1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giải trình ý kiến cử tri về chủ quyền biển đảo

(Dân trí) - Quản lý tài nguyên và bảo vệ chủ quyền biển, đảo; hỗ trợ tàu đánh bắt xa bờ để ngư dân tiếp tục ra khơi; kiểm tra việc xử lý các vụ án tham nhũng… là những nội dung kiến nghị của cử tri đã được giải quyết nửa năm qua.

Theo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trong kỳ họp thứ 4 (tháng 11/2012), UB Thường vụ Quốc hội cho biết, trong cả kỳ họp có gần 1.500 kiến nghị của cử tri cả nước đã được phân loại, gửi đến cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết, trả lời. Trong đó, có 160 kiến nghị gửi đến các cơ quan của Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội; hơn 1.300 kiến nghị gửi đến Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ; 13 kiến nghị gửi đến TAND tối cao; 5 kiến nghị gửi đến VKSND tối cao.

Nội dung các kiến nghị liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó chủ yếu là về tiếp tục ban hành các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai; tăng cường quản lý, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là giá xăng, dầu, điện, gạo; hoạt động của các ngân hàng thương mại, giải quyết nợ xấu; tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng; xóa đói, giảm nghèo…
 
Giải trình ý kiến cử tri về chủ quyền biển đảo
Các kiến nghị của cử tri về việc hỗ trợ ngư dân để tiếp tục ra khơi, bảo vệ chủ quyền đã được tiếp thu, giải quyết.

Khái quát kết quả giải quyết các kiến nghị, báo cáo giám sát nêu rõ, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời đủ 160 kiến nghị. Các kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được chuyển cho UB sửa đổi Hiến pháp nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ, cụ thể, thấu đáo những vấn đề cử tri có ý kiến, kiến nghị để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 này.

Các kiến nghị về liên quan đến lĩnh vực đất đai như thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, đất nông nghiệp trong khu vực đô thị; thẩm quyền công nhận quyền sử dụng đất; các quy định liên quan đến thu hồi đất, giải quyết tranh chấp đất đai… đã được tiếp thu, thể hiện trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Cụ thể, có 722 kiến nghị đã được nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết về các nội dung như hỗ trợ nhà ở cho các gia đình chính sách, người có công; tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo; về nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo; giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản ở các địa phương; phối hợp quản lý tài nguyên và bảo vệ chủ quyền biển, đảo…

Có 198 kiến nghị đang nghiên cứu, giải quyết với nội dung về giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước; về quản lý các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; hoàn thiện quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai…

Có 21 kiến nghị Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương để nghiên cứu giải quyết như việc hỗ trợ về lãi suất cho vay đối với các dự án đóng tàu đánh bắt xa bờ để ngư dân có điều kiện phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Cơ quan chức năng cũng thực hiện một số chuyên đề giám sát công tác điều hành của Chính phủ, các bộ ngành như việc miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh; khắc phục tình trạng lạm thu. Cùng chuyên đề này, Bộ GD-ĐT tích cực chỉ đạo, tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm và việc thu, chi các khoản ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh.

Mảng kiến nghị gửi tới TAND tối cao, cơ quan này cũng khẳng định đã xem xét giải quyết toàn bộ 13 chất vấn gửi tới về việc đề ra các biện pháp chấn chỉnh và khắc phục tình trạng xét xử oan, sai; kiểm tra việc xử lý các vụ án tham nhũng, mức hình phạt đối với các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vinashin.
 

Đối với việc giám sát, giải quyết một số vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần, UB Thường vụ Quốc hội điểm qua công tác gỡ khó cho người dân tái định cư khi bị thu hồi đất để xây dựng công trình thủy điện.

Theo thống kê, cả nước hiện có trên 1.000 dự án thủy điện được quy hoạch xây dựng, trong đó có 47 dự án thủy điện vừa và lớn. Tính riêng 23 dự án cho tập đoàn Điện lực EVN làm chủ đầu tư đã có gần 86.000 ha đất được thu hồi, làm gần 200.000 người phải di dời, tái định cư.

Đới sống người dân tại nhiều vùng tái định cư đặc biệt khó khăn khi thiếu đất sản xuất, đất dốc, đất cằn, xa nguồn nước, khó canh tác, nhà ở được xây dựng không phù hợp, cơ sở hạ tầng thiết yếu như bệnh viện, trường học thiếu thốn… Có những nơi, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến hơn 50%...

Quá trình giải quyết, với các dự án quan trọng quốc gia như dự án Thủy điện Tuyên Quang, Sơn La, Thủ tướng đã ban hành các quyết định riêng về bồi thường, di dân tái dịnh cư cho từng dự án. Nhà nước cũng ban hành cơ chế đặc thù “hậu tái định cư” đối với những công trình thủy điện đã xây dựng trước đây như Hòa Bình, Thác Bà, Ialy, Bản Vẽ…

P.Thảo