vướng trong việc xét danh hiệu Gia đình văn hóa - 1

Cả nước có hơn 20,8 triệu gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa" (Ảnh minh họa: Việt Luật).

Tại các địa phương đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong lao động, sản xuất, học tập; điển hình về tấm gương đạo đức, lối sống, tinh thần tương thân, tương ái, uống nước nhớ nguồn, lòng yêu nước và ý thức chấp hành pháp luật.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đánh giá, những điều đó góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam.

Tuy nhiên, quy định tiêu chí đối với danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Khu dân cư văn hóa" chưa cụ thể, không phù hợp ở cơ sở gây khó khăn trong quá trình triển khai.

Đơn cử như quy định mức bình quân chung về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nhà kiên cố theo mức bình quân chung của tỉnh là quá cao so với các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, Bộ này cho rằng nên lấy mức bình quân chung của cấp huyện.

Đối với tiêu chuẩn "hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, hòa thuận thủy chung", các khu dân cư gặp khó khăn trong việc chấm điểm các hộ đơn thân, hộ khuyết (khuyết vợ hoặc khuyết chồng).

Một số quy định cũng chưa được làm rõ về nội hàm câu chữ gây khó khăn trong việc xác định các trường hợp đủ tiêu chuẩn. Ví dụ quy định "có điểm, tụ điểm ma túy, mại dâm" nhưng chưa có hướng dẫn điểm, tụ điểm là gì ?. "Tham gia tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội" hoặc "có khiếu kiện đông người và khiếu kiện vượt cấp trái pháp luật" thì bao nhiêu người trở lên được tính là đông người...

Hơn nữa, một số quy định tại Nghị định 122/2018 không còn phù hợp với Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022.

"Nghị định chưa có bất kỳ quy định nào liên quan đến việc xét tặng danh hiệu "Xã, phường, thị trấn tiêu biểu". Các quy định về tặng danh hiệu thi đua tại Nghị định số 122 vẫn dựa trên căn cứ đăng ký tham gia thi đua xây dựng danh hiệu của hộ gia đình, khu dân cư hàng năm, trong khi đó, Luật Thi đua, khen thưởng đã bỏ căn cứ này", Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch dẫn chứng.

Thời gian tới, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xét, công nhận các danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Thôn, tổ dân phố văn hóa", "Xã, phường, thị trấn tiêu biểu".

Duy trì và đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân; phát huy dân chủ trên mọi lĩnh vực để nhân dân tự giác thực hiện đăng ký, bình xét các danh hiệu Gia đình văn hóa, Thôn, tổ dân phố văn hóa, Xã, phường, thị trấn tiêu biểu.

Chính vì vậy, việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết về khung tiêu chuẩn, quy trình xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Thôn, tổ dân phố văn hóa", "Xã, phường, thị trấn tiêu biểu" thay thế Nghị định 122/2018 là cần thiết, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.