Ông Dương Danh Dy - Nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc):

“Giới truyền thông còn nhiều việc phải làm”

Đó là ý kiến của ông Dương Danh Dy, nguyên tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) từ năm1993-1996, trong chiến lược bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa.

Ông Dương Danh Dy,
nguyên tổng lãnh sự VN tại Quảng Châu (Trung Quốc) - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ông Dương Danh Dy, nguyên tổng lãnh sự VN tại Quảng Châu (Trung Quốc) - Ảnh: Nguyễn Khánh

Trong thời gian công tác tại Bắc Kinh, Quảng Châu, theo quan sát của ông, Trung Quốc đã tiến hành công việc tuyên truyền như thế nào với người dân về vấn đề biển Đông?

Không có hình thức gì họ không tận dụng, từ báo mạng, báo giấy đến báo hình; từ hình thức xã luận, biện luận, tùy bút, truyện ngắn, phim tài liệu và ngay cả phim truyện; từ sách giáo khoa cho đến tạp chí nghiên cứu; từ vấn đề xã hội cho tới vấn đề lịch sử... Có thể nói họ đã tận dụng mọi phương tiện có trong tay để tuyên truyền trong hơn 20 năm qua.

Đặc biệt, tất cả những đề cập về Việt Nam thường xoay quanh những vấn đề không có lợi cho Việt Nam. Vào một số trang báo chính thức nào cũng có thể tìm thấy những bài viết bôi đen Việt Nam: Thời Báo Hoàn Cầu, Phượng Hoàng, Trung Quân Võng (trang mạng quân sự), Thiết Huyết... Cần nói thêm, trong những trang mạng Trung Quốc mà tôi đọc hằng ngày cũng có một số trang như Thanh Niên, Quang Minh (mạng của tri thức) hầu như không có bài viết xuyên tạc Việt Nam.

Công tác thông tin của chúng ta còn một số hạn chế để cho Trung Quốc đưa tới toàn dân họ một hình ảnh không đúng về Việt Nam. Việc này cũng khiến một bộ phận người nước ngoài đồng tình, tin vào các luận điệu của Trung Quốc.

Sự lên tiếng của một số học giả Trung Quốc chỉ trích nhà cầm quyền nước họ về các chính sách trên biển Đông có sức mạnh đến đâu với dư luận nước này, theo tìm hiểu của ông?

Việc một số học giả như Lý Lệnh Hoa, Thịnh Hồng, Chu Phương của Trung Quốc lên tiếng thật đáng quý, thể hiện quan điểm của những người Trung Quốc có lương tri.

Vậy với đối tượng là người dân Trung Quốc và quốc tế, công việc tuyên truyền của ta về biển Đông nên được tiến hành như thế nào?

Theo tôi, khoan nhắc tới người nước ngoài, trước hết chúng ta cần phải cung cấp đầy đủ cho mọi người dân Việt Nam những thông tin liên quan tới những vấn đề mang tính quốc gia, tìm cách thức tỉnh một số người còn mơ hồ... Mặt khác, phải có những biện pháp tuyên truyền quảng bá có hiệu quả, làm cho phần lớn nhân dân Trung Quốc thấy được những việc không đúng. Cuối cùng, cần làm cho nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình thấy được những hành xử hiện nay của Trung Quốc là bá quyền, nước lớn, không phù hợp với luật pháp quốc tế...

Chúng ta có thể sử dụng ngoại giao nhân dân, thông qua các đoàn thể duy trì tình hữu nghị. Song đây chỉ là việc làm bề nổi. Trọng tâm vẫn phải là những hoạt động của phương tiện truyền thông.

Giới truyền thông thật sự còn nhiều việc phải làm. Chúng ta phải vạch trần những mặt trái của Trung Quốc một cách đúng mực, đúng sự thật. Tất cả những công trình khoa học liên quan đến biển đảo nên có thêm phần dịch ra tiếng Anh và tiếng Trung. Một khi dư luận quốc tế đồng tình, điều tôi tin chắc là chỉ cần chúng ta lên tiếng, trình bày, giải thích, vận động khôn khéo... là họ không những ủng hộ mà những phát biểu, những bài viết, những hành động cụ thể của họ sẽ có tác động tích cực vào nội bộ nhân dân Trung Quốc.

Trong các nước đang đối diện với vấn đề biển Đông, ông có thông tin về việc họ xử trí như thế nào để tuyên truyền, thể hiện quan điểm chủ quyền?

Nhìn chung trên vấn đề biển Đông, các nước có liên quan trong khu vực đều bị động trước những âm mưu, ý đồ và nhất là những hành động cụ thể của nhà cầm quyền Bắc Kinh tại đây.

Theo Nga Linh
Tuổi trẻ