Giáo viên nghỉ việc vì lương!
Sau kết quả tuyển giáo viên cho năm học mới, hiện TPHCM còn thiếu khoảng gần 1.000 giáo viên, phần lớn tập trung ở vùng ven. Thực tế từ nhiều năm nay, nhiều giáo viên từ nội thành ra ngoại thành nhận việc chỉ được vài tuần là trở lại thành phố vì cơm, áo, gạo, tiền kham không nổi…
Bỏ trường vì lương không đủ sống
Được xem là có điều kiện thuận lợi hơn nhiều nơi, nhưng đời sống giáo viên ở các huyện ngoại thành rất khó khăn, nhất là khi xăng dầu, vật giá tăng cao. “Chỗ ở thì không lo nhưng mức chi tiêu không ít hơn so với nội thành, thậm chí còn cao hơn vì hàng hóa phải đưa từ nội thành ra, nước sinh hoạt phải mua giá cao”, giáo viên N.T.K đang dạy ở Bình Khánh, Cần Giờ than vãn.
Giáo viên N.T.T.A nhà ở quận 1 nhưng ngày ngày phải đi hơn 30km để dạy ở một trường vùng sâu của xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, phân tích: “Hàng tháng thu nhập của em khoảng hơn 1,5 triệu đồng, đó là tiền dạy hai buổi và tiền lương. Thế nhưng để có mức lương này mỗi ngày em phải đi từ 6h sáng và đến 6h chiều. Nếu trừ đi tiền xăng xe, ăn sáng, trưa, chiều… theo thời giá hiện nay thì xem như em không còn dư được đồng nào”.
Ở huyện Nhà Bè và Cần Giờ, năm học vừa qua, giáo viên cấp 1, 2 tập trung thực hiện nâng cao chất lượng giảng dạy nên hầu như phải ở trường suốt ngày, không còn thời gian để làm việc khác kiếm thêm thu nhập.
Nói đến tiền dạy hai buổi tại các xã vùng sâu ngoại thành, nhiều giáo viên cũng bức xúc không kém. Cô C.T.P hiện là giáo viên một trường tiểu học ở vùng sâu Hiệp Phước, Nhà Bè cho biết: “Tiền học 2 buổi ở đây mỗi tháng 30.000 đồng/em, nhưng lớp ba, bốn chục học sinh mỗi tháng chỉ thu được một, hai trăm ngàn đồng là quá mức. Thậm chí có tháng chỉ lãnh được 21.000 đồng. Tiền này còn phải trích lại 30% cho trường”.
Ở Long Hòa, huyện Cần Giờ cũng vậy, nhiều giáo viên phải bươn chải kiếm thêm thu nhập bằng nhiều nghề khác nhau. Nhiều thầy giáo đi dạy về là quăng sách tập, giáo án, ăn vội miếng cơm rồi xách cần cào ra bãi nghêu để cào nghêu thuê, kiếm thêm thu nhập, nếu không sẽ khó lòng gánh vác cho gia đình.
Anh N.T.H trước dạy ở Trường THCS Thạnh An, nay đã được chuyển về quận 6, khi nhắc lại quãng thời gian dạy học ở đây mà muốn ứa nước mắt: “Cha mẹ nghèo nuôi ăn học ra trường có việc làm vậy mà vẫn ở trong căn nhà lá ọp ẹp. Gần hai năm trời đi làm không thấy mặt mũi đồng lương đâu cả. Thậm chí nhiều tháng có bạn bè, người thân ra thăm còn bị “âm” cả tiền lương vì đãi họ ăn uống! Phần lớn giáo viên ở đây nếu có cơ hội là... ra khỏi trường ngay. Nhà trường có biết chuyện này cũng đành chịu vì đời sống thiếu thốn nên không thể níu kéo được họ”.
Gian nan giải pháp
Tình trạng thiếu giáo viên kéo dài đã nhiều năm nay, đặc biệt là các huyện, nhưng việc khắc phục quả là gian nan do nhiều nguyên nhân - ông Văn Công Sang, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM thừa nhận.
Bất hợp lý trước đây là việc điều giáo viên từ quận huyện này sang quận huyện khác quá xa, không tính toán cụ thể nên nhiều giáo viên nhận nhiệm sở được vài bữa thì “biến” vì đi về không xuể. Nhiều giáo viên từ Tân Bình, Gò Vấp, quận 1, quận 3… khi nhận trường phải về đến Cần Giờ, Nhà Bè, quận 9… để dạy thì chỉ chuyện đi - về đã chiếm hết thời gian giảng dạy. Giáo viên bỏ trường ra ngoài dạy các trường dân lập, tư thục là chuyện thường!
Một thực trạng khác khiến giáo viên phải nói lời chia tay với trường sau vài ngày nhận việc là chuyện nơi ăn chốn ở. Hầu như các trường vùng sâu thì nhà công vụ dành cho giáo viên gần như trắng. Bên cạnh đó, điều kiện sinh hoạt vô cùng thiếu thốn cũng là một cản ngại, chưa nói đến các nhu cầu giải trí khác.
Ông Hồ Quốc Ánh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Cần Giờ, vò đầu: “Huyện Cần Giờ thiếu giáo viên trầm trọng từ nhiều năm nay, muốn giữ chân họ, chúng tôi phải mất hàng tuần, hàng tháng để động viên, thậm chí phải năn nỉ. Khi năn nỉ, họ ở lại thêm được vài ngày thì cũng đi. Vì thế, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên không chỉ là lời động viên suông mà phải tạo được cuộc sống vật chất lẫn tinh thần cho họ. Mà chuyện đó thì chúng tôi ngoài tầm tay”.
Còn thầy Bùi Hùng Chiến, Hiệu trưởng Trường THPT An Nhơn Tây, Củ Chi cho biết: “Nhiều năm trường thiếu giáo viên môn Sinh vật nhưng đành chịu, sở phân công chưa đầy một tuần họ đã trốn biệt luôn, với lời nhắn lại là đi dạy quá xa, tiền lương không đủ trả tiền xăng!”.
Hiện nay thiếu giáo viên nhiều nhất tập trung ở bậc tiểu học và các bộ môn ở bậc THCS và THPT. Để giải quyết tình trạng này, Sở GD-ĐT phải tuyển thêm giáo viên THCS chuyển qua dạy ở bậc THPT với điều kiện giáo viên đó phải làm giấy cam kết trong vòng 5 năm phải học chuyên tu thêm bằng đại học. Việc làm trên xét cho cùng chỉ là “chữa cháy” cho tình trạng thiếu giáo viên hiện nay, vì thời gian 5 năm chưa phải là dài khi giáo viên đó phải vừa dạy, vừa sống bằng đồng lương thấp lại vừa đi học đại học thì khó lòng kham nổi!
Năm nay, sở phân bố nhiệm sở giáo viên mới theo cụm địa bàn quận huyện. Giáo viên ở quận huyện nào thì về quận huyện đó, hoặc các quận huyện lân cận giảng dạy chứ không như trước đây.
Theo Sài Gòn Giải Phóng