1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xét xử vụ tham ô tại Vinapco:

Giám định “quy” lời lãi thành… thiệt hại?

(Dân trí) - Phần xét hỏi về những hành vi “gửi giá”, khống giá, nhập nhèm phong bì giữa lãnh đạo Công ty xăng dầu hàng không (Vinapco) với doanh nghiệp vận chuyển bắt đầu sáng 14/5. Các bị cáo nhất loạt phản ứng với căn cứ buộc tội duy nhất - phương thức giám định thiệt hại.

Nguyễn Viết Hoa, nguyên trưởng phòng kinh doanh xuất nhập khẩu của Vinapco là người đầu tiên bị thẩm vấn cũng là bị cáo được coi là giữ vai trò chủ chốt trong vụ án.

Hoa bị quy kết, từ năm 1996 đến 2003, đã đại diện cho Vinapco ký 66 hợp đồng với Lê Tuấn Long, giám đốc công ty TNHH Bảo Anh về các thương vụ chuyển tải xăng dầu.

Với việc được tạo điều kiện “ưu đãi” về tỷ lệ hao hụt dầu trong chuyển tải, cước phí khống, Công ty Bảo Anh phải “lại quả” cho Hoa nhiều tỷ đồng.

Tuy nhiên, Hoa không được hưởng trọn mà phải chia theo tỷ lệ phần trăm cho “bộ sậu”. Trong đó Lê Anh Văn, nguyên giám đốc xí nghiệp xăng dầu hàng không miền nam là người dẫn mối và làm việc trực tiếp được hưởng phần 40% số tiền “lại quả” tính trên mỗi lít dầu.

Với 60% còn lại, Hoa phải chia cho Trần Minh - Nguyên giám đốc Vinapco, Lê Mạnh Hà - nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, Lương Văn Hưng - Ban kinh doanh. Hoa khai, trong số tiền được “lại quả” đã chia cho Lê Mạnh Hà khoảng 1,8 tỷ đồng, Hoa và Minh mỗi người khoảng 5 tỷ.

Mặc dù thừa nhận các hành vi nhận tiền, chia tiền nhưng Hoa cho rằng tất cả là “đã làm đúng phận sự” theo chỉ đạo của cấp trên. Bị cáo “cãi lý”, chỉ đứng ra giúp việc lập hợp đồng, mọi điều khoản (tỷ lệ hao hụt, phương thức vận chuyển toàn phần hay “sang mạn” tàu, mức cước phí…) đều do Lê Văn Anh thỏa thuận với Lê Tuấn Long.

Những “sơ suất” xảy ra cũng được Hoa đổ tội cho Giám đốc quản lý việc xuất nhập xăng dầu vào 2 kho hàng tại Vũng Tàu - Trần Minh. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã quyết định đình chỉ vụ án đối với Trần Minh do mắc bệnh tâm thần.

Ngoài ra, Hoa cũng thừa nhận đã nhiều lần nhận tiền phong bì của Long vào các dịp lễ tết, ít nhất là 500.000 đồng, nhiều là khoảng 1 - 2 triệu đồng. Tuy nhiên, bị cáo khẳng định, đây không phải là tiền hối lộ mà là: “Anh em quý mến nhau vì đã làm việc lâu dài”.

Nguyên trưởng phòng kinh doanh tỏ ra sốt ruột, nhanh nhảu “bỏ qua” nhiều phần câu hỏi của tòa, liên tục xoay qua vấn đề giám định thiệt hại trong vụ án. Theo bị cáo, vì xác định có thiệt hại, các bị cáo mới bị truy tố, đây là căn cứ buộc tội duy nhất.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, phía Vinapco đã “bật đèn xanh” để các tàu vận chuyển thuê của Công ty TNHH Bảo Anh lấy xăng dầu từ mạn tàu nước ngoài, chở thẳng đến khu vực tiêu thụ ở miền Trung, miền Bắc mà không đổ về 2 kho hàng tại Vũng Tàu theo hợp đồng vận chuyển toàn phần. Nguyễn Viết Hoa cho rằng, việc làm “linh động” này đã tiết kiệm, làm lợi được cho nhà nước hàng chục tỷ đồng chứ không phải gây thiệt hại như quy kết.

HĐXX cũng không giấu băn khoăn về tính khách quan, chính xác của công tác giám định, đánh giá thiệt hại trong vụ án. Các bị cáo khác và luật sư cũng phản ứng dữ dội về vấn đề này.

Tổng thiệt hại về vật chất của vụ án này được xác định là hơn 40 tỷ đồng, trong đó phần lớn thiệt hại liên quan đến vấn đề hao hụt trong chuyển tải dầu. Theo kết luận của cơ quan giám định, đã có 3 phương án thiệt hại được đưa ra, và cuối cùng chọn phương án tính thiệt hại “bình quân” của 3 mức để quy trách nhiệm cho các bị cáo.

Tại phiên tòa, giám định viên thừa nhận dự định trưng cầu giám định của cơ quan điều tra nhưng không đủ tài liệu nên mới đưa ra 3 phương án nói trên. Mặt khác, giám định là hoạt động độc lập nhưng đã có hiện tượng “xin ý kiến” của phía bị hại và áp dụng một số văn bản đã hết hiệu lực.

Chủ tọa cho rằng Tòa căn cứ vào thiệt hại để xử nhưng ngay cả kết quả thiệt hại vẫn chưa “chuẩn” thì việc xét xử khó khách quan, công bằng. Do đó, Tòa yêu cầu giám định viên phải làm rõ các căn cứ trong cách tính thiệt hại rồi mới tiếp tục xét xử.

P.Thảo