1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Gian nan tìm giọt nước

(Dân trí) - Những ngày này đến thôn 16 (xã cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), hình ảnh đập ngay vào mắt là những giếng sâu cạn trơ đáy và những chiếc máy khoan “cần mẫn” xoáy sâu vào lòng đất tìm từng giọt nước.

Thôn 16, xã Cẩm Quan với 140 hộ dân nằm ở phía tây gần khe Đá Hàn, đây là một địa bàn có địa hình cao nhất so với 15 thôn còn lại của xã. Vì vậy, hàng năm cứ đến mùa hè là hầu như nhà nào cũng thiếu nước. Một số hộ ở phía dưới thấp hơn may mắn có nước thì trở thàng “giếng làng” cho các hộ khác đến xin.
 
Gian nan tìm giọt nước - 1
Giàn máy khoan của gia đình anh Mến “cần mẫn” xoáy sâu vào lòng đất tìm kiếm giọt nước.
 
Chị Trần Thị Lựu, người dân thôn 16, nói: “Giọt nước hiếm hoi lắm chú ạ, quý hơn cả vàng nữa. Cả ngày loay hoay chở được mấy can nước là hết buổi, không làm được việc gì. Mà đi xin cũng ngại lắm, người ta không muốn cho vì sợ rồi đến lượt giếng họ cũng cạn mất”.
 
Giếng đào nơi đây sâu hơn rất nhiều so với những nơi khác. Độ sâu từ 15-20m, nhìn xuống thấy sâu thẳm, tối om mà cũng chỉ có nước về mùa mưa. Nhiều nhà đào được cái giếng phải mất gần tháng trời. Tốn sức, tốn tiền mà vẫn chung cảnh khát nước khi mùa hè đến.
 
Gian nan tìm giọt nước - 2

Suốt mùa hè loay hoay với việc kiếm tìm giọt nước.
 
“Cứ vào mùa hè là hơn nửa hộ dân của thôn thiếu nước, giếng đào 15-20m mà vẫn cạn trơ đáy. Nước sinh hoạt chính là vấn đề cấp bách nhất của thôn từ xưa đến nay” - trưởng thôn 16, ông Nguyễn Đình Thọ, cho biết.

Để khắc phục tình trạng thiếu nước dai dẳng vào mùa khô, từ đầu năm đến nay nhiều hộ dân nơi đây đã “liều” vay tiền ngân hàng, dành dụm, tích góp, vay mượn thêm người thân… để thuê máy khoan về khoan giếng. Chi phí cho một chiếc giếng khoan ở đây khá lớn, rẻ cũng hơn 10 triệu đồng, nhưng không chắc cứ khoan là có nước.

Bà Lê Thị Lan nhà ở cuối thôn, nơi có địa hình cao nhất làng, cứ mùa hè đến lại phải xách can đi xin nước rất khổ. “Tháng 3 vừa rồi nhà tui thuê máy khoan về khoan đến 48m mới có nước. Cả nhà hồi hộp chờ đợi, đến khi nghe nói đã có nước vui hơn được vàng. Tối bữa đó tui cho làm một bữa liên hoan luôn” - bà Lan vui mừng kể lại.
 
Khi chúng tôi đến, nhà anh Nguyễn Văn Mến đang vang tiếng máy nổ xình xịch. Rất đông người tới xem nhà anh khoan giếng. Anh Mến cho biết máy hiện đã khoan đến độ sâu 36m mà vẫn chưa có nước và quyết tâm phải khoan cho bằng được có nước mới thôi. Anh tính nhẩm giếng bà Lan 48m hết 16 triệu đồng, nhà anh cũng phải mất chừng ấy. Tốn lắm nhưng cũng cố phải lo.
 
Gian nan tìm giọt nước - 3
Bà Lê Thị Bình bên túi nước tự tạo
 
Ông Nguyễn Đình Thọ, trưởng thôn 16, cho biết hiện nay toàn thôn đã có trên chục hộ dùng giếng khoan. Chi phí cho một giếng khoan dao động từ 10-16 triệu tùy độ sâu. Đáng buồn là một số giếng khoan, nước sau khi nấu lên thấy màu đỏ rất đáng sợ. Dù nước không đảm bảo vệ sinh nhưng có còn hơn không. Mùa khô này chính là mùa của “chiến dịch giếng khoan” nơi đây.
 

“Năm 2007, dự án nước sạch lấy từ đập khe Đá Hàn của xã Cẩm Quan được đưa vào sử dụng. Toàn xã có 16 thôn với hơn một nghìn hộ, 6.800 nhân khẩu. Nhưng chỉ có thôn 16 này với tổng số 140 hộ gần 800 nhân khẩu là không được hưởng dự án đó. Chúng tôi đã nhiều lần thắc mắc, đề xuất với UBND xã trong các cuộc họp nhưng đều không được chấp nhận. Họ trả lời do thôn chúng tôi có địa hình cao hơn so với mặt nước của đập nước Đá Hàn, dân lại thưa, trải ra trên diện rộng nên chi phí kéo đường ống lên quá lớn mà xã không đủ kinh phí. Nếu kéo lên cũng sợ nước không thể lên nổi độ cao đó” - Ông Thọ cho biết.

  
 Quốc Tuấn - Duy Thảo