1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Giáo dục đại học: Vẫn “ngổn ngang” sai phạm

(Dân trí) – Tốc độ lập mới trường đại học đã giảm nhưng vẫn cao; hậu kiểm với các trường sau thành lập lỏng lẻo; liên thông đại học cấp bằng chính quy, liên kết đào tạo với nước ngoài vẫn “bát nháo”…

Giảm được trường lập mới lại “hổng” khâu hậu kiểm

Báo cáo giám sát về giáo dục đại học của UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội ghi nhận, sau phiên chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận kỳ trước về việc thành lập trường tràn lan, kém chất lượng, công tác này thời gian qua đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Tốc độ thành lập trường không còn quá nóng; cơ cấu ngành nghề tại các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) mới thành lập từng bước được điều chỉnh.

Đặc biệt, các cơ sở GDĐH ngoài công lập đã có đầy đủ tư cách pháp nhân cần thiết để tiến hành thủ tục thực hiện đầu tư xây dựng phát triển trường đồng bộ về cả 4 yếu tố: đất đai xây dựng trường, đội ngũ GV, vốn đầu tư và các điều kiện bảo đảm chất lượng.
 
Giám sát giáo dục đại học: Vẫn “ngổn ngang” sai phạm
Không ít nghi ngại đặt ra đối với chất lượng giáo dục đại học khi các chương trình liên thông, liên kết... bát nháo vẫn tiếp tục diễn ra.

Tuy nhiên, do chưa có sự kiên quyết trong điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ nên tốc độ thành lập trường trong các năm 2010 và 2011 vẫn còn cao. Việc phân bố các trường mới thành lập theo địa lý còn chưa hợp lý (các trường mới được thành lập, nâng cấp vẫn tập trung chủ yếu ở các vùng thuận lợi, như ĐB Sông Hồng có 13 trường, Đông Nam Bộ có 6 trường).

Việc cân đối cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa thực sự gắn với Chiến lược và quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 cũng như quy hoạch phát triển nhân lực của các bộ, ngành, địa phương.

Báo cáo giám sát chỉ rõ, mặc dù các trường đại học được thành lập trong giai đoạn này hầu hết đã được phê duyệt chủ trương từ giai đoạn trước (không có hồ sơ mới) song nếu thực sự kiên quyết thì dù đã có chủ trương đồng ý từ trước nhưng vẫn có thể không cho phép thành lập mới nếu không phù hợp với quy hoạch, mạng lưới cũng như định hướng phát triển.

Công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát các điều kiện thành lập trường được chú trọng hơn song vẫn chưa có chế tài xử lý khi hậu kiểm.

UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đánh giá, nhìn chung, việc thẩm định thành lập trường đã được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh hơn việc đình chỉ tuyển sinh một số trường, một số ngành không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định trong thời gian qua.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đến nay vẫn chưa đưa ra được những quy định cụ thể về công tác hậu kiểm đối với các trường sau khi thành lập. Vì vậy, nhiều cơ sở GDĐH sau nhiều năm hoạt động nhưng diện tích đất theo quy định vẫn còn rất thấp; nhiều trường vẫn phải đi thuê cơ sở đào tạo ở nhiều địa điểm khác nhau, gây khó khăn rất lớn cho việc học tập sinh viên.

Theo Nghị quyết sau phiên chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận của Quốc hội, hết 3 năm kể từ năm 2010, các trường vẫn chưa có cơ sở riêng của mình thì phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh, đình chỉ hoặc giải thể. Vậy nhưng sau nhiều đợt thanh tra, Bộ GD&ĐT vẫn chưa đưa ra danh sách các trường dự kiến phải giải thể.

Về quy mô đào tạo đại học, dù đã điều chỉnh, chú trọng hơn tới chất lượng, cơ quan giám sát vẫn “phê” tốc độ tăng quy mô trường hiện vẫn còn cao so với khả năng đáp ứng của các điều kiện bảo đảm chất lượng, dẫn đến chất lượng đào tạo còn hạn chế, đặc biệt là việc đào tạo trình độ cao.

Năm học 2011-2012, quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của các trường là 96.370 học viên, trong đó nghiên cứu sinh là 6.441 người, chiếm tỉ lệ 7% và học viên cao học là 89.923 người, chiếm tỉ lệ 93%. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong số 1002 ngành/chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ được kiểm tra, rà soát trong năm 2012 có tới 161 chuyên ngành thuộc 50 trường có đào tạo thạc sĩ không đảm bảo điều kiện theo quy định.

“Nhiều cơ sở đào tạo đã xác định năng lực đào tạo cao học, thạc sĩ vượt quá năng lực về đội ngũ, đặc biệt là ở ngành đào tạo thạc sĩ về quản trị kinh doanh. Một số trường thực hiện liên kết đào tạo thạc sĩ tại địa phương trái với quy định và không đảm bảo các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Công tác tổ chức và quản lý đào tạo tiến sĩ của nhiều cơ sở đào tạo còn thiếu sót như chưa công khai nội dung luận án, thiếu cụ thể trong khẳng định những điểm mới của luận án” – báo cáo giám sát nêu rõ.

Điểm mặt ĐH liên kết nước ngoài… bát nháo
Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận vẫn nhận nhiều chất vấn về vấn đề chất lượng giáo dục đại học.
Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận vẫn nhận nhiều "chất vấn" về vấn đề chất lượng giáo dục đại học.

Một “điểm nóng” khác từng bị “thổi còi” là hoạt động đào tạo liên thông, liên kết sai phạm, kém chất lượng. Trong báo cáo giám sát này, dù ghi nhận một số kết quả nhất định của việc này, UB Văn hóa, giáo dục vẫn chỉ rõ công tác quản lý nhà nước về các phương thức đào tạo này còn nhiều bất cập.

Nhiều cơ sở đào tạo đã lạm dụng phương thức đào tạo này để tăng nguồn thu, thậm chí một số trường còn vi phạm quy chế khi tuyển sinh học viên tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp, CĐ loại trung bình mà không cần thâm niên công tác hoặc thực hiện đào tạo vào các buổi tối hoặc ngày nghỉ cuối tuần nhưng lại cấp bằng chính quy…Nhiều chương trình đào tạo liên thông chính quy bị cắt xén một cách cơ học, không dựa trên hàm lượng kiến thức mà người học đã tích lũy ở bậc học trước đó.

Tất cả những điều này làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng của phương thức đào tạo liên thông cũng như gây bức xúc cho xã hội, nhất là đào tạo liên thông cấp bằng ĐH chính quy.

Để siết chặt quản lý đối với phương thức đào tạo liên thông, năm 2012, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 55 quy định việc tuyển sinh, đào tạo liên thông, nhất là liên thông cấp bằng chính quy được quy định rất chặt chẽ.

“Mặc dù đây là một giải pháp mạnh mẽ để bảo đảm công bằng trong giáo dục và hạn chế việc lợi dụng phương thức đào tạo này nhằm mục đích thương mại, nhưng một số quy định mới có thể khiến cho các trường gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh đào tạo liên thông” – cơ quan giám sát nêu rõ.

Về hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài, cả nước hiện có 385 chương trình liên kết đào tạo với 29 quốc gia trên thế giới được cấp phép hoạt động dưới hình thức không vì lợi nhuận và được thực hiện chủ yếu bằng nguồn kinh phí do người học đóng góp.

Đặc biệt, có 5 đại học được phân quyền tự chủ trong thẩm định, cấp phép các chương trình liên kết đào tạo cho các cơ sở thành viên trực thuộc, Bộ GD-ĐT không chịu trách nhiệm.

Công tác quản lý hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài bị “phê” còn nhiều hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra trong liên kết đào tạo với nước ngoài chưa đủ rộng khắp và kịp thời dẫn tới tình trạng liên kết “chui” không xin phép của một số đơn vị, đặc biệt là một số viện nghiên cứu tư nhân, trung tâm và một số cơ sở khác không có chức năng đào tạo, không đáp ứng được các điều kiện về liên kết đào tạo với nước ngoài.

Công tác thẩm định năng lực của đối tác liên kết còn chưa sâu sát dẫn đến có trường hợp tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài không bảo đảm, nhiều chương trình liên kết của một số trường ĐH chưa được kiểm định chất lượng nhưng vẫn được đưa vào hoạt động tại Việt Nam. Một số trường bị “điểm mặt chỉ tên” như ĐH Frederick Taylor, ĐH Quốc tế Mỹ,  ĐH Preston, ĐH Nam Thái Bình Dương, ĐH Irvine – Hoa Kỳ…

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm