1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Giải “khát” nước sạch

Việc cung cấp nước sạch đến các vùng nông thôn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Giải “khát” nước sạch   - 1

Vận hành máy bơm nước tại Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch số 3. Ảnh: Hồng Hạnh

 

Nếu như trước đây chỉ có khoảng 1.800 hộ dân ở thị trấn Ninh Giang được sử dụng nước sạch thì hiện nay hơn 12 nghìn hộ dân ở 6 xã Hiệp Lực, Đồng Tâm, Hồng Dụ, Hồng Thái, Vĩnh Hòa, Ninh Thành đang “đón” nước sạch về làng.

 

Những ngày này, khi công trình hệ thống cấp nước sạch liên xã của Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hải Dương với tổng vốn đầu tư trên 28 tỷ đồng đang dần hoàn thiện thì niềm mong mỏi được sử dụng nguồn nước bảo đảm vệ sinh của người dân đã trở thành hiện thực. Nguồn nước sẽ được lấy từ sông Luộc, xử lý tại Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch số 3 rồi đưa về 6 xã kể trên. Do lắp đặt cùng đường ống với cụm công nghiệp Nghĩa An, được hoàn thành trước tiên nên gia đình bà Đào Thị Phiến ở thôn Đông Tân, xã Ninh Thành là một trong những hộ sử dụng nước sạch đầu tiên của công trình. Bà Phiến cho biết: “Từ trước đến nay, gia đình tôi cũng như các hộ trong làng đều dùng nước giếng khoan. Nước bị nhiễm phèn nên tôi luôn lo lắng. Từ khi sử dụng nước máy, gia đình tôi thấy yên tâm hơn, nước chảy mạnh, trong và không còn mùi tanh như nước giếng”. Không chỉ gia đình bà Phiến mà nhân dân trong xã Ninh Thành ai nấy đều phấn khởi khi có nước sạch để sử dụng.  

 

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch số 3 cho biết: “Bắt đầu khởi công từ tháng 6 năm nay nhưng đến đầu tháng 9 xí nghiệp đã thi công xong phần đường trục và cấp nước cho cụm công nghiệp Nghĩa An. Hiện nay, hệ thống trục các xã đã cơ bản hoàn thành và đang tiến hành sục, xả, đấu nối cụm đồng hồ vào các gia đình”. Mặc dù những xã trên đều là xã thuần nông, từ lâu người dân có thói quen chỉ dùng nước mưa và nước giếng khoan nhưng khi dự án được triển khai thì bà con rất hưởng ứng việc đưa nước sạch vào sinh hoạt. Tính đến ngày 21-11, đã có hơn 1.000 hộ dân đăng ký, nộp tiền để đấu nối nước sạch về nhà và số hộ đăng ký sử dụng nước sạch đang tăng lên từng ngày. Để đáp ứng nhu cầu cấp bách về nước sạch của người dân, hiện nay, xí nghiệp đang tiến hành cải tạo, lắp đặt dây chuyền công nghệ, nâng công suất trạm bơm cấp 2 từ 3.000 lên 6.000 m3/ngày đêm. Theo kế hoạch, sau khi dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng, xí nghiệp sẽ phối hợp với các đơn vị khác thuộc Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hải Dương khảo sát, thi công lắp đặt hệ thống đường ống cung cấp nước tới các xã Hồng Phong, Ninh Hải, Kiến Quốc.

 

Tuy nhiên, có một bộ phận người dân ở nông thôn vẫn chưa mặn mà với nước sạch. Đang sử dụng nước mưa và nước giếng khoan, họ đắn đo, tính toán khi  phải bỏ ra 1,2 triệu để được sử dụng nước sạch. Thêm vào đó, hằng tháng, mỗi gia đình còn phải dành một khoản tiền không nhỏ để mua nước nên sẽ rất khó khăn, nhất là với những gia đình kinh tế khó khăn. Mặc dù đã đăng ký và nộp tiền để đưa nước sạch về nhà nhưng chị Đào Thị Lụa (ở xóm 5, thôn Trung, xã Hiệp Lực) vẫn băn khoăn: “Nhà có 4 người nên hằng tháng sẽ dùng hết ít nhất 20m3 nước sạch, như vậy tính ra mỗi tháng hơn trăm nghìn tiền nước chứ đâu có ít. Mặc dù công ty có hỗ trợ những hộ đăng ký sớm là 139 nghìn đồng/hộ, nhưng từng đó cũng không đáng kể". 

 

Môi trường nước đang ngày càng ô nhiễm khiến nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trở nên bức thiết. Việc cung cấp nước sạch đến các vùng nông thôn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, nâng cao tỷ lệ gia đình sử dụng nước sạch sẽ thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Tuy nhiên, để làm được điều đó, bên cạnh việc bảo đảm chất lượng nước thì các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch cần có những phương án cụ thể như lắp đặt thiết bị theo hình thức trả chậm, hỗ trợ những gia đình khó khăn, áp dụng mức giá phù hợp với từng địa phương… để việc sử dụng nước sạch được đồng bộ, tránh tình trạng đồng hồ “treo” (lắp đặt nhưng không sử dụng) gây lãng phí. Có như vậy mới phát huy tối đa hiệu quả kinh tế - xã hội của những công trình được đầu tư số vốn lớn và người dân sẽ có được “niềm vui nước sạch” trọn vẹn.

 

Theo Hạnh Biên

 Báo Hải Dương