“Giải thể, chuyển đổi các PMU là phù hợp”

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Liên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, khẳng định, thông tư 02 tập trung vào việc giải thể, chuyển đổi các ban quản lý dự án của các bộ, ngành, địa phương.

Cụ thể đối với những Ban quản lý dự án kiểu chuyên nghiệp sẽ có lộ trình giải thể, chuyển đổi như thế nào, thưa ông?

 

Thông tư nêu rõ, chỉ với những ban quản lý dự án có dự án hoàn thành trong năm 2007 thì mới được tồn tại nhưng phải sắp xếp, củng cố lại rồi sau đó cũng phải giải thể, chuyển đổi thành công ty tư vấn. Còn lại các ban quản lý dự án chuyên nghiệp khác đều phải giải thể hoặc chuyển đổi thành các công ty tư vấn ngay.

 

Mục tiêu mà Thông tư 02 hướng đến là gì?

 

Phải nói rằng hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình chủ yếu phụ thuộc vào công tác quản lý của chủ đầu tư. Cho nên vai trò của quản lý dự án đặc biệt quan trọng, đòi hỏi quản lý phải có nghề. Và lần này Thông tư 02 đặt ra vấn đề giải quyết dứt điểm tình trạng các ban quản lý dự án đồng thời làm chủ đầu tư đang tồn tại bấy lâu tại các bộ, ngành, địa phương.

 

Như vậy, ngoài việc xóa được tình trạng khép kín trong đầu tư xây dựng cơ bản, chúng ta còn cho ra đời những doanh nghiệp quản lý dự án chuyên nghiệp hoạt động cạnh tranh. Do đó chất lượng, hiệu quả của các dự án sẽ được nâng cao.

 

Như ông nói thì quan điểm của Thông tư tập trung giải quyết việc xác định lại vai trò “ông chủ” và “người làm thuê” để nâng cao chất lượng quản lý dự án?

 

Chúng tôi muốn phân định rõ ràng vai trò của chủ đầu tư và ban quản lý dự án. Làm như vậy tránh được tình trạng khép kín trong đầu tư xây dựng cơ bản.

 

Chủ đầu tư có thể thành lập ban quản lý dự án rồi sau đó giải thể khi Ban thực hiện xong dự án. Ban không thể nắm vai trò của chủ đầu tư như ký duyệt, điều chỉnh đầu tư, thiết kế, thanh quyết toán...

 

Song, chủ đầu tư cũng có thể thuê đơn vị tư vấn quản lý dự án. Đơn vị này có chuyên môn nghiệp vụ hay nói cách khác là có tính chuyên nghiệp cao trong quản lý dự án.

 

Việc chuyển đổi, giải thể cùng lúc rất nhiều ban quản lý dự án như vậy liệu có quá gấp và dễ xảy ra tình trạng ách tắc dòng vốn đầu tư, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước?

 

Nếu nói là gấp thì không đúng bởi Nghị định 16 ra đời cách đây 2 năm rồi. Rõ ràng các bộ, ngành, địa phương cũng phải có sự chuẩn bị. Hơn thế, khi Luật Xây dựng ra đời, chúng tôi cũng đã tập huấn tại các địa phương. Vì lẽ đó nếu các đơn vị được giao vốn có ý thức đưa dự án hoàn thành có hiệu quả thì họ phải có sự chuẩn bị sẵn sàng. Hạn cuối trong năm 2007 phải chuyển đổi các ban quản lý dự án là phù hợp.

 

Có thể nói mô hình chuyển đổi của chúng ta là tiến bộ, nhưng trong nghiên cứu mới đây, Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) có khuyến cáo rằng, nếu chúng ta chuyển đổi các ban quản lý dự án thành các công ty tư vấn vào thời điểm hiện tại là chưa phù hợp. Ông có bình luận gì về việc này?

 

Đến giờ chúng ta mới chuyển đổi mô hình ban quản lý dự án thành công ty tư vấn, nhưng trên thực tế thì chúng ta đã có rất nhiều công ty tư vấn được ra đời và hoạt động từ rất lâu rồi. Vậy nên theo tôi, việc chuyển đổi này sẽ không có ảnh hưởng gì.

 

Theo Phùng Sưởng
 Tiền Phong