Giá xăng tăng cao chưa từng thấy, tiểu thư cũng đi xe ghép để tiết kiệm
(Dân trí) - Giá xăng đã gần chạm mốc 30.000 đồng/lít khiến giá taxi, xe công nghệ tăng mạnh. Việc di chuyển quá tốn kém khiến các "tiểu thư" đi làm cũng phải thay đổi cách đi làm.
Là tiểu thư gia đình có điều kiện, chị Jennie Nguyễn đang sống cùng bố mẹ tại khu biệt thự cao cấp tại Long Biên (Hà Nội). Bản tính nhút nhát, sức khỏe lại yếu nên chị Jennie bán chiếc xe hơn 800 triệu đồng bố mẹ mua cho sau nửa năm sử dụng, chọn cách đi làm bằng taxi hoặc xe công nghệ. Trước đây, trung bình mỗi ngày chị Jennie đều mất hơn 400.000 đồng tiền xe để đi và về. Vào những ngày mưa, lạnh giá, giá taxi công nghệ có thể đắt hơn nữa nhưng vì có điều kiện nên chị không mấy bận tâm.
Song hiện nay, giá xăng tăng cao chưa từng thấy, giá xe dịch vụ cùng đồng loạt tăng mạnh khiến chị Jennie đã bắt đầu cảm thấy đắn đo. Dù quen sống theo phong cách tiểu thư, nhưng khi thấy giá gọi xe đã tăng 50.000 đồng so với ngày thường, chị Jennie không khỏi giật mình.
"Giá chung đã tăng hơn trước, giá gọi xe các hãng xe công nghệ còn cao hơn hẳn. Trung bình mỗi ngày tôi mất thêm 100.000 đồng, ngày mưa sẽ mất rất nhiều tiền nên tôi đành phải thay đổi phương thức di chuyển hàng ngày", chị Jennie cho hay.
Chi phí quá lớn lại thay đổi liên tục, chị Jennie đã phải đăng thông tin trong các hội nhóm gần nhà để tìm người đi chung xe. Đăng bài khoảng 30 phút, chị đã kết nối được rất nhiều người có chung nhu cầu.
Bất ngờ vì việc tìm người và xe quá dễ dàng, chị Jennie cho biết, không ít chị em đang có nhu cầu đi xe ghép khi giá xăng tăng quá cao. Tuy nhiên, chị cũng lựa chọn kĩ càng và thử nói chuyện thêm để xem hợp với người nào mới quyết định đi chung.
Do dịch bệnh, chị Jennie quyết định chỉ đi chung với 1 người nữa để đảm bảo giãn cách. Sau khi thương lượng, mỗi tháng chị Jennie và người đi chung sẽ thanh toán 22 ngày (tương đương 22 ngày làm việc) với giá 400.000 đồng/ngày. Mức giá này cố định và không thay đổi vào giờ cao điểm.
Như vậy, mỗi tháng chị Jennie sẽ chỉ mất 4.400.000 đồng. So với việc mỗi ngày mất một khoản tiền lớn cho việc đi lại, chị Jennie đã tiết kiệm được rất nhiều tiền.
Anh Khương, một tài xế chuyên chạy xe dịch vụ tại Long Biên (Hà Nội) cho biết, dịch bệnh khiến nhu cầu đi lại của khách hàng giảm rõ rệt. Tuy vậy, giá xăng tăng cao nên giá dịch vụ buộc phải tăng theo để đảm bảo nguồn sống. Nguyên nhân đó khiến lượng khách của anh Khương càng giảm mạnh.
Cũng theo tài xế này, khách quen của anh đều thay đổi phương thức đi lại. Những người đi làm trong bán kính dưới 5km thậm chí đã lựa chọn đi xe đạp để rèn luyện sức khỏe và tiết kiệm. Khách đi xa hơn quay trở lại di chuyển bằng xe máy cá nhân.
Để có khách, anh Khương phải tham gia vào các hội nhóm và nhận chạy xe ghép. Tuy nhiên, việc đi xe ghép chỉ giải quyết khoảng thời gian và vào buổi sáng và chiều tối. Thời gian còn lại trong ngày anh gần như trống khách.
"Dù vậy, trong lúc khó khăn tôi có hướng kiếm thêm thu nhập hàng ngày cũng đã tốt hơn nhiều anh em trong nghề", anh Khương cho hay.
Đạp xe đi làm thời bão giá xăng
Hai năm trở lại đây, phong trào đạp xe tập thể dục phát triển nhanh ở Việt Nam. Một số người còn sử dụng xe đạp làm phương tiện đi làm thay cho xe máy, ô tô. Tuy nhiên, số người đi xe đạp đi làm vẫn còn hạn chế.
Đang kinh doanh xe đạp Nhật, khi giá xăng tăng mạnh, anh T.A.T. (Hà Đông, Hà Nội) đã gặp không ít khách hàng mua xe để đi lại với mục đích thể dục và tiết kiệm kinh tế.
"Khách tới mua thời điểm này thường là người trung tuổi hoặc học sinh, sinh viên", anh T nói và thông tin thêm, học sinh và sinh viên thường lựa chọn xe Nhật bãi với giá dao động từ 3-7 triệu đồng. Xe của học sinh cấp 1-2 khoảng gần 2 triệu đồng.
Các khách trung tuổi của anh T. thường mua hàng Nhật đấu giá và vận chuyển về bằng máy bay, giá từ 10-20 triệu đồng/chiếc, phù hợp với người có điều kiện.
Đang là sinh viên năm nhất tại Hà Nội, anh Nguyễn Thành Trung (TP Hải Dương) đã quay trở lại trường đi học sau thời gian dài học online. Đi học đúng thời điểm giá xăng cao kỷ lục, gia đình lại không có điều kiện quá tốt nên anh Trung đã bỏ ra hơn 3 triệu đồng để mua xe đạp đi học.
"Đạp xe vừa rèn luyện sức khỏe, tôi vừa có thể tiết kiệm tiền để chi trả cho các sinh hoạt phí khác tăng theo giá xăng", anh Trung nói.
Dịch bệnh khiến lương thưởng của anh Nguyễn Bùi Khoa (Hoàng Mai, Hà Nội) bị cắt giảm, trong khi chi phí cho gia đình vẫn không thay đổi. Thậm chí mùa dịch, anh còn phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua thuốc và bồi bổ sức khỏe cho cả gia đình bị Covid-19.
Để cân đối chi tiêu, anh Khoa đành phủ bạt chiếc xe 4 bánh gửi trong bãi và lấy xe đạp đi làm. Chiếc xe đạp vốn để gia đình anh đi tập thể dục cuối tuần nay lại trở thành phương tiện đi làm của anh.
Đạp xe đi làm ngoài tiết kiệm được tiền xăng xe, anh còn không mất tiền gửi xe 1.200.000 đồng/tháng tại cơ quan và các chi phí phát sinh ngoài ý muốn. "Tiết kiệm được đồng nào cho gia đình tôi cũng thấy vui", anh Khoa nói và chia sẻ thêm, vất vả duy nhất thời điểm hiện tại chỉ là anh phải dậy sớm hơn và thay đổi trang phục cho phù hợp.