Giao thông Hà Nội một tối hỗn loạn

(Dân trí) - Tối qua (20/10) thật sự là một tối “kinh hoàng” đối với người dân Thủ đô khi bước chân ra khỏi nhà. Nhiều con đường “huyết mạnh” rơi vào cảnh tắc nghẽn nghiêm trọng vì lượng người đổ ra đường quá đông vào ngày lễ.

Các con đường lớn Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy), cụm đường Trường Chinh, Tây Sơn, Chùa Bộc và ngã tư Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch - Tôn Thất Tùng - Đông Tác (Đống Đa) từ hơn 6 giờ tối bắt đầu rậm rịch “lê chân” nhau. Lượng người lưu thông quá đông đã làm đường xá Thủ đô thật sự bị hỗn loạn, nhao nhác. Niềm vui trong ngày lễ 20/10 của nhiều người vì thế mà bị “chững” lại.
 
Giao thông Hà Nội một tối hỗn loạn - 1
Đường Hồ Tùng Mậu thênh thang vẫn bị “ngạt” dài dằng dặc.

Con đường Hồ Tùng Mậu rộng thênh thang tưởng chừng như không thể tắc, nhưng cũng phải “đầu hàng” trước lượng người trên đường quá đông. Từ đoạn nối ra sân Mỹ Đình đến cuối đường đường hướng về phía Xuân Thủy kéo dài cả cây số, các phương tiện bị kẹp cứng. Trước tình cảnh đó, các tuyến xe buýt đi từ Cầu Diễn, Nhổn xuống xếp hàng “nghỉ ngơi” để cho khách “thoát thân” bằng cách xuống xe đi bộ.

Rộng như thế nhưng con đường này vẫn tắc nhiều khả năng là do hai bên đường quá nhiều người đứng bán hoa, cảnh mua bán tấp nập. Hơn nữa, rất đông sinh viên từ trường ĐH Thương Mại đổ ra vào đầu giờ tối, rẽ theo nhiều ngả, đi trái chiều nên làm đường bị tắc.
 
Giao thông Hà Nội một tối hỗn loạn - 2
Đường Trường Chinh “chết cứng” hàng tiếng đồng hồ.
 
Những người lọt vào vùng “trung tâm” ở khu vực Ngã Tư Sở gần như bị bịt tất cả các ngả. Trên cầu vượt Ngã Tư Sở, các phương tiện cũng dừng lại đứng nhìn cảnh tắc đường. Đường Nguyễn Trãi, Tây Sơn… cả dãy người đứng trò chuyện để giết thời gian. Ngày lễ, ai cũng vội vàng nhưng rồi họ cũng chỉ biết thở dài vì chẳng còn lối nào để thoát.
 
Giao thông Hà Nội một tối hỗn loạn - 3
Mọi người chỉ biết tắt máy nhìn nhau.
 

Tại giao lộ Tôn Thất Tùng với Trường Chinh, tội nghiệp nhất là 2 vợ chồng với đứa bé sơ sinh đang trên đường đưa con đi cấp cứu. Chiếc xe cứu thương biển số 35A-0033 chở 2 vợ chồng cùng đứa con dù liên tục hú còi nhưng dường như cũng bất lực trước trước dòng người không nhúc nhích.

Cầm trên tay bó hoa hồng đỏ thắm, cậu sinh viên ĐH Xây dựng tên Quang bị “kẹp” ở đầu đường Trường Chinh lo lắng: “Chẳng biết em có kịp tặng hoa cho người ta không nữa. Bây giờ rẽ lối nào cũng tắc, chỉ biết đứng chờ thế này thôi”.
 
Lo lắng của Quang cũng dễ hiểu vì theo lời cậu, chỗ trọ của cô bạn gái đúng 9 giờ 30 là đóng cửa, bấy giờ đã hơn 8 giờ mà con đường Trường Chinh vẫn chưa nhúc nhích. Ô tô, xe máy tắt máy xếp hàng chờ nhau.
 
Giao thông Hà Nội một tối hỗn loạn - 4
Đường Chùa Bộc cũng “nhộn nhịp” chẳng kém.
 
Anh Thái Hữu Hạnh, nhà ở Nguyễn Tuân (Thanh Xuân) với túi hoa, túi quà treo ở xe đang trên đường đến chỗ sinh nhật bạn gái tổ chức tại Hồ Đắc Di (khu Nam Đồng) thì bị kẹt ở đoạn Chùa Bộc. Anh cho hay: “Tôi đứng thế này từ lúc 7 giờ mà giờ gần 9 giờ vẫn chưa tiến lên được là bao. Chắc rồi lỡ hẹn mất, mọi năm ngày này cũng đông nhưng có đến mức thế này đâu”. Nhìn dòng xe ô tô xếp hàng dài vô tận ở đường Chùa Bộc, xe máy cũng bị kẹp cứng thì biết chắc chắn đêm nay không chỉ anh Hạnh mới là người lỡ hẹn.
 
Giao thông Hà Nội một tối hỗn loạn - 5
Hệ thống đèn giao thông ở ngã tư Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc, Tôn Thất Tùng, Đông Tác bị vô hiệu hoá.

Ngã tư Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc, Tôn Thất Tùng, Đông Tác hệ thống đèn giao thông vẫn hoạt động bình thường, nhưng nó đã bị vô hiệu hoá trước lượng người quá tải. Giữa ngã tư, mặc đèn xanh hay đỏ thì ô tô, xe máy từ các ngả cũng đã “cụng đầu” vào nhau, không còn lối để ra. Rơi vào tình cảnh đó, nhiều người đi đường nói với nhau: “Biết thế này ở nhà cho rồi”. Nhưng có nhiều người khác cười như tự an ủi: “Thế mới biết bây giờ chị em phụ nữ nhà ta được quan tâm nhiều thật, thăm hỏi đến... tắc cả đường”.

Hơn 9 giờ 30 tối, nhiều con đường như Trường Chinh, Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc mới dần đươc giải toả. Không ít người phải bỏ dở kế hoạch cho ngày lễ của mình và mang ấm ức về một buổi tối “hoảng loạn”.

Trao đổi với PV, trung tá Nguyễn Sĩ Thọ, đội trưởng đội cảnh sát giao thông số 3 - phụ trách địa bàn quận Đống Đa cho biết, đơn vị đã huy động toàn bộ lực lượng tại các địa điểm nóng để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. “Mặc dù có hệ thống tín hiệu đèn nhưng do dòng phương tiện quá lớn cộng với việc lấn làn của người tham gia giao thông nên việc giải quyết ùn tắc quá khó khăn”, anh Thọ cho biết.

 

Theo anh Thọ, các ngày bình thường ùn tắc chỉ xảy ra vào giờ cao điểm như tan tầm công sở, từ khoảng 17h-19h tối, nhưng ngày hôm qua (20/10) thì thời gian ùn tắc kéo dài hơn vì lượng người đổ ra đường để “chúc mừng” các chị em quá lớn. (Sông Lam)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tắc cả đường… điện thoại

 

Cũng tối qua (20/10), các mạng di động cũng liên tục rơi vào cảnh nghẽn mạch. Anh Nguyễn Đức Trung, sử dụng mạng di động Viettel cho biết, lúc khoảng 21h tối, anh gần như không thể liên lạc được với ai dù máy vẫn báo đang trong tình trạng tốt. “Mình muốn điện thoại chúc mừng mẹ vì hôm nay cũng là ngày sinh nhật của bà luôn, vậy mà không thể nào kết nối được”, anh Trung bày tỏ.

 

Anh Nguyễn Hoàng, sử dụng mạng di động VinaPhone cũng bức xúc nói: “Mình đã gọi cho tất cả bạn bè nhưng đều vô vọng, chỉ nghe máy báo “tút tút” rồi tắt ngấm. Có khi bên kia vẫn “alô” nhưng vài tiếng thì cũng tắt luôn. Thậm chí quay sang sử dụng máy bàn để gọi cũng không thể thực hiện được”.

 

“Các tin nhắn đều bị trả về, và những lời chúc tốt đẹp nhất của mình dành cho “người ấy” đã không đến được”, bạn Hồng Đức, sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội than vãn. Tối qua Đức đã gửi cho cô bạn của mình những tin nhắn có cánh, nhưng thật ngạc nhiên sáng nay ngủ dậy thì chính Đức là người nhận lại tin nhắn của mình.

 

Theo ông Hồ Đức Thắng, Phó Giám đốc VinaPhone: Tình trạng tắc ứ cục bộ của đường truyền là không thể tránh khỏi khi có lượng lớn khách hàng cùng gọi, nhắn tin trong cùng một lúc. Việc tắc nghẽn này không chỉ của VinaPhone mà các mạng di động khác đều xảy ra tương tự.

 

“Chúng tôi đã dự báo tình trạng tắc nghẽn và đã làm việc hết công suất để giảm thiểu tình trạng này, tuy nhiên tình trạng nghẽn mạch chỉ diễn ra khoảng vài tiếng, sau giờ cao điểm thì mạng vẫn hoạt động bình thường”, ông Thắng nói.

Nhóm Phóng viên