Gỗ rừng trồng của Việt Nam đang bị “ăn xổi”
(Dân trí) - “Khai thác rừng non chẳng khác gì bán lúa non, gỗ rừng trồng đang bị ăn xổi, hiệu quả kinh tế thấp. Phát triển rừng cây gỗ lớn, hợp pháp, cải thiện môi trường, chế biến đẩy mạnh xuất khẩu là giải pháp cần làm ngay để xâm nhập thị trường gỗ quốc tế”.
Đó là nội dung trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong Hội nghị của Chính phủ về định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu tổ chức tại TPHCM (ngày 8/8).
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Hiện cả nước có hơn 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó có khoảng 1.500 doanh nghiệp vừa chế biến vừa xuất khẩu. Sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ đang mang lại việc làm cho hàng trăm nghìn lao động tại các doanh nghiệp và hàng triệu lao động ở khu vực nông thôn, miền núi tham gia trong lĩnh vực trồng rừng, cung cấp nguyên liệu.
Đến nay, sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ trong năm 2017 đạt hơn 8 tỷ USD trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới. Hiện Việt Nam đang đứng đầu khu vực, đứng thứ 2 tại Châu Á và thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Tuy nhiên, trên thực tế con nhiều hạn chế trong lĩnh vực lâm nghiệp và chế biến gỗ của Việt Nam. Những nguyên nhân chính được các đại biểu tham dự Hội nghị nêu lên chính là chất lượng gỗ nguyên liệu từ rừng trồng của Việt Nam kém do khai thác sớm, đường kính gỗ nhỏ, hầu hết các doanh nghiệp ở quy mô vừa và nhỏ, đầu tư còn hạn chế cả vốn và kỹ thuật công nghệ nên hiệu quả chế biến thấp.
Cụ thể, những loại gỗ lâm nghiệp đang được trồng phổ biến hiện nay đang bị người dân khai thác từ rất sớm. Thời gian trung bình cho một chu kỳ phát triển đến thu hoạch chỉ khoảng 4 đến 5 năm. Đây được xếp vào những nhóm cây non chỉ phục vụ cho mục đích làm dăm, sản xuất bột giấy, không có giá trị trong chế biến các đồ thủ công, gia dụng.
Nếu tính trung bình, 1 héc ta rừng trồng của Việt Nam mỗi năm chỉ cho thu nhập trung bình khoảng 12 đến 15 triệu đồng. Theo phân tích của đại diện Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, những loại cây lâm nghiệp nếu phát triển theo mô hình rừng trồng có chứng nhận nguồn gốc, phát triển thành cây gỗ lớn với chu kỳ khai thác trung bình 7 đến 8 năm thì hiệu quả thu nhập trung bình cao hơn từ 2 đến 3 lần khai thác gỗ non. Điều này không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao cho người trồng rừng mà còn mang đến nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho chế biến, xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thế cạnh tranh của gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trước thực trạng trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu bộ - ngành các cấp, tập trung triển khai hiệu quả Luật Lâm nghiệp 2017. “Phải coi lâm nghiệp là ngành kinh tế đặc thù liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm từ quản lý, bảo vệ, phát triển đến bảo vệ rừng, chế biến và thương mại lâm sản, tạo điều kiện thuận lợi cho nghề chế biến gỗ và lâm sản phát triển. Khuyến kích đầu tư vào trồng rừng nguyên liệu, đổi mới công nghệ đầu tư trong trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, đưa tư duy sáng tạo vào sản phẩm gỗ Việt để tăng giá trị gia tăng, làm động lực tăng trưởng của ngành trong thập niên tới”.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất từ khâu trồng, chăm sóc đến công nghệ chế biến nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng, đáp ứng nguyên liệu ngày càng cao của chế biến gỗ phải xem là khâu then chốt. Gỗ non, đường kính quá thấp đang bị khai thác như hiện nay dẫn tới hiệu quả thấp. Việc trồng rừng đang mang nặng tính ăn xổi ở thì khiến hiệu quả sử dụng đất đai thấp, thu nhập của người nông dân vì thế cũng thấp”.
Thủ tướng yêu cầu các ban ngành, doanh nghiệp liên quan cần: “Tăng cường nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến gỗ và lâm sản trong thời đại 4.0 hiện nay. Làm tốt công tác nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước để đẩy mạnh những thuận lợi, tận dụng cơ hội đưa ngành công nghiệp gỗ Việt Nam xây dựng thương hiệu gỗ xâm nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường toàn cầu. Truyền thông ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng, không sử dụng gỗ bất hợp pháp, tiến tới sử dụng gỗ rừng trồng thay thế gỗ tự nhiên theo cam kết quốc tế”.
Vân Sơn