Giành lại cuộc đời cho những người... không muốn sống
Là bác sĩ nhưng lại bị chính đồng nghiệp của mình kỳ thị. Điều trị cho những bệnh nhân không còn tha thiết muốn sống. Đó chính là những thầy thuốc đang làm việc ở Bệnh viện 09 (Hà Nội) - nơi tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối.
Trần gian chỉ có một bệnh viện
Bệnh viện (BV) 09 từng là nơi tiếp nhận người nhiễm HIV/AIDS là các học viên, trại viên tại các trại giam, trại tạm giam, trung tâm lao động xã hội... Sau đó, đối tượng người bệnh được mở rộng thêm những người bệnh trong cộng đồng trên địa bàn TP.Hà Nội. Ai đó đau xót nói, BV 09 chính là “bãi thải” của xã hội khi phải đón nhận những bệnh nhân mắc căn bệnh thế kỷ ở Hà Nội. Điều đó nghe cay nghiệt, nhưng có vẻ đúng bởi xuất thân của bệnh nhân rất phức tạp, có cả phạm nhân, mại dâm, dân anh chị... và phần lớn đều nghiện ma túy.
Có lẽ đây là BV duy nhất không có tình trạng quá tải bệnh nhân, không có sự xô bồ, chen lấn khi giờ thăm nom. Bãi xe hầu như chỉ có xe của cán bộ y, bác sĩ (BS) mà thôi. Nhiều lắm thì chỉ 20% bệnh nhân ở đây thi thoảng lắm mới có người thân đến đáo qua vài phút.
Những ngày đầu tiên về công tác tại BV này, BS Vũ Đức Phê - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - còn sốc bởi thái độ của người nhà bệnh nhân. Bệnh nhân nặng vừa được cấp cứu xong, còn đang thở ôxy; khi BS quay sang giường khác, quay lại đã thấy người nhà bệnh nhân vừa được cấp cứu lén chạy vào... giật ống thở ôxy để anh ta chết nhanh hơn. Ở BV này hầu như bệnh nhân nào cũng giống nhau ở bệnh tật và chung cảnh bị người thân ruồng bỏ như thế. Nhiều lần BS gọi điện cho người nhà thông báo tình hình sức khoẻ thì chỉ nhận được câu hỏi lạnh lùng: “Nó chết chưa?”.
Cũng vì không còn gì để mất như thế nên bản thân nhiều bệnh nhân cũng không còn muốn vương vấn trên cuộc đời. Họ từ chối uống thuốc, không nhận sự chăm sóc của BS. Có những người cắt mạch máu hoặc nhảy từ trên tầng 2 xuống đất tự tử. Vì thế, BS, y tá đối với họ không chỉ là người chăm sóc sức khoẻ, mà còn là người để họ trò chuyện, tâm tình.
BS Hoàng Hải Hà - khoa Nội I - cho biết: Những bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối có thể có biểu hiện cực đoan về tinh thần, tình cảm. Có người còn nói “không cần ai đến thăm hết”, có người luôn tỏ ra bất cần đời... Song, thực chất đó chỉ là vỏ bọc của họ. Trong thâm tâm nhiều người, họ thực sự muốn thay đổi hoàn cảnh. Họ tuân thủ điều trị để có sức khoẻ tốt, quyết tâm bỏ ma túy. Như cặp bệnh nhân Phương Anh và Thắng, khi được ra viện chỉ phải vào BV lấy thuốc định kỳ, họ tìm được nhà thuê, bán đồ ăn sáng. Nhưng khổ nỗi, khi làm giấy tạm trú, công an phường sở tại điều tra và biết quá khứ họ từng là người nghiện ma túy, lại nhiễm HIV. Chẳng mấy chốc, tin lan nhanh và quán ăn bị tẩy chay.
Giờ đây, hai người bệnh này lại đi tìm nhà nơi khác thuê và mở cửa hàng bán đồ lưu niệm. Là bệnh nhân ruột của BS Hà nên anh theo dõi từng bước đi của họ. “Cuộc sống khó khăn quá, hết bị người này đuổi, người kia hắt hủi, làm người lương thiện khó quá anh ơi!”. BS Hà vẫn nhớ như in câu nói của bệnh nhân Thắng! Sự kỳ thị của xã hội đã đẩy những người nhiễm HIV vào ngõ cụt. Đối với người nhiễm HIV có “quá khứ”, điều đó còn nặng nề hơn những ánh mắt xa lạ, cái lắc đầu mà năm xưa anh Hà từng gặp phải.
Bác sĩ cũng bị kỳ thị
“Duyên” của bác sĩ Hoàng Hải Hà với BV 09 như một định mệnh của số phận. Năm 2001, đang phụ trách quản lý người nhiễm HIV/AIDS, một lần BS Hà bị phơi nhiễm. 10h đêm, khi lực lượng công an vây bắt được 8 đối tượng sử dụng ma túy, đến lúc BS Hà phải lấy máu xét nghiệm cho đối tượng, anh đã bị một thanh niên 15 tuổi đâm và bơm cả xilanh máu vào người. Đau xót cho BS Hà là đối tượng này đã nhiễm HIV.
Cho đến thời điểm đó, tất cả các trường hợp phơi nhiễm đều do bị kim đâm, cắt vào tay khi mổ, hoăc do sây sát ngoài da. BS Hà là trường hợp duy nhất bị bơm thẳng 3/4ml máu vào người như thế.
Những ngày phải uống thuốc chống nhiễm, nghĩ đến người vợ trẻ và đứa con thơ chưa đầy tuổi, anh không khỏi bi quan. Viết bức di chúc ở tuổi 30, anh lao đầu làm việc như thể đó là những ngày cuối cùng trong cuộc đời mình. Lúc đó, anh chỉ biết là cần làm gì để chăm lo cho vợ con, bố mẹ và gia đình, làm những gì mình cần phải làm. Thuốc uống nhiều tác dụng phụ, khiến anh gầy rộc đi 10kg. Nhưng điều anh không khỏi chạnh lòng là trong cơ quan ai nấy đều biết thông tin anh bị phơi nhiễm. “Tin dữ đồn xa”! Thế nên dù là đồng nghiệp cùng ngành y, nhưng vẫn có không ít người kỳ thị anh. Thậm chí đến đồ dùng cá nhân của anh đặt trên bàn, họ cũng không dám cầm, không dám đụng đến.
Dùng thuốc phơi nhiễm theo chỉ định 1 tháng, 3 rồi 6, 9 và 12 tháng cũng đều cho kết quả âm tính với HIV; lúc đó, anh mới dám chắc chắn mình không bị nhiễm và lại trở về bắt đầu sống như trước. Nhưng cũng từ đó, công việc của anh đã hoàn toàn gắn với người nhiễm HIV như “duyên” và như “nợ”. Có lẽ vì cũng đã từng trong hoàn cảnh là bệnh nhân như họ, đối mặt trước cái chết, mà anh hiểu họ hơn. Thậm chí, càng tiếp xúc với họ, anh càng có tình thương, sự thông cảm với họ.
Gắn bó với bệnh viện phải thực sự tâm huyết với nghề...
Ở BV 09, có lẽ cũng là nơi duy nhất chẳng mấy khi bệnh nhân phải cầu cạnh BS. Còn BS thì cũng không có ai mở phòng mạch tư ngoài giờ, không phải họ không có tài chữa bệnh, mà bởi bệnh nhân HIV nào cũng cố gắng để vào các chương trình được tài trợ, sử dụng thuốc miễn phí. Thế nên, không dễ BS có thể làm việc và gắn bó được với nơi đây, nếu không thực sự tâm huyết với nghề và gặp những cơ duyên của mình.
Có thâm niên 4 năm làm giáo viên Trường Trung cấp dân lập Y học cổ truyền Hà Nội, BS Vũ Đức Phê chuyển về BV 09, cũng chỉ vì muốn phát triển tay nghề thông qua khám - chữa bệnh trực tiếp. Khi anh làm việc ở đây, đến bạn bè, đồng nghiệp BS như anh cũng đặt câu hỏi sao lại vào đây với ánh mắt nghi ngại. Anh cũng chỉ biết an ủi cho nỗi lo lắng không cần thiết ấy của họ bằng câu trả lời: HIV là cũng là bệnh, người nhiễm HIV cũng là người bệnh thôi. Cũng như BS Hà, anh đã may mắn hơn là có sự ủng hộ của gia đình.
Nhưng trong BV, có tới 70 - 80% anh chị em chưa có nhà ở Hà Nội. Có người lập gia đình ở xa, lên đây làm vẫn phải giấu nơi làm việc đích thực của mình với người thân. Đồng lương cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình đơn thuần. Năm 2010 có 3 BS xin chuyển đi, nhưng năm 2011, mặc dù có nhu cầu tuyển nhiều, BV chỉ tuyển được thêm duy nhất một BS chính quy.
Nói như vậy, nhưng các BS ở đây không phải chỉ có bi quan. Theo BS Hà nhận định: Trước đây, bệnh nhân nắm kiến thức về HIV rất hạn chế. BS giải thích, họ hiểu rồi nhưng lại vấp phải rào cản tiếp theo kỳ thị của cộng đồng. Họ luôn phải che giấu tình trạng bệnh tật, điều đó chỉ đẩy bệnh nhân vào chỗ gần với cái chết, vì khi đến BV bệnh đã nặng. Nhưng hiện nay, người bệnh đến gặp BS rất sớm, từ khi chưa có nhiễm trùng cơ hội để được theo dõi sức khoẻ và điều trị sớm. Trong tâm trí họ, nhiễm HIV giờ cũng không phải là chết, mà họ vẫn hy vọng. Đó cũng là niềm an ủi và là phần thưởng cho những BS lặng lẽ cùng bệnh nhân AIDS ở đây.
Hằng ngày họ vừa tiêm thuốc, khám bệnh, vừa trò chuyện với bệnh nhân. Một bệnh nhân linh tính mình không còn sống được bao lâu nên nhờ BS mua hộ một món ăn từ ngày thơ bé. Khi đó họ đều thực hiện ước nguyện của bệnh nhân. Nhìn bệnh nhân cầm món quà nhỏ, ánh mắt tha thiết, nhiều người không khỏi bật khóc. Ngày hôm sau, bệnh nhân ấy vĩnh viễn ra đi, nhưng chắc hẳn trong lòng đã thanh thản vì trong lúc cuối cuộc đời vẫn có được những BS đã tâm huyết gắng lòng cứu sống và đem niềm vui dù nhỏ bé cho họ trong cuộc đời này.
Theo Quang Duy
(Lao động)