Quảng Nam:
Giữ lửa cho lò đường thủ công cuối cùng
(Dân trí) - Huyện Quế Sơn, Thăng Bình (Quảng Nam) trước đây được biết đến là xứ sở của nghề trồng mía, nấu đường. Đến mùa thu hoạch mía, không khí rộn ràng khắp làng. Những lò nấu đường thủ công đỏ lửa từ sáng đến tối, mùi đường non thơm phức nức mũi cả làng cả xóm.
Đó là câu chuyện của một thời hoàng kim. Bây giờ, nhiều cánh đồng mía bị thu hẹp dần, các lò đường cũng thôi đỏ lửa. Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện chỉ còn mỗi lò đường của ông Trần Đình Hai ở xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn đỏ lửa. Tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn cố “giữ lửa” cho nghề truyền thống cha ông để lại.
Tháng 5, nắng như đổ lửa. Đây là thời điểm gần cuối vụ thu hoạch mía. Từ sáng sớm, nhiều người đã chở mía đến lò đường của ông Hai để ép. Bây giờ, ép mía không phải để đổ vào thùng phi hay muỗng rồi mang về nhà như ngày xưa nữa mà chỉ ép mía nấu đường nhúng bánh tráng (bánh đa), hoặc đổ bát bán cho người dân hay du khách mua về làm quà tặng.
Từ sáng sớm, lò đường này đã dậy mùi thơm phức của đường non, phảng phất dư vị của nghề truyền thống trên “thủ phủ” trồng mía, nấu đường.
Gần trưa, khi đường vừa chín cũng là lúc hàng chục người đùm túm những xách bánh tráng đến nhúng vào đường, gọi là bánh tráng nhúng đường. Mỗi người vài ba xách, một xách 3-5 cái bánh tráng, giá một chiếc bánh 4 ngàn đồng, nhúng đường xong thêm 5 ngàn nữa; vị chi 9 ngàn đồng cho một cái bánh tráng nhúng đường, thế là có một món quà quê mang về tặng người thân hay để ăn cho đỡ nhớ của những người dân quê từng một thời ăn bánh tráng nhúng đường.
Mỗi Chủ Nhật, ông Trần Công cùng với một số người bạn ở xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, Quảng Nam thu gom mía chở đến lò đường của ông Trần Đình Hai để ép. Ông Công chia sẻ, trước đây làm mía rất nhiều. Đến nay thì nghề làm mía đường bị mai một, người dân bỏ nghề gần hết vì không hiệu quả kinh tế, chỉ còn lại một số ít làm đường thủ công. Giờ thì chỉ còn mỗi lò đường của ông Hai.
Ông Công tâm sự: “Giờ mía hết rồi, lò đường chỉ còn lại mỗi lò của ông Hai. Nhà trồng được vài sào mía, đến vụ thì chặt đến lò đường ép đổ bát hay để cho bà con ở xa mua bánh tráng nhúng ăn cho đỡ nhớ cái thời nghèo khổ. Giờ làm mía đường vất vả lắm”.
Giờ thì những cánh đồng mía bạt ngàn vùng trung du các huyện Quế Sơn, Thăng Bình… không còn nữa, các lò đường thủ công truyền thống cũng dần bị tháo dỡ, cũng còn lại chỉ còn mỗi lò của ông Hai. Hơn nửa đời mình gắn với cây mía, với bộ che làm đường bát không nỡ bỏ nghề. Chiếc thùng gỗ rót đường, chảo nấu, bát đúc được ông Hai lưu giữ đến ngày hôm nay.
Những người làm công ở lò đường ông Hai đều là người trong vùng, một thời gắn bó với nghề. Mỗi ngày đỏ lửa, lò đường của ông Hai tiêu thụ cả tấn mía. Với giá bán hiện tại mỗi bát đường 25 ngàn đồng, một sào mía thu nhập trên chục triệu đồng. Đó là chưa kể thu nhập thêm từ nhúng bánh tráng đường.
Mỗi ngày lò đỏ lửa có hàng chục người đến nhúng với cả ngàn chiếc bánh tráng. Tuy nhiên, nghề làm mía, nấu đường không dễ, cây mía trồng cả năm mới thu hoạch nên nhiều người không mặn mà với nghề.
Ông Trần Đình Hai chia sẻ: Truyền thống làm đường của ông bà tôi từ trước đến giờ. Từ sau ngày giải phóng đã ép đường bằng bộ che gỗ, hai con bò kéo đến sau này là che máy. Già như tụi tui bây giờ cố gắng giữ cái nghề ông cha để lại được ngày nào hay ngày đó, chứ chắc cũng được vài ba năm nữa thôi”.
Hiện lò đường của ông Trần Đình Hai mỗi tuần hoạt động chỉ một lần vào ngày Chủ Nhật. Các hộ trồng mía nhiều nhất bây giờ cũng chỉ một vài sào để bán nước mía, số ít đem ép nấu đường bát. Nghề trồng mía, nấu đường nổi tiếng một thời ở các huyện Thăng Bình, Quế Sơn giờ chỉ còn lại chút hương quê. Đó là đặc sản bánh tráng nhúng đường và đường bát, như là chút quà quê còn lại nơi lò đường cuối cùng ở Quảng Nam.
Lò đường thủ công cuối cùng ở Quảng Nam
Do số hộ trồng mía giảm dần nên lò đường của ông Hai cũng hoạt động cầm chừng. Lớp trẻ đi làm ăn xa nên chỉ còn lại những người lớn tuổi hì hục chuyển mía vào ép và nấu đường trong cái nóng hầm hập của lò giữa trưa hè.
Công Bính