1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giáp Tết, hàng lậu lại hối hả “vào mùa”

(Dân trí) - Dịp Tết Nguyên đán đang tới gần cũng là thời điểm buôn lậu, gian lận thương mại… diễn biến phức tạp; đặc biệt là tại các tỉnh chung đường biên giới với Lào, Campuchia, Trung Quốc.

Giáp Tết, hàng lậu lại hối hả “vào mùa” - 1

 
Chúng tôi theo chân lực lượng Hải quan thuộc Đội kiểm soát Hải quan tỉnh Quảng Trị đóng trên địa bàn xã Tân Hợp, huyện Hướng Hoá trong một ngày làm việc cuối năm 2010. Cận Tết Nguyên đán, nạn buôn lậu hối hả “vào mùa”, các chiến sĩ hải quan phải tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, thường xuyên theo dõi, mật phục tại các điểm chốt và những điểm nóng.

 

Quảng Trị là tỉnh có đường biên giới chung với Lào khá dài, địa bàn quản lí của các lực lượng Hải quan khá rộng, rất thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu né tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

 

Theo ông Bùi Thanh San, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị, năm 2010, Hải quan Quảng Trị đã phát hiện gần 600 vụ buôn lậu và gian lận thương mại, giảm hơn 18% so với năm 2009 về số vụ.

 

Càng gần Tết Nguyên đán Tân Mão, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại càng có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn.

Trên tuyến giáp giữa Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo với nội địa, hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hoá vào nội địa diễn ra với nhiều hình thức thủ đoạn khác nhau như: thuê người cõng hàng hoá qua các trạm kiểm soát và gia cố hầm chứa hàng trên phương tiện vận tải để cất giấu hàng hoá nhập lậu.

 

Ông Nguyễn An Định, Đội trưởng Đội kiểm soát Hải quan tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Các đối tượng buôn lậu thường dùng xe khách vận chuyển để cất giấu hàng nhập lậu bên trong. Khi bắt giữ, lực lượng Hải quan phải dùng cưa để cắt ô tô ra mới thu hồi được hàng nhập lậu”.

 

Tại tuyến biên giới khu vực Lao Bảo, hoạt động buôn lậu chủ yếu diễn ra ở khu vực sông Sê pôn và dọc theo hai bên cánh gà cửa khẩu Lao Bảo. Các đối tượng buôn lậu vận chuyển hàng từ Lào vào Việt Nam bằng thuyền máy của Lào chạy dọc theo sông, chờ cơ hội thuận tiện là chuyển hàng lên bờ để nhập lậu vào khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo.

 

Một số tuyến biên giới cửa khẩu La Lay, huyện Đakrông và khu vực cảng Cửa Việt tại huỵên Gio Linh và huyện Triệu Phong vẫn tiềm ẩn những nguy cơ buôn lậu ma tuý và xuất khẩu quặng ti tan sang Trung Quốc.

 

Tại Đà Nẵng, “không khí” buôn lậu cũng rầm rộ không kém. Chỉ trong vòng hơn một tháng, Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP Đà Nẵng đã bắt giữ hàng chục vụ buôn lậu trên địa bàn.
 

Sáng 27/12, Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị này vừa bắt giữ thêm một vụ buôn lậu được vận chuyển bằng xe khách đi ngang qua địa bàn.

 

Chiếc xe khách BKS 37H - 7838 do Nguyễn Hải An (trú TP Vinh, Nghệ An) điều khiển đang lưu thông theo hướng TPHCM đi Nghệ An, bị bắt quả tang đang chở nhiều kiện hàng phụ tùng ôtô không chứng từ hóa đơn và nhiều bao hàng quần áo rét trị giá gần 100 triệu đồng.

 

Giáp Tết, hàng lậu lại hối hả “vào mùa” - 2
Nhiều kiện hàng quần áo cũ và phụ tùng ôtô không chứng từ bị giữ tại trụ sở công an TP Đà Nẵng. (Ảnh: Công Bính)

 

Đặc biệt, đây là lần thứ 2 xe khách này chở hàng lậu, hàng cấm. Lần đầu bị bắt quả tang là ngày 27/11, khi xe đang chở 36 con nhím từ phía Bắc vào TPHCM tiêu thụ.

 

Trước đó, ngày 13/11, Phòng CS kinh tế cũng đã bắt giữ ôtô khách BKS 98K-5616 do tài xế Lưu Đức Thu (SN 1971, trú Yên Thế, Bắc Giang) điều khiển lưu thông theo hướng Bắc Giang - TPHCM, trên xe chở thuốc lálaauju. Vụ việc đã được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh ký quyết định xử phạt 50 triệu đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa đem tiêu hủy.

 

Không những buôn lậu quần áo, thuốc lá, rượu ngoại... các loại động vật hoang dã, điện thoại di động, máy vi tính, nước hoa... cũng được các đối tượng vận chuyển qua địa bàn TP Đà Nẵng.

 

Theo một cán bộ Phòng CS kinh tế Công an TP Đà Nẵng, vào dịp cuối năm các mặt hàng được dân buôn lậu “đánh” nhiều nhất là thuốc lá, quần áo rét, rượu ngoại, nước hoa... Chỉ từ giữa tháng 11 đến nay, lực lượng chức năng TP Đà Nẵng đã bắt giữ hàng chục vụ buôn lậu trị giá hàng trăm triệu đồng. Nhiều vụ phải chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT để lập hồ sơ truy tố vì giá trị mặt hàng đã vượt mức độ xử lý hành chính.
 
Tại các tỉnh An Giang, Long An, hoạt động buôn lậu cũng đang vào giai đoạn đỉnh điểm với lượng hàng lậu khổng lồ.
 
Giáp Tết, hàng lậu lại hối hả “vào mùa” - 3

Những chuyến tuồn hàng lậu công khai tại cửa khẩu Tịnh Biên, An Giang (Ảnh: Huỳnh Hải)

 

Cửa khẩu biên giới Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên, An Giang) những ngày cuối tháng 12, hoạt động đưa hàng lậu từ biên giới Campuchia sang Việt Nam khá rầm rộ, tấp nập. Hàng chủ yếu là thuốc lá, bánh kẹo, rượu và đường cát – là những món hàng được ưa dùng trong dịp Tết.

 

Để đưa hàng từ bên kia biên giới sang, các đầu nậu chia thành nhiều đường để tránh lực lượng công an. Một đường đi bộ dọc theo các cánh đồng phía dưới cầu Xuân Tô, hàng được vác bộ rất công khai. Tuy nhiên, đây chỉ là những đợt hàng nhỏ lẻ.

 

Các đợt hàng lớn thường được tập kết ở bên kia biên giới Campuchia, sau đó đợi thời điểm thuân lợi sẽ đưa xuống xuồng, ghe để chờ về Việt Nam. Tại Việt Nam, hàng sẽ được chuyển về một số điểm tập kết ở bờ kênh Vĩnh Tế, sau đó sẽ có người đưa đi phân phối về Châu Đốc, Long Xuyên, các tỉnh ĐBSCL và TPHCM. 

 

Mỗi đợt cả chục tấn hàng hóa về trót lọt, chủ hàng thu về cả chục triệu đồng.

 

Tại tỉnh Long An, khu vực huyện Đức Huệ là nơi giới buôn lậu làm ăn nhiều nhất. Hàng lậu sẽ được các đầu nậu đưa qua biên giới (từ Campuchia sang Việt Nam) bằng đường thủy, chủ yếu tập kết ở đoạn sông Vàm Cỏ và các xã Mỹ Quý Tây, Mỹ Quý Đông (huyện Đức Huệ). Tại đây, hàng sẽ được chuyển lên xe máy, xe 4 bánh rồi xuôi thẳng theo các tỉnh lộ 8, 9, 10 (Đức Hòa, Đức Huệ) đi lên TPHCM tiêu thụ.

 

Theo ngành chức năng, rất khó để xử lý tình hình buôn lậu ở biên giới. Thời gian qua, ngành chức năng cũng có phát hiện và xử lý nhiều chuyến hàng, tuy nhiên để xử lý triệt để thì vẫn còn nhiều khó khăn.

 

 

Hoàng Lan - Công Bính - Huỳnh Hải