Giá xăng dầu trong nước sẽ lại tăng?
Hôm 11/8, trên thị trường thế giới, giá dầu thô đã lập kỷ lục mới khi vượt quá 66 USD/thùng, đạt mức cao nhất trong hơn 20 năm qua. Trước sức ép này, rất nhiều khả năng giá xăng, dầu trong nước sẽ lại được điều chỉnh tăng trong thời gian ngắn sắp tới.
Như vậy, chỉ trong 10 ngày đầu tiên của tháng 8, giá dầu đã tăng tới 4,2% so với mức giá cuối tháng 7 và là mức cao nhất kể từ năm 1983, kể từ khi dầu được mang ra giao dịch chính thức trên các thị trường quốc tế.
Những biến động của giá dầu trong những ngày qua cho thấy giá dầu đã ở một mức mới và trong khi giá xăng, dầu ở các nước trong khu vực, nhất là các nước có chung đường biên giới với Việt Nam tăng lên, cao hơn giá bán ở Việt Nam 2.000 - 3.000 đồng/lít thì sẽ rất khó kiểm soát được tình trạng buôn lậu xăng, dầu. (Ông Nguyễn Khánh Long, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả) |
Chiều ngày 11/8, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính cho biết: "Chúng tôi vẫn theo dõi rất chặt, nếu trong trường hợp bất khả kháng thì sẽ có giải pháp thích hợp nhưng vẫn theo một nguyên tắc là có sự chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, doanh nghiệp (các đơn vị kinh doanh xăng, dầu) và người tiêu dùng. Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên quan điểm không tăng thuế nhập khẩu xăng dầu và vẫn thực hiện bù lỗ đối với giá dầu, tránh những tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô".
Mặc dù không phủ định thông tin về khả năng Bộ Tài chính sẽ ra quyết định điều chỉnh giá định hướng bán lẻ xăng, dầu trong nước (nếu mức giá dầu trên thị trường thế giới còn giữ ở mức cao như hiện nay), nhưng ông Nguyễn Tiến Thỏa cũng dẫn ra quy định của Pháp lệnh giá: "Theo pháp lệnh thì khi giá xăng dầu biến động trong khoảng 30 ngày, vượt quá mức giá vốn thì (Bộ Tài chính) có thể xem xét điều chỉnh chính sách giá và các biện pháp khác".
Về ý kiến của một số doanh nghiệp nhập khẩu xăng, dầu cho rằng nếu Nhà nước giữ nguyên mức giá bán xăng, dầu trong nước thì các doanh nghiệp sẽ thua lỗ, khó khăn trong việc nhập khẩu, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, việc này vẫn còn phải theo dõi vì hiện nay, chưa có doanh nghiệp nào nhập khẩu xăng, dầu theo mức giá chào mới mà vẫn mua theo các mức giá đã ký hợp đồng trước đây và nhiều doanh nghiệp ở một vài thời điểm trong tháng trước đã có lãi ở mức 107-109 đồng/lít xăng, dầu.
Ngay cả trong một số trường hợp nếu nhập khẩu giá cao, bị thua lỗ thì các doanh nghiệp này vẫn được Nhà nước bù lỗ.
Ông Nguyễn Khánh Long, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả của Bộ Tài chính cũng cho biết, cơ quan này chưa nhận được yêu cầu về đánh giá tác động của biến động giá dầu thế giới với thị trường trong nước.
Và "Mặc dù cũng mới điều chỉnh nhưng giá xăng, dầu trong nước không thể neo mãi và điều đó không đúng với quy luật thị trường".
Một vấn đề đang được đặt ra hiện nay là nếu trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính ra quyết định tăng giá bán lẻ xăng, dầu thì việc công bố điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu phải được tổ chức tốt hơn. Trong đợt điều chỉnh giá định hướng bán lẻ xăng, dầu lần trước, đã có một số cơ sở kinh doanh xăng, dầu do biết được thời điểm tăng giá bán trước vài tiếng đồng hồ đã mượn cớ sửa chữa máy móc, kiểm kê để tạm dừng việc bán hàng.
Chiều 11/8, một số công ty đầu mối nhập khẩu xăng, dầu trên địa bàn TPHCM đều cho biết đang chờ quyết định mới của Chính phủ trước việc giá dầu thế giới tăng cao trong những ngày qua. "Những điều chỉnh về giá bán lẻ trong nước cần phải được đưa ra nhanh chóng mới theo kịp diễn biến tức thời của thị trường thế giới. Nếu không, khi quyết định tăng giá bán trong nước được đưa ra mà giá thế giới đã giảm xuống thì người tiêu dùng sẽ thấy... vô lý" - đại diện một doanh nghiệp xăng, dầu nói. Cũng theo nhận định của các công ty này, giá dầu thế giới sẽ không xuống lại mức dưới 60 USD/thùng trong thời gian tới. |
Theo Mai Phương, Mạnh Quân
Thanh niên