1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giới kiến trúc phản đối trụ sở “BQL hồ Gươm” sát hồ

(Dân trí) - Nhiều ngày qua, dư luận xôn xao việc Ban quản lý (BQL) khu vực hồ Hoàn Kiếm chuẩn bị xây trụ sở mới tại khu đất số 2 Lê Thái Tổ, sát hồ Gươm. Chúng tôi đã trao đổi với những chuyên gia hàng đầu trong giới kiến trúc Việt Nam về vấn đề này.

Dự án xây dựng trụ sở BQL khu vực hồ Hoàn Kiếm tại số 2 Lê Thái tổ do chính BQL này làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần tư vấn kiến trúc xây dựng và thương mại Việt là đơn vị tư vấn thiết kế.
 
Toà nhà toạ lạc trên khu đất có diện tích 242,2m2, diện tích xây dựng là 191,05m2, gồm 4 tầng và 1 tầng chìm. Tổng mức đầu tư được phê duyệt là hơn 10 tỷ đồng từ ngân sách của quận Hoàn Kiếm. Công trình đã được khởi công vào ngày 24/3 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2010.
 
Sau khi công trình được khởi công, nhiều ý kiến không đồng tình bởi công trình xây dựng ngay sát hồ Gươm, cạnh quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục - nơi gắn với sự kiện lịch sử lớn của dân tộc.
 
Trong thư gửi bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhà sử học Dương Trung Quốc có đặt câu hỏi: “…có nhất thiết phải có một trụ sở đặt tại vị trí này hay không?” Đây cũng là câu hỏi mà nhiều người dân Thủ đô đang cần lời giải đáp.
 
Sáng nay, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tổ chức họp báo, thể hiện quan điểm của mình trước sự việc này.
 
KTS Nguyễn Trực Luyện - Nguyên Chủ tịch Hội KTS Việt Nam: “Nên đối xử có văn hoá với hồ Gươm!”
 
Nguyên Chủ tịch Hội KTS Việt Nam bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc xây dựng công trình trụ sở BQL khu vực hồ Hoàn Kiếm tại số 2 Lê Thái Tổ.
 
Giới kiến trúc phản đối trụ sở “BQL hồ Gươm” sát hồ - 1
Khu đất được sử dụng để xây trụ sở BQL khu vực hồ Hoàn Kiếm đã được quây tôn kín.
 
“Với vị trí của miếng đất này trong quy hoạch chung của hồ Gươm thì vấn đề chính là sử dụng mảnh đất này như thế nào, có nên xây dựng một công trình kiến trúc ở đây hay không?… chứ không phải là bàn xem xây khu nhà này mấy tầng, xây theo kiến trúc nào.
 
Khu vực quanh hồ Gươm đang rất thiếu các không gian công cộng, không gian xanh. Chỉ có một dải cây xanh ven hồ và khoảng trống cho người dân, tổ chức thực hiện các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao. Đặc biệt, khu vực này còn thiếu các công trình mang tính chất văn hoá. Thay vào đó là quá nhiều các cơ quan, trụ sở, thương mại...
 
Chính vì vậy, theo tôi nên dành mảnh đất này làm thành một vườn hoa, một không gian cây xanh, như vậy sẽ phục vụ tích cực hơn cho người Hà Nội. Tại đây, chúng ta có thể gắn một tấm bia hay tấm biển ghi lại sự kiện lịch sử về quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục để nhân dân và du khách cùng biết đến.
 
Thêm nữa, mảnh đất này là điểm giao cắt giữa phố Lương Văn Can và phố Lê Thái Tổ. Từ Lương Văn Can đi xuống đó là một cái dốc. Nếu xây nhà tại đây sẽ làm ảnh hưởng tới tầm nhìn của người tham gia giao thông”.
 
Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam: “Đừng để làm xong rồi dân mới ngã ngửa ra biết”
 
Giới kiến trúc phản đối trụ sở “BQL hồ Gươm” sát hồ - 2
KTS Nguyễn Tấn Vạn và nhiều KTS khác bày tỏ sự không đồng tình với dự án này.
 
KTS Nguyễn Tấn Vạn cũng bày tỏ thêm sự không đồng tình trước cách làm của BQL khu vực hồ Hoàn Kiếm. Dự án này “rục rịch” từ lâu, có những văn bản liên quan đến việc phê duyệt, quyết định dự án được ký từ năm 2006. Thế nhưng, chỉ khi người dân thấy công nhân đào đào, bới bới, xới tung khu đất này lên mới biết sự tình.
 
“Ngay đến chúng tôi là những người trong ngành mà bây giờ mới biết thì nhân dân mấy người biết được. Chính quyền nên tham khảo, trao đổi với người dân đừng để công trình làm xong rồi dân mới ngã ngửa ra biết”.
 
KTS Vạn cũng dẫn ra một số cuộc thi thiết kế kiến trúc đô thị khu vực hồ Gươm: “Tại các cuộc thi này, các sản phẩm, ý tưởng tham dự đều có điểm chung là không tăng mật độ xây dựng các công trình quanh hồ mà chú trọng tăng không gian xanh, không gian mở cho người dân. Nếu người quản lý có cùng tiếng nói với người dự thi thì tốt biết bao”.
 
KTS Vạn cho biết, Hội KTS Việt Nam sẽ có văn bản chính thức kiến nghị lên UBND TP Hà Nội về việc xây dựng công trình gây nhiều phản ứng trong nhân dân Thủ đô này.
 
KTS Phạm Cao Nguyên - Chủ tịch Hội KTS Hà Nội: Không nên phân cấp quản lý khu vực hồ Gươm
 
Giới kiến trúc phản đối trụ sở “BQL hồ Gươm” sát hồ - 3
Vị trí của khu đất trên bản đồ.
 
Cùng chung quan điểm không đồng tình với việc xây dựng công trình này, KTS Phạm Cao Nguyên cho rằng không nên xây thêm bất kỳ công trình cơ quan nào tại khu vực này nữa mà nên xây dựng nó thành không gian công cộng.
 
KTS Nguyên lý giải nguyên nhân xảy ra nhiều vụ việc “lọt” khỏi tầm quản lý của các cơ quan thành phố là do có sự phân cấp quản lý. “Phân cấp quản lý là rất đúng, song cũng phải tuỳ nơi, tuỳ chỗ mà phân cấp. Chúng ta mạnh dạn phân cấp quản lý xuống các quận, tôi cho là đúng. Thế nhưng đối với những nơi quan trọng thì không thể phân cấp được, đặc biệt là hồ Gươm và phố cổ.
 
Trước đây BQL phố cổ thuộc thành phố nhưng bây giờ lại thuộc quận. Thành phố làm sao có thể “sờ” tới được, quận muốn làm gì thì họ làm. Việc xây dựng trụ sở BQL khu vực hồ Gươm chính là sản phẩm của việc phân cấp quản lý. Trong khi đó, trình độ quản lý của phòng quy hoạch đô thị là nơi tham mưu cho lãnh đạo quận lại chưa thực sự tốt. Tôi kiến nghị nên trả quyền quản lý khu vực hồ Gươm và phố cổ về thành phố”.
 
Tiến Nguyên