1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Ninh:

Giấc mơ được nhìn ánh đèn điện

(Dân trí) - Cách trung tâm huyện chỉ chừng 8km nhưng từ bao đời nay, 18 hộ gia đình người Dao đỏ ở bản Khe Bốc (Tình Húc, Bình Liêu, Quảng Ninh) vẫn sống trong cảnh không điện. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, họ thèm muốn được nhìn thấy ánh đèn điện.

Cái khó bó cái nghèo

Chúng tôi vừa xuất phát thì cơn mưa bất chợt ập xuống như báo hiệu một chuyến đi đầy trắc trở. Thầy Tô Văn Minh - giáo viên dạy ở điểm trường Khe Bốc e ngại: "Mưa thế này đường trơn, khó đi lắm đấy. Em chuẩn bị tinh thần nhé!”. Đây là lần thứ hai tôi trở lại Khe Bốc. Lần trở lại này tôi mới cảm nhận được hết nỗi gian nan, vất vả khi đặt chân đến mảnh đất này.

Bản Khe Bốc nằm sâu dưới thung lũng tách biệt với bên ngoài.
Bản Khe Bốc nằm sâu dưới thung lũng tách biệt với bên ngoài.

Cơn mưa làm cho con đường trở nên trơn và lầy lội, bánh xe chúng tôi lảo đảo, chỉ cần sơ ý một chút là có thể lao xuống vực. Nhìn đôi tay gân đỏ lên vì phải ghìm xe liên tục của thầy Minh, tôi thấy thương cho bà con và thầy trò nơi vùng đất rẻo cao này. Sau gần một tiếng vật lộn với những khúc cua dựng đứng cuối cùng chúng tôi cũng đến được bản Khe Bốc. Bản nằm nép mình vào đỉnh núi Cao Xiêm.

Nhìn từ xa Khe Bốc giống như một lòng chảo tăm tối bị vây kín bằng những ngọn núi, rừng cây. Đây là nơi cư trú của hơn 100 khẩu người Dao đỏ. Cuộc sống của bà con nơi đây nghèo nàn và lạc hậu. Họ sống lầm lũi như con nai, con hoẵng trong rừng. Từ ngày lập bản đến nay, điện lưới quốc gia luôn là một nỗi mong mỏi đối với Khe Bốc. Trưởng bản Dường Cắm Sinh cho biết: “Bản cũng đã kiến nghị lên xã nhiều lần. Xã bảo chờ, cách đây khá lâu thấy có người lên đo đạc đổ cột điện nhưng giờ vẫn phải chờ tiếp. Không biết Khe Bốc sẽ chờ thêm bao lâu nữa?”.

Không có điện sinh hoạt, cuộc sống của bà con dân bản khó khăn trăm bề. Kinh tế không phát triển được, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám hết đời này sang đời khác. Cả bản có 18 hộ trong đó tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo đã chiếm ngót một nửa. Theo kết quả điều tra mức sống ở Khe Bốc thì thu nhập bình quân một tháng thấp nhất khoảng 200 nghìn đồng như hộ ông Chìu Văn Lồng, Chìu Văn Phốc....

“Chỉ mong cái bụng ngày nào cũng được no, thỉnh thoảng có bữa thịt, tối trẻ con có điện để học bài, người lớn được xem ti vi”, ông Chìu Văn Lồng chia sẻ.

Nguồn nước sạch chưa đến được với bà con do vậy dân bản ở đây thường dẫn nước từ trong khe về làm nước sinh hoạt. Nhìn dòng nước đục phủ đầy lá cây và pha lẫn nhiều tạp chất tôi e ngại cho sức khỏe bà con thì một người dân nói bằng tiếng phổ thông chưa sõi cho biết: “Lúc còn bé đã dùng nước này rồi, đời bố mẹ uống đến đời con cháu uống. Cả bản uống không việc gì thì mình cứ uống. Không uống nước khe thì uống nước gì được?”.

Mới 21 tuổi nhưng người phụ nữ trong ngôi nhà này đã là mẹ của 3 đứa con.
Mới 21 tuổi nhưng người phụ nữ trong ngôi nhà này đã là mẹ của 3 đứa con.

Nan giải nhất là việc tiếp cận văn hóa thông tin. Chỉ cách trung tâm huyện 8km nhưng có những gia đình cả đời chưa một lần được nghe đài, xem tivi. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thì càng xa vời đối với dân bản. Từ việc khó về đường đi, trường học, điện chiếu sáng đến việc mù thông tin văn hóa khiến cho cuộc sống của bản Khe Bốc đã nghèo nay còn nghèo thêm.

Giấc mơ nơi bản nghèo

Tiếp chúng tôi trong căn nhà xây bằng gạch trình tường ẩm thấp và tăm tối, trưởng bản Dường Cắm Sinh cho biết: “Nhà nước cấp cho bản bộ dàn hát karaoke để phục vụ cho đám cưới nhưng không có điện nên cứ cất vào trong nhà văn hóa thôn đợi khi nào có điện mới dùng đến”. Theo lời trưởng bản, hầu hết người dân ở đây chủ yếu thắp sáng bằng đèn dầu hoặc nến.

Trung bình một tháng mỗi hộ dùng hết hơn 2 lít dầu (theo giá thị trường 1 lít dầu là 20.400đ/lít tương đương với số tiền mỗi hộ phải chi khoảng 50.000 đồng dùng để thắp sáng từ 7 giờ đến 8 giờ tối). Đối với những gia đình được coi là khá giả thì dùng ắc quy hoặc dùng máy điện cá nhân mua từ Trung Quốc. Tuy nhiên, máy điện chạy bằng sức nước phụ thuộc rất lớn vào dòng chảy.

Thầy Minh giải thích: “Nước bé điện yếu thì sẽ không thắp sáng được, còn những hôm trời mưa nước chảy mạnh phải đi kiểm tra nếu lá cây cuốn vào máy thì phải vớt lên, nếu mưa to thì phải mang máy về nhà”.

Trẻ em nơi đây chỉ mong có điện để học bài.
Trẻ em nơi đây chỉ mong có điện để học bài.

Bên cạnh sự tiện lợi của việc thắp sáng phục vụ đời sống người dân thì nó ẩn chứa bao hiểm họa đe dọa đến tính mạng con người bởi dây nối vào máy phát làm bằng thép không hề có lớp vỏ nhựa bọc bên ngoài nếu không cẩn thận rất dễ bị giật, nhẹ thì tổn thương phần mềm nặng thì mất mạng.

Mới gần 8 giờ mà cả bản Khe Bốc đã chìm ngập trong đêm tối, thấp thoáng trong màn đêm có một vài căn nhà có chút ánh sáng mờ mờ từ hệ thống máy phát điện tự chế. Cả bản không một bóng người, không một tiếng nói chỉ có tiếng ếch nhái rền rĩ trong đêm.

Câu nói của trưởng bản Dường Cắm Sinh cứ đau đáu trong lòng tôi: “Bản mình còn nghèo, chỉ mong sao bà con thoát nghèo, nhà nước sớm kéo điện lưới về bản để bản không còn nghèo khổ, lạc hậu nữa”.

La Lành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm