Bình Định:
Giám đốc "mất tích", quỵt tiền tỷ của công nhân
(Dân trí) - Nợ lương công nhân nhiều năm không trả, công ty bị ngân hàng siết nợ, giám đốc cũng "lặn mất tăm". Hàng trăm công nhân nghèo không chỉ bỗng dưng thất nghiệp mà còn bị "quỵt" tiền lương.
Đó là tình cảnh của hơn 200 công nhân Công ty TNHH thương mại Phước Thịnh (thôn Hòa Hội, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát). Giám đốc điều hành công ty này ông Võ Văn Tư "bỗng dưng" biến mất khiến người lao động bức xúc gửi đơn khiếu kiện lên cơ quan chức năng địa phương cầu cứu.
Công ty TNHH thương mại Phước Thịnh là một trong những doanh nghiệp tư nhân có quy mô sử dụng lao động lớn nhất đóng trên địa bàn huyện Phù Cát (Bình Định). Năm 2004 công ty đi vào hoạt động, mặt hàng xuất khẩu chính là bàn ghế ngoài trời.
Theo lời kể của các công nhân, giai đoạn đầu mới đi vào hoạt động, việc làm ăn thuận lợi, tiền lương công nhân được trả khá sòng phẳng. Tuy nhiên, giữa năm 2010, việc kinh doanh có vấn đề, công ty bắt đầu lâm vào khủng hoảng kinh tế. Từ đó, việc chi trả lương cho người lao động cứ bị khất lần cho đến khi khoản nợ lên đến hơn 1 tỷ đồng.
Nhưng vì miếng cơm manh áo, công nhân vẫn cố gắng đi làm, bất chấp việc bị chậm hoặc thậm chí không được thanh toán lương. Chỉ đến khi có người lạ đến đưa máy móc, thiết bị của công ty đi, 200 công nhân mới ngơ ngác đi tìm giám đốc và hoảng hốt biết ông này đã biến mất.
Anh Vương Minh Trị bức xúc nói: “Ngay cả khi công ty gặp khó khăn chúng tôi vẫn cố gắng làm vì ông Tư (giám đốc) hứa sẽ trả lương đầy đủ. Nào ngờ đùng một cái công ty bị niêm phong, còn ông giám đốc thì bỏ trốn. Tính cả công ty hơn 200 công nhân chúng tôi đã bị cướp trên 1 tỷ đồng. Có người còn bị công ty "quỵt" nợ cả hơn 60 triệu. Riêng vợ chồng tôi ít cũng hơn 7 triệu. Nhiều lần chúng tôi gọi điện đòi nợ, ông Tư hứa tuần sau sẽ trả đến nay cả năm trời cũng mất hút”.
Hay như trường hợp hai mẹ con chị Võ Thị Hồng Nga cùng làm ở khu vực độc hại là phân xưởng sơn. Khoảng giữa năm 2012, anh Bùi Tri Thiên - con trai chị Nga phải vào Quy Nhơn chữa trị vì chứng dịch tràn màng phổi. Bác sĩ phát hiện những mảng bụi sơn dính chặt bên trong. Chị Nga phải gọi điện khẩn cầu ông Tư trả số tiền 10 triệu đồng nhưng ông này không nghe máy. “Biết làm ở bộ phận xưởng sơn là độc hại nhưng vì đồng tiền nên vẫn cố gắng làm. Đến khi con tôi bị bệnh nặng, không có tiền chữa trị nhưng ông Tư vẫn vô cảm không chịu trả dù chỉ một xu”, chị Nga bức xúc.
Không chỉ "quỵt" nợ công nhân, qua tìm hiểu Cty Phước Thịnh còn ăn bớt tiền bảo hiểm xã hội của người lao động. Dẫn chứng việc này, anh Vương Minh Trị nói: “Công ty trích lương của công nhân, đóng bảo hiểm gần 4 năm, song thực tế, họ chỉ nộp BHXH Phù Cát 14 tháng, từ 10/2007 đến 12/2008”.
Thậm chí, quỹ Công đoàn Cty mỗi năm thu vài chục triệu, phòng khi có công nhân ốm đau lấy tiền mua quà thăm hỏi hay dịp tết trích tiền mua quà cho những công nhân có hoàn cảnh nghèo, cũng bị Cty chiếm dụng.
Doãn Công