1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Tĩnh:

Giáo viên còng lưng vay nợ, trả lãi cho xã... xây trường

(Dân Trí)- Từ vài năm nay hàng loạt giáo viên Trường THCS Liên Hương, xã Đức Hương, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) bỗng trở thành những con nợ khó đòi của ngân hàng sau khi đứng ra vay tiền cho xã xây trường học.

Khốn khổ những con nợ khó đòi

Từ năm 2005 trở về trước, do hệ thống cơ sở vật chất xuống cấp nên cả giáo viên và học sinh ở xã Đức Hương, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh gặp rất nhiều khó khăn trong công tác dạy và học. Vì thế, từ năm 2003 đến 2005, UBND xã Đức Hương cùng Ban giám hiệu trường THCS Liên Hương cùng phối hợp tìm kinh phí để xây dựng một ngôi trường mới.

Chính quyền xã Đức Hương cùng Ban giám hiệu trường THCS Liên Hương đã đứng ra vận động các giáo viên đang công tác tại trường này đứng tên vay tiền ngân hàng để giúp trường có đủ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất. Để giáo viên chấp nhận vay tiền, chính quyền xã Hương Liên cùng BGH nhà trường đã cam kết sẽ đứng ra trả tiền gốc và lãi cho đến khi trả đủ tiền vay của ngân hàng.
 
Được xã hứa, nhiều giáo viên trường THCS Liên Hương đã đứng ra vay tại Chi nhánh NHNN&PTNT huyện Vũ Quang với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
 
Giáo viên còng lưng vay nợ, trả lãi cho xã... xây trường  - 1
Để có ngôi trường khang trang thế này, nhiều giáo viên đang è cổ chịu nợ, trả lãi thay cho chủ đầu tư
 
Thế nhưng, ngôi trường được xây dựng đến nay đã hơn 5 năm nhưng UBND xã cũng như Ban giám hiệu trường này đã thất hứa những điều đã cam kết với những giáo viên nghèo, đẩy hầu hết những giáo viên trong trường trở thành con nợ của Chi nhánh NHNN&PTNT huyện Vũ Quang.
 
Thầy Trương Bá Năng đứng ra vay tới 16 triệu đồng cho xã. Tuy nhiên, đến nay xã mới chỉ trả cho thầy Năng được 3 triệu đồng tại ngân hàng, số còn lại chưa biết khi nào thầy Năng mới có thể thanh toán.

Nợ ở trường cũ tiếp tục “dây dưa” gây khó dễ cho thầy Năng khi chuyển đến ngôi trường mới. “Tôi chuyển về trường THSC Hương Thọ từ tháng 3 năm 2009 và cũng kể từ đó tôi luôn bị ngân hàng đòi nợ. Vì sợ ảnh hưởng đến uy tín, nhiều lần tôi đã phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi vay để trả tiền lãi cho ngân hàng”, thầy Năng bực bội cho biết. 
 
Giáo viên còng lưng vay nợ, trả lãi cho xã... xây trường  - 2
Dù có cam kết trả lãi và gốc, nhưng giáo viên Trường PTCS Liên Hương vẫn trở thành con nợ khó đòi của ngân hàng
 
Thầy Nguyễn Viết Hưng, một "nạn nhân" khác cho biết: “Năm 2005 tôi có đứng tên ra vay 12 triệu đồng cho trường xây dựng cơ sở vật chất. Hiện nay tôi đã chuyển về dạy tại huyện Đức Thọ được một năm nhưng số nợ của tôi ở Ngân hàng Nông nghiệp Vũ Quang thì xã và nhà trường vẫn chưa giải quyết xong. Và hàng tháng giấy nợ vẫn cứ gửi về đều đều, yêu cầu tôi phải thanh toán số tiền đã vay trước”.
 
Nhiều thầy giáo ngoài số nợ chưa được xã và trường trả đúng hạn cho ngân hàng còn rơi vào cảnh hết sức rắc rối do không làm hợp đồng cam kết cụ thể. Thầy giáo trẻ Phạm Khắc Toàn bức xúc: "Tôi vay cho xã 15 triệu đồng, hiện chưa trả được đồng nào. Cái dở  là khi đứng tên vay cho trường không làm hợp đồng cam kết cụ thể nên giờ không biết kêu ai”.

Hứa trả nhưng... khất dài dài

Trước tình trạng đi vay nợ giúp nhưng xã không trả như đã cam kết, các giáo viên này đã có ý kiến lên BGH nhà trường và chính quyền xã, thậm chí là gửi đơn lên Toà án huyện Vũ Quang để được can thiệp. Một giáo viên buồn bã cho biết: “Nhà trường và xã cũng đã tiến hành họp đi họp lại rất nhiều lần. Trong mỗi lần họp xã đều hứa sẽ trả, nhưng họ cứ hứa rồi lại để đó”.

Đa số giáo viên vay nợ là giáo viên trẻ, họ mới chân ướt chân ráo được biên chế về trường giảng dạy. Lẽ ra chính quyền xã phải tạo điều kiện cho họ an tâm công tác đằng nay họ đã vay nợ giúp xã mà sau khi vay xong họ lại bỏ mặc như thế là không thể chấp nhận được”- Thầy Tiến - một giáo viên trường PTCS Liên Hương bức xúc.

Trao đổi với chúng tôi thầy Nguyễn Bá Thành - Hiệu trưởng trường THCS Liên Hương thừa nhận, có nhiều giáo viên của nhà trường đứng ra vay tiền cho xã xây trường. “Do kế toán đang nghỉ sinh nên có bao nhiêu giáo viên đứng ra vay tiền cho xã, và vay tổng số bao nhiêu tôi không nắm được con số cụ thể” - thầy Thành cho biết.

Về giải pháp thanh toán nợ cho giáo viên để họ yên tâm công tác thầy Thanh nói, “địa phương và nhà trường đang chờ họp phụ huynh để vận động đóng các bậc cha mẹ học sinh đóng góp tiền xây dựng cơ sở vật chất, sau đó mới có nguồn tiền trả nợ ngân hàng cho giáo viên”.

Trao đổi với Dân Trí ông Lê Hào Quang - Phó Chủ tịch xã Đức Hương cho biết: “Đây là việc của chính quyền nhiệm kỳ trước bàn giao lại. Theo tôi được biết, kinh phí xây dựng là do chính quyền xã và nhân dân cùng đóng góp. Khi tiến hành xây dựng, do không có đủ kinh phí nên xã buộc phải bàn với lãnh đạo nhà trường  "nhờ"các giáo viên vay tạm tiền ngân hàng để giúp xã có đủ kinh phí xây dựng. Xã chưa trả cho ngân hàng như cam kết với giáo viên là do xoay mãi mà chưa có nguồn. Hiện chúng tôi đang tiếp tục tìm phương án để trả nợ cho giáo viên".  

Với thực trạng nêu trên, xem ra, hàng loạt giáo viên ở trường PTCS  Liên Hương huyện Vũ Quang vẫn tiếp tục là "con nợ" dài dài.

 Văn Dũng – ALăng Núi