“Giá vàng biến động, dầu biến động, giá nông sản cũng vậy!”
(Dân trí) - Sáng 6/11/2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là vị tư lệnh ngành đầu tiên lên “ghế nóng” trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Nói về tình trạng "được mùa mất giá" của nông sản Việt, Bộ trưởng so sánh: "Giá vàng cũng biến động, dầu cũng biến động, giá nông sản cũng vậy!".
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Chau Chắc (đoàn An Giang) đề cập đến vấn đề giá lúa và ngành nông sản còn bấp bênh, chưa đem lại hiệu quả cao cho người sản xuất. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu giải pháp cho vấn đề này.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, lúa gạo là ngành rất rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao. "Thế giới này có 7 tỷ người nhưng có 3,5 tỷ người ăn gạo và các cường quốc đều tập trung cạnh tranh vào chuỗi giá trị này. Điều này còn gây áp lực lớn hơn cho ngành lúa gạo, trong khi hiệu quả thấp", ông Cường nói.
Trước thực trạng trên, ông Cường cho biết, chủ trương lâu dài là giảm dần diện tích trồng lúa. Hiện nay chúng ta có 7,8 triệu ha đất canh tác. Chủ trương tới đây, chúng ta đề xuất Quốc hội giảm nửa triệu héc ta đất canh tác, giảm 3-4 triệu tấn gạo, nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực. Đồng thời với đó tập trung ưu tiên vào nhóm giống lúa gạo có sản lượng, chất lượng cao.
"Lúa gạo không chỉ để bán mà phải trở thành thực phẩm, dược phẩm. Cụ thể, hiện nay dầu cám gạo còn có giá trị cao hơn hạt gạo tự nhiên", Bộ trưởng Cường nói và cho biết, thời gian tới Bộ ngành và địa phương kêu gọi các doanh nghiệp vào tập trung vào chế biến sâu hơn nữa sản phẩm nông nghiệp.
Đại biểu Ngô Thanh Danh (đoàn Đắk Nông) đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp nêu giải pháp về việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi để tránh tình trạng được mùa mất giá như hiện nay. Cụ thể, trong đó cây hạt tiêu mất cả mùa và giá, còn cây cà phê thì mất giá kéo dài, gây khó khăn cho người sản xuất.
Làm rõ vấn đề trên, Bộ trưởng Cường cho biết, vấn đề bất cập nhất ở Việt Nam hiện nay là khâu chế biến, vì vậy chưa thể giải quyết được vấn đề được mùa mất giá.
"Giá vàng cũng biến động, dầu cũng biến động, nông sản cũng vậy! Đại biểu có nói về cây hạt tiệu, Việt Nam sản xuất 350.000 tấn, trong khi thế giới có 600.000 tấn. Như vậy, chúng ta chiếm tới 60% của thế giới. Thừa đến như vậy cơ mà!", Bộ trưởng Cường cho hay.
Theo ông Cường, sản lượng nông nghiệp dư thừa như vậy cũng có trách nhiệm của Bộ và các ngành liên quan. Ông Cường cho biết, thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào chế biến. "Nếu không tập trung vào chế biến thì câu chuyện thừa và thiếu vẫn xảy ra", Bộ trưởng Cường nói thêm.
Đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) chất vấn Bộ trưởng về Nghị định 67, chính sách phát triển thủy sản, giải pháp hỗ trợ ngư dân tới đây ra sao?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn của các đại biểu. (Ảnh: Việt Hưng)
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Nghị định 67 được ban hành nhằm hỗ trợ ngư dân ra khơi, đảm bảo phát triển kinh tế cũng như an ninh quốc phòng trong bối cảnh vùng biển đang có nhiều vấn đề. Chính phủ hỗ trợ trang thiết bị tàu, ngư cụ, các phương tiện đánh bắt để ngư dân yên tâm ra khơi. Kết quả, đến lúc này chúng ta đã phát triển được hơn 1.000 tàu, trong đó hiện có 358 tàu đóng mới gặp nhiều vấn đề, gây khó khăn cho ngư dân.
Với 55 chiếc tàu đang nằm bờ, Bộ trưởng Cường chỉ ra nhiều nguyên nhân: Do đánh bắt không hiệu quả, chủ tàu đã chết, một số chủ tàu không có điều kiện hoạt động, muốn chuyển đổi… Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông đã tham mưu và Thủ tướng đã có quyết sách, thay đổi phương thức đầu tư.
"Hiện nay có tâm lý ỷ lại nên sẽ không hỗ trợ tối đa như trước nữa mà ngư dân ai có tiềm lực thì ra khơi. Dân tự bỏ tiền ra mới khai thác hiệu quả được”, Bộ trưởng nói.
Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo 28 tỉnh thành tổng kết Nghị định 67, đưa ra quyết sách tiếp, khuyến khích ngư dân, còn chính sách không phù hợp sẽ bỏ qua.
Về Nghị định 67, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng tiếp lời Bộ trưởng Nông nghiệp, cho biết, tổng dư nợ hiện nay là 10 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ xấu 33%. Theo ông Hưng, quan trọng nhất là giải pháp và cuối năm 2018, Ngân hàng nhà nước đã chủ động báo cáo Thủ tướng để trên cơ sở đó triển khai các biện pháp, có giải pháp căn cơ, hiệu quả.
Thời gian qua, Ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho ngư dân, ưu tiên thu nợ gốc, nợ lãi thu sau. Tuy nhiên, theo Thống đốc, trước tình hình nợ xấu phát sinh, tới đây sẽ tham mưu, hướng dẫn ngư dân sản xuất khai thác hiệu quả hơn; rà soát các trường hợp có thể hỗ trợ, nhưng nếu ỷ lại sẽ phối hợp thu hồi nợ.
Trước Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ vấn đề liên quan đến đường ra biển của ngư dân bị các khu nghỉ dưỡng bịt kín.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường băn khoăn: "Đường ra biển sao lại đi hỏi ông Bộ Nông nghiệp? Có vẻ không đúng địa chỉ lắm, nhưng tất nhiên vẫn phải có trách nhiệm phối hợp cùng các địa phương và các cơ quan quản lý".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng vấn đề đường ra biển của ngư dân hỏi đến Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là "đúng địa chỉ". (Ảnh: Việt Hưng)
Trước băn khoăn của Bộ trưởng Cường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phải có tiếng nói cho ngư dân. Bởi theo Chủ tịch Quốc hội, ngư dân đánh bắt trên biển và là đối tượng Bộ Nông nghiệp phải lo.
"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có tiếng nói với Bộ ngành nào, địa phương nào đang bịt kín đường ra biển của ngư dân", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Ông Nguyễn Xuân Cường trả lời, nếu nói theo khía cạnh của Chủ tịch Quốc hội thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủng hộ quyết liệt và sẽ cùng ngư dân, cùng với Bộ ngành, địa phương nêu trách nhiệm về vấn đề này để tình trạng như đại biểu nêu sớm được tháo gỡ.
Báo cáo về những nội dung liên quan đến các nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực quản lý của mình, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu nhiều con số đáng chú ý.
Nhóm vấn đề thứ nhất được đặt ra với Bộ trưởng Nông nghiệp là chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác mở cửa, phát triển thị trường nông sản, thủy sản.
Bộ trưởng cho biết, kết quả xây dựng nông thôn mới, đến tháng 10/ 2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) đã được công nhận đạt chuẩn nôn thôn mới, hoàn thành vượt mục tiêu 10 năm (2010-2020).
Tính chung trong 9 năm qua, cả nước đã huy động được 2,4 triệu tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó, ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ trực tiếp cho chương trình gần 320.000 tỷ đồng, chiếm 13,2%; vốn tín dụng chiếm tỷ lệ cao nhất: 57,6% (tương đương 1,4 triệu tỷ đồng)…
Bộ trưởng Nông nghiệp nhấn mạnh vấn đề xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản cho chương trình này. Từ tổng số nợ xây dựng cơ bản trong các năm 2106 - 2017 trên 15.000 tỷ; đến nay đã được giải quyết dứt điểm. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, đây là sự cố gắng rất lớn của các cấp, các ngành, địa phương trong đảm bảo chất lượngcChương trình, tránh việc chạy đua theo thành tích về số xã nông thôn mới.
Vấn đề tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, mở cửa phát triển thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản, Bộ trưởng khẳng định đã tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại tại các thị trường có tiềm năm. Đặc biệt, trong 10 tháng đầu năm 2019, Bộ đã chỉ đạo nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc.
Với nhóm vấn đề “công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cập nhật thông tin về dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi… Kết quả, ngành đã ngăn chặn, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất do dịch bệnh.
Với bệnh dịch nghiêm trọng nhất là tả lợn Châu Phi, Bộ trưởng cho biết, đến hết tháng 10/2019, số lợn buộc tiêu hủy giảm hơn 60% so với tháng 5/2019 là tháng cao điểm. Ngành chăn nuôi đã lưu giữ được khoảng gần 110 nghìn con (90%) lợn cụ kỵ, ông bà chưa bị dịch bệnh và bảo đảm cung cấp lợn giống tái đàn tại các địa phương.
Nhóm vấn đề thứ 3 Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp là về hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, xử lý tồn tại, vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.
Bộ trưởng trình bày giải pháp triển khai thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản nhằm sớm giải quyết vấn đề áp “thẻ vàng” của EC; tiếp tục điều chỉnh các chính sách, quy định vè khai thác kiểm soát tàu cá…để hài hòa với các quy định về kiểm soát thủy sản theo thông lệ quốc tế.
Một hạn chế được nhắc đến trong nội dung này là chương trình hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép để tái cơ cấu ngành thủy sản. Theo chương trình này, 1.030 tàu đã được đóng mới đi vào hoạt động (863 tàu khai thác hải sản, 167 tàu dịch vụ hậu cần) với số vốn vay trên 11.500 tỷ đồng nhưng số nợ quá hạn, nợ xấu cũng tập trung chủ yếu ở nhóm tàu này.
Theo thống kê, có 115 tàu cá vỏ thép không thực hiện công tác đăng kiểm khi tàu hết hạn đăng kiểm (chiếm 32% tàu vỏ thép). Có trên 60% tàu cá vỏ thép không thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng tàu cá theo quy trình duy tu bảo dưỡng dẫn đến nhiều trường hợp tàu cá bị gỉ sét, xuống cấp ảnh hưởng đến tuổi thọ hoạt động của tàu. Số tàu cá được đóng theo Nghị định “67” hiện ngừng hoạt động sản xuất là 55 tàu, chiếm 5,2% tổng số tàu đóng mới, trong đó tàu vỏ thép là 36 chiếc (chiếm 3,5%).
Phương Thảo - Quang Phong