Giải ngân đầu tư công thấp: Cán bộ thận trọng, sợ sai?

Hoàng Lam

(Dân trí) - Đến ngày 20/11, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công tập trung của tỉnh Nghệ An mới đạt 52,64%, thấp hơn nhiều so với dự kiến kế hoạch giao đầu năm (92,59%).

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, tính đến ngày 20/11, tỉ lệ giải ngân tổng vốn đầu tư công tập trung mới đạt 52,64% kế hoạch. Trong khi đó, dự kiến kế hoạch giao đầu năm 2022 là 92,59%.

Cụ thể, giải ngân từ nguồn ngân sách Trung ương đạt 53,45%, nguồn ngân sách địa phương đạt 50,39%. Nếu tính cả nguồn ngân sách Trung ương, nguồn chương trình mục tiêu quốc gia mới giao thì tỉ lệ giải ngân chung đạt 41,03%.

Giải ngân đầu tư công thấp: Cán bộ thận trọng, sợ sai? - 1

Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An (Ảnh: Hoàng Lam).

Từ đầu tháng 11, tỉnh Nghệ An ban hành nhiều văn bản đôn đốc, thành lập các tổ công tác kiểm tra thực tế hiện trường 24 dự án, làm việc với 13 địa phương và một số chủ đầu tư hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân đầu tư công trên địa bàn vẫn chưa có bước đột phá.

Tính đến 15/11, còn 5 đơn vị chưa có dự án nào hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để giao vốn là các huyện: Kỳ Sơn, Thái Hòa; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo.

Nguyên nhân giải ngân đầu tư công đạt thấp đã được UBND tỉnh chỉ ra. Trong đó nguyên nhân chính là công tác giải phóng mặt bằng, khâu chuẩn bị hồ sơ đầu tư dự án mới còn yếu kém. Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân khác như giá vật tư, nguyên, vật liệu san lấp, xăng, dầu đều tăng mạnh khiến các nhà thầu gặp khó, phải chờ trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh lại tổng mức đầu tư...

Giải ngân đầu tư công thấp: Cán bộ thận trọng, sợ sai? - 2

Tính đến cuối tháng 11, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Nghệ An mới được hơn một nửa (Ảnh minh họa: Q.An).

Giải ngân vốn đầu tư công quá chậm cũng là vấn đề được các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đưa ra phân tích, mổ xẻ tại kỳ họp thứ 11 vừa qua.

Đại biểu Nguyễn Duy Cần (TP Vinh) cho rằng, bên cạnh các nguyên nhân đã được chỉ ra, thì có nguyên nhân cán bộ thẩm định, thẩm tra dự án thận trọng quá mức.

Theo ông Nguyễn Xuân Đức - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm, ngoài số dự án nhiều (chiếm hơn 50%) trong khi đây là năm đầu triển khai phân bổ các nguồn vốn nên còn nhiều thủ tục thì còn có các nguyên nhân chủ quan, trong đó có công tác thẩm tra của các đơn vị thận trọng hơn.

Giải ngân đầu tư công thấp: Cán bộ thận trọng, sợ sai? - 3

Ông Nguyễn Xuân Đức - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An trả lời một số vấn đề đại biểu nêu liên quan đến tỉ lệ giải ngân đầu tư công thấp (Ảnh: Hoàng Lam).

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung thẳng thắn nhìn nhận: Quá trình giải quyết các thủ tục, từ chủ đầu tư bao gồm các sở, ban ngành, địa phương chưa có sự phối hợp. Ở một số trường hợp, lãnh đạo, người có trách nhiệm của các ngành, các địa phương, đặc biệt là các cán bộ trong cấp ủy chưa tham gia lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, chưa chủ động, quyết liệt, còn coi đó là việc của chính quyền, của chủ đầu tư...

Bản thân ông Trung, với tư cách là đại biểu của tại đơn vị bầu cử huyện Nam Đàn, cũng cảm thấy trăn trở và thấy rõ trách nhiệm của mình khi đây là một trong những địa phương có tỉ lệ giải ngân đầu tư thấp của tỉnh Nghệ An.

Giải ngân đầu tư công thấp: Cán bộ thận trọng, sợ sai? - 4

Đại biểu Nguyễn Duy Cần cho rằng giải ngân đầu tư công có nguyên nhân từ sự thận trọng quá mức của cán bộ thẩm định, thẩm tra dự án (Ảnh: D.H).

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng cho rằng tỉ lệ giải ngân đầu tư công thấp cũng liên quan đến câu chuyện cải cách hành chính. Dù có chuyển biến, có tích cực hơn nhưng nhiều thủ tục hành chính giữa các ngành, các địa phương đối với doanh nghiệp và người dân nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

"Trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều vấn đề liên quan đến sai phạm của cán bộ bị xử lý, thậm chí là xử lý pháp luật dẫn đến tâm lý sợ, ngại, thận trọng", ông Nguyễn Đức Trung nói.