1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gỗ quý bị tận diệt phục vụ thú chơi lộc bình

(Dân trí) - Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân càng khá giả, họ bắt đầu hướng đến những thú chơi tốn kém, trong đó có thú chơi lộc bình từ gỗ quý. Điều đó đồng nghĩa nhiều loại gỗ quý đang có nguy cơ bị tận diệt.

Quan niệm về thú chơi lộc bình

Theo một số tài liệu cổ, "lộc bình" đơn giản là chiếc bình mang lộc đến nhà. Ở một vài nơi, với những chiếc bình lớn, người chơi chỉ trưng bày một chiếc nên gọi là độc bình. Một số quan niệm phong thuỷ cho rằng, các đường vân uốn lượn và các hoa văn trên thân lộc bình có tác dụng thu dung khí tốt nên nó là nơi tụ hội nguồn năng lượng và vận khí lành cho gia chủ.

Những quan niệm về tài lộc của lộc bình khiến thú chơi này càng nở rộ
Những quan niệm về "tài lộc" của lộc bình khiến thú chơi này càng nở rộ

Đặc trưng hình dáng của lộc bình là ở giữa phình to, cổ thắt lại như chất chứa tài lộc, lưu giữ sự sung túc. Miệng lộc bình loe ra, uốn lượn thể hiện sự sinh sôi, nảy nở, phát tài. Tuy toàn thân đặc nhưng trên miệng lộc bình bao giờ cũng được khoét rỗng một đoạn để giữ lộc. Vì những quan niệm trên nên lộc bình thường được đặt những nơi trang nghiêm trong nhà, vừa thể hiện sự quyền quý, vừa để thu dung tài lộc, an bình cho gia đình.

Loại gỗ làm lộc bình phải là cây gỗ hàng chục, thậm chí hàng trăm năm tuổi và tất nhiên là gỗ quý hiếm. Một số tay chơi còn quan niệm rằng, lộc bình bằng các loại gỗ có trong sách đỏ đang trên bờ vực tuyệt chủng, đơn cử như lộc bình bằng gỗ thuỷ tùng, mới là chơi trội. Ngoài ra, nhiều tay chơi còn thể hiện đẳng cấp bằng việc đặt mua những chiếc lộc bình cao tới hơn 2m, được làm từ nguyên thân cây cổ thụ.

Những chiếc lộc bình làm từ gỗ quý có giá hàng chục triệu đồng của một tay chơi lộc bình Thanh Hóa.
Những chiếc lộc bình làm từ gỗ quý có giá hàng chục triệu đồng của một tay chơi lộc bình Thanh Hóa.

Một đại gia chơi lục bình ở phường Ngọc Trạo, thành phố Thanh Hóa, cho biết ông đã phải mất vài tháng đặt mối trước mới có được đôi lục bình bằng gỗ nghiến.

Gần đây, trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, việc "săn" lộc bình nu nghiến (ngọc nghiến) đang nở rộ. Nghiến là loại gỗ nổi tiếng với độ cứng và dai, có nhiều trên địa bàn các huyện miền núi Thanh Hoá. Nu nghiến chỉ có ở những cây nghiến bị thương do tác động từ bên ngoài như bị sâu đục, bị chặt... tạo thành u, sẹo. Khi được bào nhẵn, các u này sẽ tạo thành các đường vân hình cung rất đẹp và kỳ quái. Theo quan niệm, lộc bình nu nghiến thu giữ lộc khí mạnh nên được săn lùng ráo riết.

Nhiều gỗ quý bị triệt hạ

Dạo một vòng quanh địa bàn thành phố Thanh Hoá, có tới hàng chục cửa hàng bày bán sản phẩm lộc bình đầy đủ các kích cỡ. Một số cửa hàng còn chụp ảnh những đôi lộc bình “cực độc” để tiếp thị, nếu khách có nhu cầu, chỉ cần đặt tiền và chờ vài ngày là có.

Tại một cửa hàng trưng bày trên đường Hạc Thành, những đôi lộc bình “khủng” cao hơn đầu người với đủ kiểu vân đẹp được xếp kín một bên nhà. Giá của mỗi đôi lộc bình cỡ lớn cũng từ vài chục đến cả trăm triệu đồng, tuỳ thuộc vào loại gỗ. Nhiều lộc bình được làm từ các loại gỗ quý như: trắc, cẩm, đinh hương, da báo, nghiến, sưa núi... cũng được bày bán nhiều.

Những chiếc lộc bình làm từ gỗ quý có giá hàng chục triệu đồng của một tay chơi lộc bình Thanh Hóa.
 Lộc bình, lọ hoa gỗ da báo và sưa núi được sản xuất tại một cơ sở ở Hoà Bình, được cho là có nguồn gỗ từ Thanh Hoá.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay, những đôi lộc bình lớn phần nhiều được chở ra từ các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung. Lộc bình hạng trung và nhỏ thì chủ yếu có nguồn gốc từ Thanh Hoá. Điều đó đồng nghĩa, rừng Thanh Hoá vẫn bị “chảy máu” và những loài gỗ quý vẫn bị lén lút “hạ sơn”.

Gần đây, lộc bình gỗ da báo xuất hiện nhiều tại gia đình một số người có điều kiện kinh tế hạng trung. Để tìm hiểu nguồn gốc của loại gỗ quý này, chúng tôi đã tìm về các xã vùng sâu Trung Thành, Trung Sơn và Thành Sơn của huyện Quan Hoá.

Một số người dân bản Phai xã Trung Thành cho biết cách đây ít năm, ven dòng suối Quýt, gỗ da báo phân bổ nhiều trên các triền núi. Từ khi có “cơn lốc” khai thác gỗ da báo làm lộc bình thì loài cây quý này gần như đã tuyệt chủng ở nơi đây. Anh Phạm Bá Ngọc, người thường xuyên đi rừng cho biết: “ Gỗ da báo, người Thái chúng tôi gọi là cò mừ có vân rất đẹp. Vài tháng lại đây, chúng tôi đi rừng không gặp cây da báo nào nữa vì đã bị khai thác kiệt quệ. Trên một số ngọn núi đá hiểm trở người rất khó lên, may ra còn một số cây nhỏ”.

Được biết, da báo là loài cây dây leo, loại cây trăm năm. Đường kính cũng chỉ bằng cái phích nên lộc bình gỗ này không to. Những đôi lộc bình to nhất bằng gỗ này thì đường kính cũng chỉ 30cm.

Anh T, một giáo viên gắn bó với vùng sâu này gần 20 năm đã tình nguyện dẫn chúng tôi tìm hiểu “đường đi” của các loài gỗ quý đã và đang bị khai thác nơi đây. Theo anh, nhiều loài gỗ quý từ những cánh rừng của cả Thanh Hoá lẫn Hoà Bình “chảy” về các cơ sở chế tác lộc bình ở Hoà Bình giáp ranh Thanh Hoá.

Lộc bình làm từ gỗ nu nghiến sản xuất tại một cơ sở ở Hoà Bình.
Lộc bình làm từ gỗ nu nghiến sản xuất tại một cơ sở ở Hoà Bình.

Theo chân anh T, chúng tôi được đưa đến một xưởng sản xuất lộc bình ở xã Vạn Mai, huyện Mai Châu (Hoà Bình). Trong vai một khách hàng đi sưu tầm lộc bình bằng gỗ sưa núi và da báo loại trung và nhỏ, ông chủ xưởng dẫn chúng tôi lên nhà sàn xem sản phẩm. Hàng chục đôi lộc bình đã hoàn thiện, láng bóng được trưng bày. Nhiều lộc bình, bình hoa cỡ nhỏ làm bằng gỗ sưa núi màu đen quánh cũng được trưng bày nơi đây.

Cách đó khoảng 5m, ngay trên triền sông Mã, một xưởng chế tác với gần 10 thợ đang miệt mài làm việc. Những khúc gỗ được cưa khoảng 1 đến 2m cùng hàng chục chiếc lộc bình mới được đục đẽo sơ tác vứt ngổn ngang như bãi chiến trường. Chỉ vào những lộc bình nu nghiến đang chế tác, ông chủ xưởng giới thiệu sản phẩm: “Hàng của anh chủ yếu xuất đi Hà Nội. Các đại gia ở đó xem mẫu rồi đặt hàng trực tiếp, có người điện thoại về cho bọn anh sản xuất. Em đã đến đây rồi, anh để cho đôi nu nghiến với giá hữu hảo...”.

Rõ ràng, việc thu mua gỗ quý và sản xuất lộc bình, bình hoa ở đây là rất công khai. Theo tìm hiểu của chúng tôi, xã Cổ Lũng (Bá Thước) và một số xã lân cận cũng là lãnh địa của gỗ da báo. Thời gian gần đây, loại cây này gần như không còn.

Ngoài da báo, gỗ đinh hương hiện đang bị săn lùng để làm lộc bình. Vào tháng 6 vừa qua, Hạt Kiểm lâm Quan Sơn cùng Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lò đã phát hiện 3 cây đinh hương cổ thụ bị khai thác trộm tại lô C, K1, tiểu khu 234, khu rừng suối Mán thuộc xã Sơn Hà (Quan Sơn).

 Một xưởng làm lục bình tại huyện Mai Châu (Hòa Bình)
 Một xưởng làm lục bình tại huyện Mai Châu (Hòa Bình)

Ở hầu hết các huyện miền núi của tỉnh đều có cơ sở sản xuất lộc bình. Một khó khăn cho ngành kiểm lâm khi chưa có chế tài xử lý việc buôn bán hay vận chuyển loại hàng hoá từ gỗ thành phẩm này và những cây gỗ quý vẫn còn bị lén lút đốn hạ.

Những điều tốt lành về lộc bình của người xưa suy cho cùng cũng chỉ là quan niệm. Tác dụng của việc chơi lộc bình thì chưa ai chứng minh được, nhưng có một điều ai cũng thấy là từ khi có trào lưu chơi lộc bình gỗ thì những cây cổ thụ trong rừng bị "săn" trộm ngày càng nhiều, việc phá rừng và nguy cơ xoá sổ nhiều loài gỗ quý ngày càng đáng báo động.

Nguyễn Thùy - Duy Tuyên