1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM:

Giải cứu 18 lao động “nhí” bị bóc lột ở cơ sở may tư nhân

(Dân trí) - Những lao động “nhí” dưới 15 tuổi hoặc lao động chưa thành niên đã bị 2 cơ sở may tại quận Tân Phú (TPHCM) bóc lột sức lao động từ vài năm nay với mức thù lao khoảng... 2.000 đồng/1 giờ.

Các lao động “nhí” được giải thoát khỏi 2 cơ sở may tư nhân
Các lao động “nhí” được giải thoát khỏi 2 cơ sở may tư nhân

Ngày 14/11, Phòng LĐ-TB&XH quận Tân Phú đã ra quyết định đình chỉ hoạt động hai cơ sở may tư nhân có trụ sở đóng tại đường Trần Tấn, phường Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú) do ông Nguyễn Văn Túy (36 tuổi, quê ở tỉnh Thái Bình) và ông Hoàng Văn Việt (52 tuổi, quê ở tỉnh Bắc Giang) làm chủ. Hai cơ sở may tư nhân này được xác định đã vi phạm một số quy định trong Luật Lao động.

Trước đó, sau khi nhận được đơn kêu cứu của nhiều lao động “nhí” đang làm việc tại hai cơ sở may tư nhân nói trên gửi đến Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), ngày 12/11, Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - Bộ Công an đã phối hợp với Công an quận Tân Phú kiểm tra đột xuất hai cơ sở may nói trên, phát hiện các cơ sở này sử dụng 3 lao động trẻ em (dưới 15 tuổi) và 15 lao động chưa thành niên.

Theo lời khai ban đầu của các lao động “nhí” (quê ở huyện Mường Áng, tỉnh Điện Biên, đa số là người dân tộc Kh’Mú), trung bình mỗi ngày các em bị chủ cơ sở may ép làm việc khoảng 15 giờ, với mức tiền công là 2.000 đồng/1 giờ làm việc; mức lương bình quân từ 750.000 - 800.000 đồng/tháng. Ngoài ra tiền lương của các em còn bị chủ giữ lại và chỉ trả sau 1 - 2 năm làm việc. Trong quá trình làm việc tại đây, các em còn bị chủ cấm tiếp xúc với bên ngoài; mọi sinh hoạt đều được “gói gọn” trong khu nhà xưởng. Các em chỉ được ra ngoài chơi vào dịp Tết Nguyên đán.

Điều đáng nói, chủ các cơ sở may này còn dặn các em, trong trường hợp bị người ngoài hỏi tuổi thì phải “khai gian” để đủ tuổi lao động theo quy định của pháp luật.

Cũng theo lời khai báo của các em nhỏ, thông qua sự giới thiệu của một số người đã từng làm tại xưởng may này, các em được gia đình cho vào TPHCM để lao động với lời hứa của chủ cơ sở may là sẽ trả mỗi năm làm việc trên 16 triệu đồng/người. Đa số gia đình các em đều có hoàn cảnh khó khăn nên buộc lòng phải để con em mình vào Nam kiếm sống khi tuổi còn nhỏ. Số lao động “nhí” này được tập hợp tại Hà Nội rồi di chuyển bằng xe khách vào Nam. Một số lao động khác do đích thân chủ cơ sở về quê các em ở các tỉnh Bắc Giang, Cao Bằng... tuyển dụng.          

Như trường hợp của em L.T.L (12 tuổi), L. cho biết, đã vào TPHCM làm việc tại cơ sở may của ông Túy từ tháng 7/2012 theo giới thiệu của người quen. Khi mới vào làm việc, ông Túy dặn L., nếu ai hỏi phải nói sinh năm 1995. Hay em L.V.H. (16 tuổi) kể sau khi vào đến TPHCM làm được một thời gian mới biết công việc quá cực. Tuy nhiên do cha mẹ ngoài quê đã nhận tiền đặt cọc và cũng không có tiền đưa con em mình về nên H. cùng nhiều em khác phải tiếp tục ở lại làm việc kiệt sức tại các cơ sở may tư nhân này.

Các em lên taxi về Trung tâm trợ giúp Phụ nữ - Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại TPHCM
Các em lên taxi về Trung tâm trợ giúp Phụ nữ - Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại TPHCM

Một chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh trong lĩnh vực may mặc tại quận 12 chia sẻ, các cơ sở may mặc tư nhân chủ yếu gia công các mặt hàng ngoài chợ nên họ tận dụng nguồn lao động trẻ em, vừa dễ bóc lột lại dễ quản lý, không cần hợp đồng lao động, mua bảo hiểm hay các thủ tục khác theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy mà lợi nhuận họ thu được là khá lớn.

Hiện các trẻ em này đã được đưa vào Trung tâm Trợ giúp Phụ nữ - Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM). Dự kiến chiều nay 14/11, các em sẽ được đưa về Hà Nội rồi từ đây được về nhà bằng xe ôtô.

Các cơ quan chức năng đang tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý các cơ sở may vi phạm Luật Lao động nói trên.

Trung Kiên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm