1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giảm giá kịch khung, BOT Cai Lậy thu phí trở lại từ 14/2

(Dân trí) - Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trạm BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) sẽ thu phí trở lại từ 14/2 tới đây. Giá vé áp dụng được giảm kịch khung, trong đó các phương tiện nhóm 1 còn 15.000 đồng/vé/lượt. Các phương án đảm bảo an ninh trật tự sẽ được triển khai khi trạm thu phí này hoạt động trở lại.

Dự án BOT Cai Lậy có tổng mức đầu tư 1.398 tỷ đồng. Việc thu phí bắt đầu từ đầu tháng 8/2017 nhằm hoàn vốn đầu tư cải tạo, tăng cường mặt đường 26,4 km quốc lộ 1 qua Tiền Giang và đoạn qua thị xã Cai Lậy dài 11,1 km, sửa chữa 14 cầu kết hợp xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1 km. Tuy nhiên, mức phí và vị trí đặt trạm được cho là vấn đề khiến người dân phản ứng dẫn tới “vỡ” trạm và trạm phải tạm dừng thu phí cho đến nay.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản chỉ đạo về việc xử lý vướng mắc tại trạm thu phí của các dự án BOT giao thông. Trong đó, đối với dự án đầu tư quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy (Tiền Giang).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) triển khai theo phương án giữ nguyên trạm như hiện nay, thực hiện giảm giá vé. Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm phối hợp với các địa phương liên quan triển khai đảm bảo giao thông thông suốt trên toàn tuyến của dự án.

Cai Lay.jpg
Trạm BOT Cai Lậy sẽ thu phí trở lại từ ngày 14/2/2019

Về BOT Cai Lậy thu phí trở lại, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã khẩn trương làm việc với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và chính quyền địa phương để thống nhất các phương án về việc giảm giá vé, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông để dự án thu phí trở lại từ 0h ngày 14/2.

Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ngày 15/1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã làm việc với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, chính quyền địa phương và thống nhất đề nghị Bộ GTVT phương án giảm giá và thu phí trở lại tại trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang).

Mức giá vé áp dụng như sau: Đối với nhóm phương tiện loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng) là 15.000 đồng/vé/lượt, giảm 58% so với mức thu ban đầu (35.000 đồng/vé/lượt). Mức giá vé lượt áp dụng cho các nhóm phương tiện khác cũng giảm từ 40 - 60% so với mức giá ban đầu; mức vé tháng, vé quý cũng giảm tương ứng.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản báo cáo, đề xuất Bộ GTVT chấp thuận phương án giảm giá vé tại dự án. Sau khi cập nhật lại phương án tài chính, thời gian thu phí của dự án dự kiến là 15 năm 9 tháng.

Cơ quản lý đường bộ cũng kiến nghị Bộ GTVT mở rộng phạm vi miễn, giảm giá vé đối với phương tiện của người dân xung quanh trạm Cai Lậy ở bán kính 10km, thay vì 4km như trước đây, gồm: xã Phú An, Bình Phú, Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy); xã Long Khánh, phường 2 (TX.Cai Lậy); xã An Cư, xã Mỹ Hội (huyện Cái Bè). Các loại xe buýt và phương tiện không sử dụng để kinh doanh được giảm 100% giá vé, còn lại các phương tiện sử dụng để kinh doanh giảm 50% giá vé.

Chiều 16/1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã làm việc với chính quyền địa phương, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án về các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông để trạm BOT Cai Lậy thu phí trở lại từ 0h ngày 14/2.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản đề nghị Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) phối hợp đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 1 qua TX.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Trước đó, tháng 9/2018, UBND Tiền Giang cũng có có văn bản gửi Bộ GTVT và đề xuất 2 phương án xử lý dự án BOT Cai Lậy:  Phương án 1, giữ nguyên vị trí trạm BOT hiện hữu, giảm phí tối đa phương tiện nhóm 1 từ 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt, mở rộng phạm vi giảm phí với người dân khu vực lân cận 10 km.

Phương án 2, xây thêm một trạm trên tuyến tránh và thu cả hai trạm ở tuyến tránh và tuyến chính. Phương tiện lưu thông tuyến nào thu tuyến đó và hoàn vốn của tuyến đó. Mức phí cả hai bằng nhau và như mức phí hiện hữu, mở rộng phạm vi giảm phí với người dân khu vực lân cận 10km.

Châu Như Quỳnh